Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Khái niệm tôn giáo, vấn đề tôn giáo ở Việt Nam

 


Theo quan điểm mác xít, tôn giáo là một hiện tượng xã hội, phản ánh hoang đường, hư ảo hiện thực khách quan, thông qua đó những hiện tượng tự nhiên, xã hội trở thành siêu nhiên, thần bí và con người thờ phụng thế giới siêu nhiên, thần bí ấy.

Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, phản ánh niềm tin của con người vào thế giới siêu nhiên, đó là một thế giới không có thật, “thế giới bên kia”, chứ không phải thế giới hiện thực. Con người lấy niềm tin hoang đường, hư ảo ấy làm chân lý, chuẩn mực để giải thích, chi phối hiện thực, và con người có những hành vi với các đối tượng tôn thờ thông qua hệ thống thiết chế tôn giáo, nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người đối với thế giới tâm linh.

Tôn giáo là một cộng đồng xã hội có tổ chức chặt chẽ, có người sáng lập, có giáo lý, giáo luật, lễ nghi, có tổ chức giáo hội, tín đồ và nơi thờ tự. Ví dụ: Đạo Phật, đạo Công giáo, đạo Cao Đài... Nói ngắn gọn, tôn giáo bao gồm: Đức tin và sự thờ phụng.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 của Nhà nước Việt Nam nêu khái niệm: Tôn giáo, là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức[1].

Vấn đề tôn giáo là những bất cập, mâu thuẫn, xung đột cần phải giải quyết trong quan hệ giữa bộ phận quần chúng theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau hoặc trong nội bộ tôn giáo, tác động đến các lĩnh vực đời sống xã hội của một quốc gia dân tộc, khu vực và thế giới. 

Thực chất của vấn đề tôn giáo là những mâu thuẫn, xung đột về ý thức hệ, lợi ích giữa một bộ phận quần chúng theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau, hoặc trong nội bộ tôn giáo trong quốc gia và quốc tế.

Vấn đề tôn giáo nảy sinh ở nhiều phạm vi, cấp độ khác nhau:

Mâu thuẫn tôn giáo có thể bắt nguồn từ những khác biệt, bất cập, nghịch lý các yếu tố như ý thức tôn giáo (giáo lý, giáo luật, tín điều), hành vi tôn giáo (hệ thống lễ nghi), thiết chế, cơ sở vật chất, nơi thờ tự. Mâu thuẫn tôn giáo có thể bắt nguồn từ những tác nhân khác như điều kiện, hoàn cảnh môi trường, quan điểm, thái độ và việc thực thi chính sách đối với tôn giáo của giai cấp thống trị…

Xung đột tôn giáo là những mâu thuẫn giữa các yếu tố tôn giáo, các nhóm tôn giáo, các tổ chức tôn giáo diễn ra gay gắt, quyết liệt, không thể dung hòa (hỗn dung) được, mang tính đối đầu. Xung đột tôn giáo thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn ý thức tôn giáo, sự biến tướng, thay đổi về giáo lý, giáo luật, lễ nghi để phù hợp với phong tục, tập quán của tộc người, địa phương; sự va trạm về địa bàn sinh hoạt, hành đạo, sự chống phá của các thế lực thù địch và những hạn chế, yếu kém trong giải quyết quan hệ tôn giáo; việc thực thi chính sách tôn giáo của nhà nước cầm quyền và các lực lượng tham gia giải quyết vấn đề tôn giáo trên địa bàn.



[1] Mục 5, Điều 2 - Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét