Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Thực hiện và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội

 


Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước, đồng thời dân chủ còn là phương thức tiến bộ nhất để nhân dân tham gia quản lí xã hội, quản lý Nhà nước. Mặt khác, dân chủ là nhu cầu, khát vọng chính đáng của nhân dân. Nhân dân luôn mong muốn có dân chủ thực sự, luôn coi trọng dân chủ. Thực hiện dân chủ là giải pháp hữu hiệu để tăng cường đoàn kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: muốn đoàn kết phải thực hành dân chủ thực sự, dân chủ rộng rãi; thực hành dân chủ là cách tốt nhất để tăng cường đoàn kết. Thực tiễn cho thấy, nếu ở đâu, lúc nào không thực hành đúng đắn dân chủ xã hội chủ nghĩa, không tôn trọng và bảo đảm các quyền làm chủ, quyền dân chủ thì ở đó, lúc đó đoàn kết bị lỏng lẻo, suy yếu, thậm chí mất đoàn kết kéo dài.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta cũng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của Nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Giải quyết tốt quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, nâng cao cuộc sống của Nhân dân; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các giai tầng xã hội và của mỗi người dân trong tiếp cận cơ hội, đóng góp cho đất nước và thụ hưởng thành quả phát triển”[1].

Bởi vậy, để thực hiện và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa cần phải tiến hàn đồng bộ các nội dung. Trước hết phải xây dựng, hoàn thiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Trong đó tập trung vào xây dựng, hoàn thiện các thể chế, thiết chế, cơ chế, quy chế dân chủ ở các cấp, các lĩnh vực; thừa nhận, tôn trọng và pháp lí hóa các quyền công dân, quyền con người; xác lập nội dung dân chủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mở rộng và hoàn thiện các hình thức dân chủ, bao gồm dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện vì dân chủ tự quản ở các cộng đồng dân cư.

Phát huy dân chủ phải đi đôi với đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật tổ chức, pháp luật Nhà nước và kỷ cương xã hội. Kịp thời ngăn chặn, răn đe, trừng trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những quan điểm, hành vi lợi dụng dân chủ để xuyên tạc chế độ, chống phá nhà nước, vi phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây mất ổn định chính trị xã hội. Mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa phải chủ động ngăn ngừa, phòng chống tập trung quan liêu, dân chủ cực đoan, vô chính phủ, chuyên quyền, độc đoán, lạm dụng quyền lực và dân chủ hình thức, dân chủ giả hiệu, lợi dụng dân chủ để thực hiện hành vi cơ hội, thực dụng, mị dân.

Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc phải quan tâm nâng cao trình độ văn hóa dân chủ cho cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và nhân dân. Cán bộ công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao phó, tuân thủ pháp luật, kỷ luật, tôn trọng, tận tuỵ phục vụ nhân dân, xứng đáng “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Mỗi người dân phải tự giác nâng cao ý thức và năng lực làm chủ của mình và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, có thái độ rõ ràng phân biệt đúng sai, thật giả để không bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, không có hành vi cực đoan sai trái về dân chủ. Luôn nâng cao ý thức trách nhiệm công dân phát huy quyền làm chủ tham gia quản lý xã hội.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, (khóa XIII), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.    .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét