Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội

 


Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội, xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử, thu hẹp những khác biệt giữa các bộ phận xã hội

Đây vừa là quan điểm chỉ đạo, vừa là nguyên tắc quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Đối với một đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, nhiều giai tầng xã hội, đồng thời lại có bối cảnh lịch sử đặc thù như Việt Nam, việc xác lập nhận thức và hành động đúng đắn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa các bộ phận xã hội khác nhau giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Ở nước ta hiện nay, các mối quan hệ cần tập trung giải quyết để củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là mối quan hệ dân tộc, tôn giáo, mối quan hệ với người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong quan hệ dân tộc, Đảng xác định rõ bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Cùng với việc tăng cường quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, giảm thiểu dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, Đảng ta cũng xác định rõ phải kiên quyết “chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc[1].

Trong quan hệ tôn giáo, cùng với việc tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Đảng ta cũng chỉ rõ phải “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”[2]

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng ta khẳng định đây là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, không chỉ quan tâm hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện phát triển kinh tế và đời sống, hội nhập xã hội ở nước sở tại thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh, mà còn phải “tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]. Việc giải quyết tốt các mối quan hệ này không chỉ trực tiếp góp phần củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là cơ sở để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.170-171.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.171.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.171.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét