Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

 

SỬ DỤNG QUYỀN LỰC ĐƯỢC ỦY NHIỆM MỘT CÁCH SÁNG SUỐT LÀ MỘT TRONG NHỮNG YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÁN BỘ LÃNH ĐẠO Ở
VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi xem xét toàn diện các bài học từ lịch sử cũng như các kỳ vọng về tương lai đã đưa ra nhận định khái quát rằng: “Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không thể lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước"[1].
Ngoài các yêu cầu tổng quát như Đại hội XIII đã xác định, đặc biệt là yêu cầu về kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ các phân tích về nhà chính trị tiêu biểu, có thể nhấn mạnh yêu cầu đối với các nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt tại Việt Nam trong thời kỳ mới là: Sử dụng quyền lực được ủy nhiệm một cách sáng suốt
Hệ thống chính trị nước ta về căn bản được xây dựng dựa trên nguyên tắc lãnh đạo tập thể - tức là sự tập trung mang tính dân chủ do V.I.Lênin chủ trương. Đây là nguyên tắc được giữ vững trong suốt lịch sử phát triển của Đảng, dường như không có thay đổi về lý luận, nhưng sự vận hành trên thực tế có sự khác biệt qua các thời kỳ. Đã có những thời điểm, việc sử dụng nguyên tắc này bị cho là quá mức ở cả hai phía - hoặc là tập trung quá mức, hoặc là dân chủ quá mức. Trong bối cảnh hiện nay, chính việc đảm bảo sự cân bằng này là một yêu cầu quan trọng, đặc biệt là với vị trí của các lãnh đạo chính trị chủ chốt. Bài học từ 38 năm đổi mới cũng cho thấy kinh nghiệm này. Tổng Bí thư Trường Chinh đã thể hiện điều này qua hai công việc quan trọng: i) Sử dụng uy tín, sự khích lệ trong tổ chức nghiên cứu thực tế; ii) Sử dụng quyền lực của cương vị Tổng Bí thư để tổ chức, triển khai và tạo dựng các thể chế để đưa các ý tưởng sáng tạo vào thực tế. Việc sử dụng quyền lực sẽ phụ thuộc vào chính tính chất của các thách thức và các tình huống cụ thể mà người lãnh đạo phải đối diện giải quyết, chứ không phải theo một phong cách lý tưởng nào đó. Sự độc đáo trong cá tính của các nhà chính trị tiêu biểu không thể hiện ở sự giống nhau về hình thức sử dụng quyền lực, mà là ở tinh thần nhất quán của việc sử dụng quyền lực đó một cách sáng suốt.
Ngày nay, dưới tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Với bản chất của quyền lực dễ bị tha hóa, do vậy, thực hiện hiệu quả yêu cầu: Sử dụng quyền lực được ủy nhiệm một cách sáng suốt là quan trọng, cần thiết trong mọi hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trên mọi hoạt động trong lĩnh vực lãnh đạo, điều hành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời kỳ mới./.

[1] Nguyễn Phú Trọng: Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới, Báo Nhân Dân, ngày 31-8-2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét