Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với bảo đảm công bằng xã hội


Đại đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với bảo đảm công bằng xã hội, chăm lo lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; thực hiện dân chủ gắn với giữ vững kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Bảo đảm công bằng xã hội đáp ứng và giải quyết hài hòa các lợi ích chính đáng, hợp pháp của các giai tầng trong xã hội là vấn đề then chốt để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lợi ích của các giai tầng, thành phần xã hội phải được bảo đảm và tôn trọng. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích: Lợi ích chung và lợi ích riêng; lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; lợi ích toàn thể và lợi ích bộ phận. Chúng ta phải ưu tiên cho lợi ích chung, toàn thể, lâu dài nhưng không hy sinh lợi ích riêng, lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ.

Nếu như trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vấn đề giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước là lợi ích tối cao, là vấn đề quan trọng hàng đầu, là cơ sở tạo nên điểm tương đồng để quy tụ, huy động sức mạnh toàn dân tộc, thì trong điều kiện hiện nay, dưới tác động của cơ chế thị trường, thì vấn đề lợi ích và các quan hệ lợi ích của các dân tộc, giai cấp, tầng lớp xã hội, lợi ích cá nhân cần phải được bảo đảm và giải quyết hài hòa. Đây là động lực, là điều kiện để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.

Để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, phải phát huy dân chủ gắn với giữ vững kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Ở nước ta, đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xây dựng trên nền tảng dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm và phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân đối với mọi hoạt động của đời sống xã hội. Dân chủ là điều kiện, tiền đề của đại đoàn kết. Do đó, để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát huy dân chủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, để xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một trong những chủ trương, giải pháp quan trọng nhất là “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”[1].

Cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng được Đảng ta xác định là cơ sở để tạo sự đồng thuận xã hội, sự đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng ta khẳng định: “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”, đồng thời “gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Đảng ta nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc[2].



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.118.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.193. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét