Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

THÓI XU NỊNH- CẦN LOẠI TỪ CƠ SỞ!

"Xu nịnh, được hiểu là cách để lấy lòng nhằm cầu lợi, là hành vi có tính toán của những kẻ ưa dùng xảo ngôn để tâng bốc người có quyền lực, những mong được hưởng lợi, cất nhắc. Nó là căn bệnh của xã hội, thời đại nào cũng có, được xem là mối nguy, gây hệ lụy khôn lường. Câu chuyện nhà giáo Chu Văn An cách đây 7 thế kỷ, vì phẫn nộ khi thấy chính sự bê bối, đã viết Thất trảm sớ, đòi chém 7 kẻ nịnh thần là một bài học sâu sắc từ lịch sử. Ngày nay, không khó để nhận diện thói xu nịnh. Ví dụ điển hình như tại một số hội nghị, sau khi phát biểu ý kiến chỉ đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thường sẽ có những câu hỏi cấp dưới, đại loại như “tôi kết luận như thế có được không” và thường nhận được câu trả lời “sếp nói quá chuẩn” hoặc “sếp kết luận quá đúng”… Việc người đứng đầu đặt câu hỏi cho cấp dưới có thể hiểu là nhằm nắm bắt dư luận, đánh giá của cấp dưới về kết luận, chỉ đạo của mình. Vấn đề cần nói ở đây, chính là câu trả lời của người được hỏi, thay vì đưa ra lời nhận xét, đóng góp chân thật lại lấy lòng cấp trên bằng những lời “lọt tai”. Xu nịnh trong ví dụ nêu trên được xem là ở mức độ nhẹ. Còn ở mức nặng hơn là hành vi mang tính hệ thống của kẻ xu nịnh, luôn nói lời không trung thực. Đương nhiên, nếu những kẻ xu nịnh nắm quyền lực sẽ chỉ lựa chọn, sử dụng những kẻ xu nịnh khác và như vậy, rất dễ làm cho bộ máy bị ảnh hưởng. Thực tế cho thấy, có không ít người thích nghe lời khen, xu nịnh của cấp dưới. Đến một ngày nào đó, chính lãnh đạo ưa nịnh sẽ "há miệng mắc quai" khi "ngập sâu" với kẻ xu nịnh, đành "đâm lao phải theo lao", chịu sự điều khiển, lèo lái của kẻ xu nịnh. Thói xu nịnh nguy hại khôn lường vì nó dẫn tới sự mất tỉnh táo, từ đó đưa ra những lựa chọn sai, quyết định không đúng. Kẻ xu nịnh và kẻ ưa nịnh đều tự hủy hoại nhân cách của mình, làm hại người tốt, thậm chí đây là một trong những căn nguyên gây ra tệ tham nhũng, tiêu cực... (Trích Báo Hà Nội mới, số ra ngày 06/5/2024)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét