Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

KẾT QUẢ XÂY DỰNG NỀN NGOẠI GIAO TOÀN DIỆN, HIỆN ĐẠI VỚI BA TRỤ CỘT

 

 


Đại hội XIII đã chỉ rõ ba thành tố của ngoại giao là toàn diện, hiện đại và đồng bộ. Đó là toàn diện về lĩnh vực, về cấp độ, về song phương đa phương và về khu vực địa lý. Hiện đại là dựa trên sự cập nhật về cách tiếp cận, gắn quốc gia với khu vực và quốc tế, đan xen lợi ích, tranh thủ khoa học công nghệ và chất lượng cao, bền vững. Đồng bộ là sự phối kết hợp chung các kênh đối ngoại, phối hợp trung ương, địa phương, doanh nghiệp và trong ngoài. Trên tinh thần đó, chúng ta đã triển khai hoạt động đối ngoại toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, từ tăng cường hợp tác chính trị với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực, đến thúc đẩy quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ cho đến hợp tác về văn hóa, du lịch hay trao đổi, giao lưu nhân dân...

Nhìn lại các hoạt động của Việt Nam tại LHQ, ASEAN, hay những trao đổi với lãnh đạo, nhân dân các nước nhân các chuyến thăm, đều nhấn mạnh vấn đề hợp tác kinh tế, bảo đảm môi môi trường hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới; cùng hợp tác xử lý những vấn đề thách thức mà không một quốc gia nào có thể tự mình làm được, như: Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nước biển dâng hay hòa bình an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương; an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông…

Một biểu hiện khác của ngoại giao toàn diện trong nửa nhiệm kỳ vừa qua là chúng ta đã kết hợp tham gia tất cả các cơ chế, diễn đàn song phương và đa phương, qua đó phát huy một cách đồng bộ, toàn diện vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tính hiện đại của ngoại giao cũng được thể hiện ở nhiều điểm. Trước hết, chúng ta tiếp cận với những vấn đề của thế giới và khu vực song trùng với những thách thức đang đặt ra theo cách hiện đại, phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam cùng chia sẻ, cùng tham gia vào những cam kết như biến đổi khí hậu, giảm khí phát thải, đóng góp vào tăng cường vai trò của chủ nghĩa đa phương, LHQ, luật pháp quốc tế. Hay như hoạt động ngoại giao cấp cao cũng được chúng ta triển khai rất tích cực, đồng bộ trên ba trụ cột. Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng đây được coi là một trong những điểm sáng trong nửa đầu nhiệm kỳ của Đại hội XIII. Thông qua đó, lãnh đạo Việt Nam và các nước đã kịp thời đề ra quyết sách về những chương trình hành động thực sự có hiệu quả, phù hợp với lợi ích chung; tạo ra cam kết ở mức cao nhất để triển khai các hành động. Đồng thời, tạo dựng lòng tin trong quan hệ quốc tế.

Một khía cạnh khác của ngoại giao hiện đại mà chúng ta đã làm được, đó là sử dụng các phương tiện, hình thức hiện đại để tham gia vào công tác đối ngoại. Các cuộc hội đàm, trao đổi trực tuyến, công nghệ số đã được sử dụng hiệu quả để tuyên truyền và quảng bá cho Việt Nam, thúc đẩy liên kết với các nước và khu vực cũng như thế giới.

Về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tôi cho rằng đây là một thể thống nhất dù mỗi kênh có những hoạt động đặc thù riêng, và trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, chúng ta đã thực hiện chủ trương kết hợp này rất sáng tạo. Cùng chung nội hàm nhằm thúc đẩy những cam kết về mặt Nhà nước, chính phủ. Đơn cử như việc Tổng Bí thư đi thăm Trung Quốc đã có rất nhiều chương trình hợp tác trên các lĩnh vực; hay Thủ tướng đến các nước cũng nhấn mạnh về tôn trọng thể chế chính trị, về tăng cường trao đổi và tin cậy, lòng tin trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy trao đổi văn hoá, giao lưu nhân dân…

Vì vậy, theo tôi không nên liệt kê một cách đơn thuần đâu là ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước hay đối ngoại nhân dân, bởi trong mỗi một hoạt động đối ngoại đều có mang nội hàm của cả 3 trụ cột. Trong đối ngoại, chúng ta ngày càng tạo thuận lợi và thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào hội nhập quốc tế. Giữa các hoạt động của Đảng, Nhà nước hay nhân dân và doanh nghiệp đều gắn kết song hành với nhau. Nhà nước tạo ra môi trường chính trị và các khuôn khổ về chính sách thuận lợi cho hợp tác của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng tham gia một cách chủ động tận dụng các nguồn lợi thế đó, tranh thủ cả những chuyến thăm và thúc đẩy quan hệ để tham mưu chính sách cho Đảng và Nhà nước.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét