Bối cảnh tình hình mới cùng kết quả hội nhập và phát triển quan hệ quốc tế của Việt Nam đã khẳng định sự đúng đắn tư duy ngoại giao tiên phong mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Theo đó, ngoại giao tiên phong trước hết phải đi trước và chủ động, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho hoà bình, hợp tác và phát triển. Điều này là vô cùng cần thiết, bởi có môi trường quốc tế, khu vực thuận lợi đã giúp chúng thực hiện thành công đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, một nhiệm rất quan trọng khác của đối ngoại là phải tranh thủ thêm nguồn lực ở bên ngoài phục vụ cho sự phát triển, xây dựng đất nước, như Đại hội XIII đã chỉ ra là phải phát triển ở tầng nấc cao hơn, nhằm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 và 2045. Đồng thời, đối ngoại tiên phong là phải nâng cao vị thế của mình, để bạn bè quốc tế hiểu và tin cậy Việt Nam hơn.
Nhìn lại hai năm rưỡi kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, chúng ta đã gặp phải rất nhiều thách thức về đối ngoại, như cạnh tranh nước lớn, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các nước phải đóng cửa, rồi vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, khủng hoảng, xung đột… Trong bối cảnh đó, đối ngoại của Việt Nam đã làm được rất nhiều việc đáng ghi nhận.
Thứ nhất, cùng với những nỗ lực trong nước, chúng ta đã tranh thủ được hợp tác quốc tế, sự trợ giúp từ bên ngoài mà tiêu biểu là “ngoại giao vaccine” để ngăn chặn và cơ bản vượt qua được đại dịch.
Thứ hai, trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh, dù gặp phải những vấn đề về phong toả trong và ngoài nước, nhưng chúng ta vẫn duy trì được chuỗi cung ứng, gắn chặt với nền kinh tế thế giới và khu vực, đến khi kiểm soát được dịch bệnh thì tiếp tục “bung ra”, khôi phục hoạt động kinh tế, xã hội, nối lại được chuỗi cung ứng.
Thứ ba, tính tiên phong của ngoại giao còn thể hiện ở việc nhanh chóng thích ứng, linh hoạt kết hợp các hình thức trực tuyến và trực tiếp cho các hoạt động song phương, đa phương và quốc tế.
Mặt khác, chúng ta tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực với các đối tác. Nửa nhiệm kỳ vừa qua đã diễn ra nhiều chuyến thăm giữa lãnh đạo nước ta với lãnh đạo các nước trong khu vực, châu Âu đến Bắc Mỹ và Mỹ Latinh. Các chuyến thăm đó vừa thể hiện sự chủ động thúc đẩy quan hệ đối ngoại khi điều kiện kiểm soát dịch đã được bảo đảm, vừa chứng tỏ các nước vẫn cần chúng ta, và chúng ta có thể tiếp tục mở rộng được quan hệ hợp tác. Trên thực tế, quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, bao gồm các nước ASEAN và các nước chủ chốt khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Austraylia, được đẩy mạnh theo cả chiều rộng và chiều sâu, có những mối quan hệ được nâng lên tầm cao mới.
Chúng ta không chỉ phục hồi hoạt động sản xuất, mà còn kịp thời mở rộng các quan hệ hợp tác và hội nhập quốc tế. Một loạt các biện pháp đã được triển khai để tập trung phát triển kinh tế. Trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và các cấp đều đề cập đến việc phục hồi chuỗi cung ứng, tiếp tục mở rộng thị trường, mở rộng hợp tác đầu tư, Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các nước… Điểm mấu chốt trong các chuyến thăm, tiếp xúc là chúng ta đã kịp thời chuyển hướng và tranh thủ được một cách mạnh mẽ các nguồn lực hợp tác. Trong tranh thủ các nguồn lực quốc tế, chúng ta đã tận dụng khá tốt các thoả thuận, dàn xếp thương mại đã có với các nước, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát huy vai trò ở các thể chế đa phương mang tầm thế giới và khu vực. Hoạt động này được kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn với mở rộng hợp tác song phương. Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò ở Liên hợp quốc (LHQ) trong các vấn đề phức tạp, mở rộng tham gia gìn giữ hoà bình, hay thúc đẩy vai trò của mình trong ASEAN, Hội đồng Nhân quyền LHQ… Tham gia xử lý các vấn đề phức tạp ở các diễn đàn quốc tế, khu vực, chúng ta đã kết hợp được quan điểm, lập trường của mình với nguyên tắc Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, cũng như trong tổng thể quan hệ chung của Việt Nam với các nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét