Việt Nam chủ trương hội nhập toàn diện, sâu rộng, đặc biệt
là trên các lĩnh vực có thể phát huy hơn nữa vai trò cũng như phục vụ cho lợi
ích của Việt Nam. Lợi ích mà tôi muốn nói đến ở đây là môi trường xung quanh
hoà bình, ổn định, có lợi cho đất nước; tranh thủ nguồn lực phục vụ phát triển
và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Hội nhập của chúng ta đáp ứng mẫu số
chung đó.
Điển hình như trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, hợp tác
đầu tư và tranh thủ nguồn lực, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua chúng ta đã đạt được
những kết quả khá ấn tượng. Đầu tiên, chúng ta xử lý được những vấn đề cấp bách
do đại dịch gây ra khi kết hợp song hành vừa kiểm soát dịch vừa đảm bảo ở mức
có thể được cho các hoạt động kinh tế. Hoạt động đối ngoại được thực hiện ngay
cả ở trong nước, như việc cộng đồng doanh nghiệp đã cùng chung tay phòng, chống
dịch nhằm sớm khôi phục chuỗi cung ứng. Thứ hai, mặc dù đại dịch hoành hành,
nhưng chuỗi cung ứng của chúng ta không bị tê liệt. Minh chứng là việc cách ly,
phong toả vẫn triển khai, nhưng hàng hoá vẫn được lưu thông nếu điều kiện cho
phép. Vì vậy, dù chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục duy trì
được ở những mức có thể, trong đó có sự phối hợp rất chặt chẽ với các nước về
vấn đề vaccine, về những quan tâm đầu tư hay lợi ích ở Việt Nam của các nhà đầu
tư và doanh nghiệp nước ngoài.
Thời gian qua, chúng ta đã tận dụng khá hiệu quả các thỏa
thuận thương mại, các hiệp định FTA với các nước, đặc biệt là tạo lợi thế để
tiếp cận những nguồn vốn, thị trường xuất khẩu. Đáng chú ý là hoạt động kinh
tế, thương mại của Việt Nam với các đối tác chủ chốt, trong đó có các nước châu
Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Bắc Mỹ, châu Âu đều được
tiếp tục duy trì và thúc đẩy.
Ngoài ra, dù hai năm rưỡi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Việt
Nam đã tăng cường kết nối với ASEAN, với khu vực và các nước đối tác quan trọng
khác. Việc xây dựng đường cao tốc, mở rộng các đường bay, tăng cường các đường
thủy…, đều tạo thuận lợi phục vụ mục tiêu phát triển của mình.
Cũng trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã chủ động tiếp
cận với những xu hướng và mô hình kinh tế mới phục vụ phát triển chất lượng cao
hơn, bền vững hơn. Như bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng
ta đã có cam kết cấp cao và có lộ trình để thực hiện. Đi cùng với đó là những
ngành kinh tế mới như kinh tế xanh, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, đã được tích
cực triển khai để tranh thủ nguồn lực bên ngoài. Các nhà đầu tư lớn ở Bắc Mỹ,
châu Âu rất quan tâm đến thị trường giàu tiềm năng như Việt Nam, nhất là lĩnh
vực chuyển đổi năng lượng. Chuyển đổi số, thương mại số, luôn được nhắc đến
trong các chuyến thăm, trao đổi giữa lãnh đạo Việt Nam với các nước.
Thế giới thời gian qua gặp phải những thách thức về chính
trị, an ninh và những khó khăn rất lớn về mặt kinh tế như lạm phát, năng lượng,
kiểm soát vĩ mô… Các đối tác chủ chốt của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn trong
phục hồi, khả năng tiêu thụ của những thị trường này vì thế bị suy giảm. Tuy
nhiên, bước đầu chúng ta đã khôi phục và phát huy rất tốt các chuỗi cung ứng và
thoả thuận thương mại để phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Kết quả đó chính là sự
chuyển hoá lợi thế quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp với các nước, các đối
tác trở thành cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế, phục vụ cho tiến trình hội nhập
kinh tế quốc tế; hướng tới đưa nền kinh tế vào vị trí cao hơn trong chuỗi giá
trị gia tăng và cung ứng toàn cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét