Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN BẢO VỆ LỢI ÍCH QUỐC GIA - DÂN TỘC CỦA VIỆT NAM TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 Sang giai đoạn cách mạng mới, hiện nay bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc của nước ta gặp cả những thuận lợi và khó khăn thử thách đan xen chịu sự chi phối tác động của nhiều nhân tố mới.

Trong bối cảnh tình hình thế giới hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng, đồng thời là mục đích của cộng đồng quốc tế. Cục diện thế giới theo hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn, các nước điều chỉnh chiến lược theo hướng đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết. Các nước lớn đang tập hợp lực lượng, liên kết, cạnh tranh lợi ích diễn biến phức tạp, vừa mang lại cơ hội, vừa đặt các nước khác, nhất là các nước nhỏ trước nhiều khó khăn, thách thức. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền áp đặt, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Bối cảnh mới của quốc gia - dân tộc hiện đại còn mở rộng thêm các lợi ích quốc gia - dân tộc, như: hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, tự do lưu thông hàng hóa, tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do khai thác tài nguyên phù hợp với luật pháp quốc tế. Cũng như các quốc gia - dân tộc khác, Việt Nam còn chủ động và tích cực tham gia giải quyết những vấn đề chung của nhân loại, như chống chiến tranh, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh; các thách thức an ninh phi truyền thống (an ninh biển, an ninh mạng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tiền tệ, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố...) mà không một quốc gia nào tự mình đủ sức gánh vác. Cùng với đó thế giới đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe doạ bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt. Môi trường chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang gia tăng, tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ tài nguyên, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến tranh mạng và các thách thức an ninh phi truyền thống diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực với nhiều đặc điểm mới.
Do điều kiện không gian sinh tồn ngày càng bị thu hẹp, việc mở rộng lợi ích quốc gia - dân tộc của nước này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia - dân tộc của nước khác. Để giảm thiểu các mâu thuẫn, xung đột, lợi ích quốc gia - dân tộc cho phù hợp với luật pháp quốc tế, không quốc gia nào tự đặt ra lợi ích vượt ra ngoài quy định của luật pháp quốc tế mà đe dọa đến lợi ích của quốc gia khác và ảnh hưởng đến lợi ích của toàn nhân loại.
Khu vực Đông Nam Á và Biển Đông đang trở thành nơi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức lớn, việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chiến lược biển, đảo giữa các nước trong khu vực; cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung Quốc và can dự của các nước lớn khác; an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực ngày càng phức tạp.
Ở trong nước, những bên cạnh thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới tạo ra thế và lực mới cho công cuộc đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Những năm qua, Việt Nam vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc đó là: Kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong công tác quản lý xã hội còn để xảy ra nhiều vụ cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, tham ô, tham nhũng, lãng phí gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Trong giai đoạn hiện nay, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc cao nhất của Việt Nam là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ gắn liền với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo hộ lợi ích chính đáng và hợp pháp của công dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam trong nước và ở nước ngoài; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa dân tộc...
Thực tiễn cho thấy, trên cơ sở nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”; “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”, Việt Nam luôn nghiêm chỉnh tuân thủ các cam kết quốc tế mà nước ta tham gia, tận dụng hiệu quả các quy tắc, luật lệ quốc tế và tham gia các hoạt động của cộng đồng, khu vực và quốc tế. Đồng thời, chủ động tích cực đề xuất sáng kiến xây dựng, định hình các thể chế đa phương trên nguyên tắc cùng có lợi, với phương châm chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia”; “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, nhất là trong quá trình xây dựng và định hình các quy tắc, cơ chế hợp tác và những luật lệ mới, củng cố và nâng cao vai trò trong cộng đồng khu vực và quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét