Cho đến nay, thuật ngữ “dân tộc”
thường được sử dụng theo hai nghĩa: Nghĩa thứ nhất: Dân tộc (tộc người - Ethnis) là
một cộng đồng người hình thành và phát triển trong lịch sử, có mối liên hệ
tương đối chặt chẽ, bền vững về nguồn gốc, có phương thức sinh hoạt kinh tế, có
ngôn ngữ, đặc điểm văn hóa và ý thức tự giác tộc người. Dân tộc xuất hiện sau
bộ lạc, bộ tộc (Thị tộc, bộ lạc, bộ tộc, dân tộc). Nghĩa thứ hai: Dân tộc (Nation) là cộng đồng
người ổn định trong một quốc gia, có chung lãnh thổ, chế độ chính trị, đời sống
kinh tế, ngôn ngữ, truyền thống, văn hóa, đặc điểm tâm lý, ý thức và tên gọi của
dân tộc.
Vấn đề dân tộc là
những bất cập, nghịch lý, mâu thuẫn cần phải giải quyết trong quan hệ giữa các
tộc người của một quốc gia dân tộc và giữa các quốc gia dân tộc với nhau trên
các lĩnh vực đời sống xã hội, tác động đến sự tồn tại, biến đổi của một dân tộc
cũng như đời sống kinh tế, chính trị trên thế giới.
Các mức độ biểu
hiện của vấn đề dân tộc: Sự chênh lệch giữa các tộc người; sự bất bình đẳng giữa
các tộc người; căng thẳng xã hội giữa các tộc người; xung đột tộc người; tình trạng
thù hằn giữa các tộc người và ly khai dân tộc.
Vấn đề dân tộc thể
hiện đa dạng, sinh động phụ thuộc vào điều kiện lịch sử cụ thể, diễn ra trên
mọi lĩnh vực, phản ánh cả những vấn đề lịch sử và hiện tại; cả phạm vi quốc gia
và quốc tế. Vấn đề dân tộc rất nhạy cảm bởi nó đụng chạm đến tâm lý ý thức tộc
người, lợi ích, bản sắc văn hóa tộc người, dễ bị kẻ thù lợi dụng, kích động
chống phá. Vấn đề dân tộc còn tồn tại lâu dài, theo V.I.Lênin, ngay cả
khi giai cấp và vấn đề giai cấp mất đi thì dân tộc và quan hệ dân tộc vẫn còn
tồn tại lâu dài mãi về sau.
Thực chất của vấn đề dân tộc là
những mâu thuẫn, xung đột lợi ích nảy sinh giữa các tộc người, các quốc gia dân
tộc. Giải quyết vấn đề dân tộc là xác lập những quan hệ công bằng, bình đẳng
giữa các tộc người trong quốc gia dân tộc và giữa các quốc gia dân tộc với nhau
trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hiện nay, ở nước ta vấn đề dân tộc đang nảy sinh những
vấn đề mới, phức tạp rất dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, đó là: Vấn đề
nghèo đói, chênh lệch giàu nghèo ở vùng dân
tộc thiểu số; vấn đề thiếu đất sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tình
trạng mai một văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; chất lượng nguồn
nhân lực các dân thiểu số còn thấp; tệ nạn xã hội gia tăng, diễn biến phức tạp
ở nhiều vùng dân tộc thiểu số và những thách thức từ hội nhập quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét