Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị

 


Đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của Đảng và cả hệ thống chính trị. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng đoàn kết trong hệ thống chính trị, đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giữ vai trò nòng cốt chính trị trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[1].

Trước hết, việc xây dựng và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn giữ được định hướng chính trị. Sự lãnh đạo của Đảng là “ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII xác định: “chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ”[2]. Sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng là điều kiện tiên quyết để Đảng thực sự xứng đáng là hạt nhân đoàn kết của toàn xã hội.

Vai trò quản lý của Nhà nước đối với việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đặc biệt quan trọng. Đảng ta chỉ rõ: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]. Do đó, cần thường xuyên quan tâm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ta khẳng định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội”[4].

Để phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta chỉ rõ trước hết cần phải phát huy tin thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của mọi cán bộ, Đảng viên, công chức trong bộ máy Nhà nước, đồng thời đặc biệt chú trọng “phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”[5]. Sự vững mạnh của hệ thống chính trị là cơ sở để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, song chính sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là nền tảng để hệ thống chính trị không ngừng được hoàn thiện, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.3.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.95.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.172.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét