Tôi nhắn tin cho đứa cháu thì nhận được câu trả lời rất nhanh: “Con bít rùi (biết rồi), con lun (luôn) lưu ý và không bao giờ bùn (buồn) đâu chú”.
Tôi đọc mẩu tin trả lời mà “toát mồ hôi”cho kiểu viết sai be bét chính tả của nó. Thực ra, cách viết của đứa cháu cũng như rất nhiều bạn trẻ bây giờ được người ta đưa ra một khái niệm mới là ngôn ngữ mạng, chủ yếu rơi vào địa chỉ tại các mạng xã hội và nhiều kênh giao tiếp khác để “chát”với nhau. Đây là thứ ngôn ngữ mà giới trẻ tự“sáng tạo” và không ngừng thay đổivới vô vàn sự biến dạng từ ngữ như: Xợ qué (sợ quá), iu thía (yêu thế), rớ nhóe (nhớ nhé), trùi ui (trời ơi), dư lày (như này), xinh lũi (xin lỗi), ko hỉu (không hiểu)… Về cơ bản, cách viết “chát” vẫn nằm trong cơ chế chung của các quy tắc cộng đồng thừa nhận về từ vựng, ngữ âm. Ai cũng hiểu ngôn ngữ “chát” hay chữ “chát” là hình thức trao đổi, vui đùa, tếu táo trong việc sử dụng ngôn ngữ với cách biến âm, ghép âm nhằm mang ý nghĩa vui chơi, giải trí nhiều hơn sự đúng đắn của chữ, song bên cạnh đó cũng có hàm ý về chiều sâu và nhận thức các thông tin qua trao đổi với nhau. Có người cho rằng, ngôn ngữ mạng là cách biểu lộ sự nhí nhảnh, cảm xúc yêu đời của giới trẻ, tạo sự gần gũi, để việc giao tiếp với nhau trên không gian ảo trở nên sinh động hơn…
Vẫn biết ngôn ngữ “chát” là một “quy ước” của một bộ phận giới trẻ hiểu được nội dung với nhau qua trao đổi mạng. Về nghĩa thì nó cũng giống như dùng từ lóng, vì đây là một hình thức phương ngữ xã hội không chính thức, được sử dụng trong giao tiếp thường ngày của một nhóm người. Tiếng lóng dùng khá phổ biến trong hội thoại nhưng tránh dùng trong văn viết nhằm che giấu ý nghĩa diễn đạt theo “quy ước” và giới hạn, chỉ để cho một nhóm người nhất định hiểu được với nhau mà thôi. Tuy nhiên, ngôn ngữ “chát” hiện tại đang đứng bên bờ vực quá đà, đã làm xê dịch, biến dạng, lệch chuẩn nghiêm trọng ngôn ngữ của chúng ta, cố tình sử dụng từ sai chính tả, cần phải được gióng lên hồi chuông cảnh báo để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt…
Chính tả tiếng Việt là sự chuẩn hóa hình thức chữ viết của ngôn ngữ tiếng Việt. Đây là một hệ thống quy tắc về cách viết các âm vị, âm tiết, từ, cách dùng các ký tự, dấu câu thể hiện, lối viết hoa, thống nhất một cách viết để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Ngôn ngữ là tài sản vô giá của quốc gia, của toàn dân, luôn vận động và biến đổi nhưng phải tuân thủ theo nguyên tắc chính tả của tiếng Việt, bởi đó là hồn cốt, cội nguồn, là bản sắc riêng biệt về ngôn ngữ của chúng ta. Việc lạm dụng ngôn ngữ “chát”thường xuyên sẽ tạo ra một thói quen về cách viết rời rạc, tùy tiện, xa dầnvề chính tả tiếng Việt, gây nhiều tác hại mà chúng ta đã nhìn thấy được khá rõ.
Tôi còn nhớ nhân sự kiện 100 năm chữ Quốc ngữ ra đời, nhiều địa phương và Viện Ngôn ngữ học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm về chữ Quốc ngữ, đa số tham luận của các chuyên gia đầu ngành đều khẳng định Hiến pháp của Nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 đã xác định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia, chữ Quốc ngữ là chữ viết của tiếng Việt nhằmghi lại ngôn ngữ dân tộc. Chữ Quốc ngữ sau khi được xã hội thừa nhận là tài sản chung của mọi người dân Việt Nam thì bất cứ ai tùy tiện thay đổi chữ Quốc ngữ hoặc cố tình làm méo mó, biến dạng, ô tạp tiếng Việt đều không phù hợp với chuẩn mực, đạo đức xã hội. (ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét