Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

BỨC KÝ HỌA VÀ KÝ ỨC BI TRÁNG


Bức ký họa “Trao đổi tình hình chiến đấu ở trận địa chốt bên bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị, 2-1-1972” được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam miêu tả các cán bộ, chiến sĩ đang họp giao ban trong căn hầm.
Người ngồi trên bao cát, người ngồi trên cuộn dây, ai cũng mang cả trang bị, vũ khí bên mình trong tư thế sẵn sàng chiến đấu... Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, họa sĩ Phạm Ngọc Liệu là tác giả của bức ký họa này.
Năm 1971, khi đang là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, theo tiếng gọi non sông, chàng thanh niên Phạm Ngọc Liệu xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, vào chiến trường Quảng Trị. Những ngày tháng bên đồng đội chiến đấu, ông dùng ngòi bút, giấy vẽ ký họa hàng trăm khoảnh khắc đáng nhớ. Bức ký họa trao đổi tình hình chiến đấu trong căn hầm có một vị trí đặc biệt trong trái tim ông. Ngày ấy, đất lửa Quảng Trị bị bom đạn quân thù cày xới. Hôm ấy, khi bước vào hầm, trong lòng ông trào dâng niềm cảm phục trước những khuôn mặt sáng ngời lòng dũng cảm, tin yêu vào chiến thắng. Ông nhanh chóng lấy bút, giấy vẽ để ký họa lại khoảnh khắc này. Khi hoàn thành bức tranh, ông vừa rời hầm thì pháo địch bắn tới, tất cả đồng đội trong căn hầm hy sinh. Đau xót, thương tiếc đồng đội vô bờ, ông càng day dứt vì chưa kịp ghi lại tên từng đồng đội trong bức ký họa ấy.
Năm 2008, tại Trại sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), họa sĩ Phạm Ngọc Liệu đã mang bức ký họa in lại trên toan, đồng thời viết thêm dòng lưu bút “Những con người này, vĩnh viễn tôi không còn cơ may gặp lại... Nợ các anh, tôi không thể trả. Thành tâm kính cẩn. Tam Đảo, tháng 5-2008. P.Ngọc Liệu” vào tranh. Sau đó, ông gửi tặng tác phẩm của mình tới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (tháng 5-2009) để lưu giữ và giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân.
VĂN LƯU - Báo QĐND
Bức ký họa “Trao đổi tình hình chiến đấu ở trận địa chốt bên bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị, 2-1-1972” của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu.
Có thể là tác phẩm nghệ thuật về văn bản
Tất cả cảm xúc:
2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét