Thứ Năm, 23 tháng 2, 2017

NHẬN DIỆN TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HÓA TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

Dự báo tình hình thế giới và trong nước những năm tới, Đảng ta nêu: “Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) nêu lên 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó xác định việc “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng” là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất.

Để thực hiện vấn đề cấp bách nhất mà Nghị quyết Trung ương 4 xác định, một trong nhiều giải pháp mà Nghị quyết Trung ương đề ra là: Phải chủ động đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong Đảng.
Thuật ngữ “tự diễn biến” (TDB), “tự chuyển hóa” (TCH) xuất hiện gần đây sau chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống các nước xã hội chủ nghĩa và các nước có khuynh hướng tiến bộ không theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Bằng thủ đoạn chống phá, các thế lực thù địch tạo sự TDB, TCH từ bên trong nội bộ. Những biểu hiện TDB, TCH về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã được Đảng ta cảnh báo từ Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII và TDB, TCH lần đầu tiên được khẳng định trong Nghị quyết XI của Đảng. Nhận diện đúng các biểu hiện của TDB, TCH là điều hết sức cần thiết để giành thế chủ động trong cuộc chiến phòng, chống “diễn biến hòa bình”.
“Tự diễn biến” là quá trình đấu tranh giữa các mặt tích cực và tiêu cực, giữa tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa trong nội tâm người cán bộ, đảng viên trước những tác động phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế. Trong đó, yếu tố tiêu cực và tư tưởng tư bản chủ nghĩa dần dần tăng lên; yếu tố tích cực, cách mạng, tư tưởng xã hội chủ nghĩa phai nhạt dần. Đây là quá trình biến đổi từ bên trong chủ thể, đến một thời điểm nhất định, sự biến đổi này sẽ chuyển sang hành động của chủ thể.
“Tự chuyển hóa” là sự nối tiếp của quá trình “tự diễn biến”, nhưng ở cấp độ cao hơn. Đó là sự thay đổi về chất của quan điểm chính trị lẫn đạo đức, lối sống, khiến cho cán bộ, đảng viên không còn là chính mình nữa, chẳng những đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu mà có khi trở thành kẻ phản bội, chống lại Đảng và Nhà nước ta, thậm chí chuyển sang hàng ngũ kẻ thù…
Với cách nhận diện và tiếp cận như trên cho chúng ta thấy, TDB, TCH có quan hệ mật thiết, vừa là âm mưu thủ đoạn, vừa là mục tiêu trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Đối tượng của TDB, TCH mà chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nhằm tới là các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, trong đó tập trung vào hệ thống tổ chức của Đảng, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang.
Biểu hiện của TDB, TCH thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp độ cao, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thể hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; mất niền tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng; công khai đấu tranh phản bác, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và chế độ XHCN mà chúng ta đang xây dựng; bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, núp dưới chiêu bài đấu tranh đòi “dân chủ”, “nhân quyền”, viết hồi ký… hòng xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ các cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta… “cổ súy” cho lối sống tư sản….Ở cấp độ thấp, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thể hiện rất đa dạng và nhiều mức độ, trạng thái khác nhau như: quan điểm cá nhân chủ nghĩa, đề cao lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, xem nhẹ lợi ích tập thể, lợi ích của Nhà nước; tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái; sống quan cách, xa rời quần chúng nhân dân; làm việc theo kiểu cảm hứng, ý chí chủ quan vô nguyên tắc; cơ hội, thực dụng, mất đoàn kết, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc, nói và làm không theo nghị quyết, kế hoạch đề ra, thiếu nghị lực trong cuộc sống, khi gặp khó khăn dễ chán nản, nảy sinh tư tưởng, không đoàn kết, quyết tâm tìm cách khắc phục để vượt qua; phát ngôn thiếu tính đảng, thiếu tính chất xây dựng; lợi dụng phê bình để đả kích nói xấu, hạ bệ người khác; quan liêu, tham nhũng, lãng phí v.v…Tất cả những biểu hiện đó nếu không được đấu tranh ngăn chặn kịp thời nó sẽ phát triển lên cấp độ cao và là mảnh đất màu mỡ của TDB, TCH cũng như chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thực chất tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng ta hiện nay, đang là vấn đề rất phức tạp và là những thách thức lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng mà chúng ta không thể xem thường.
Phòng, chống TDB,TCH trong nội bộ Đảng, thực chất là việc đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên - vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu; giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu; giữa cái thiện và cái ác trong mỗi con người và trong từng tổ chức đảng. Vì vậy, đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ và rất cam go, phức tạp, không thể làm xong trong một sớm, một chiều mà phải tiến hành một cách thường xuyên, liên tục như “đánh răng, rửa mặt hàng ngày” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn chúng ta. Việc đấu tranh, phòng chống TDB,TCH không chỉ cần có quyết tâm và trách nhiệm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội mà chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ. Đồng thời, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân phải luôn tỉnh táo, sáng suốt, cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; tự đề kháng, phòng chống và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực trong đời sống ở xung quanh mình.
 Để thực hiện thắng lợi chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, lý luận, kiên quyết đấu tranh bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là điều kiện tiên quyết để đấu tranh làm triệt tiêu các biểu hiện TDB, TCH trong từng tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên. Toàn Đảng cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh phê phán hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội - dân chủ, chủ nghĩa thực dụng; kiên quyết bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Đây là cuộc đấu tranh không có giới tuyến địch - ta rõ ràng, mà phải sử dụng tư tưởng, lý luận cách mạng đánh bại tư tưởng, lý luận phản động; sử dụng chính nghĩa và sự thật đánh bại sự xuyên tạc, vu cáo; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để rèn luyện đạo đức lối sống, đồng thời khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay...
Hai là, bảo vệ, xây dựng và phát triển hệ thống giá trị, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới trên nền tinh hoa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”. Đấu tranh chống mọi hành động lợi dụng mở cửa, giao lưu văn hóa để quảng bá, tuyên truyền, phổ biến tư tưởng vị kỷ, lối sống tự do, thực dụng.
Ba là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng. Xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững chắc, tăng cường khả năng đề kháng trong nội bộ tạo cơ sở để ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ tác động từ bên ngoài
Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và khắc phục được những khuyết điểm, thiếu sót khi mới nhen nhóm, phát sinh với phương châm “chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính, tự bảo vệ mình là chính”; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống TDB, TCH với tinh thần tích cực tấn công làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Năm là, thực hiện tốt việc tư phê bình và phê bình; nêu cao sự gương mẫu của cấp trên và của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị là cực kỳ quan trọng để cấp dưới học tập, noi theo. Đây là yếu tố có ý nghĩa rất quan trọng để việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đạt kết quả. Cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng phải thực sự tự giác, trung thực, thành khẩn và cầu thị; nghiêm túc nhìn nhận, soi xét lại chính bản thân mình để tiếp tục phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm và sự suy thoái (nếu có). Việc tự giác, trung thực, thành khẩn, cầu thị và dũng cảm nhận khuyết điểm để sửa chữa của cán bộ, đảng viên là yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định kết quả của tự phê bình và phê bình, bởi vì không ai hiểu mình bằng chính mình; không ai có thể biết được tư tưởng, suy nghĩ, hành động của mình ngoài bản thân mình; chỉ có bản thân mỗi người mới biết trong đầu mình, trong tâm mình nghĩ gì? đúng hay sai? tốt hay xấu? Do đó,  chất lượng, hiệu quả của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phụ thuộc trước hết vào sự tự giác, trung thực trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình của mỗi đảng viên, vào kết quả kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 của từng tổ chức cơ sở Đảng. Xây dựng mối đoàn kết thực sự trong Đảng, xây dựng Đảng TSVM và lấy lại niềm tin tuyệt đối, vững chắc trong nhân dân là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi đảng viên và đó cũng là tình cảm thiêng liêng của mỗi người đảng viên chúng ta. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc tự giác nhìn nhận những khuyết điểm của chính bản thân mình là “một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra trong mỗi con người” như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Vì vậy, bên cạnh việc đòi hỏi tự giác của mỗi người cần phải tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, thanh tra của cơ quan Nhà nước và phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí và công luận mới đem lại kết quả./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét