Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ!

     Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Thủ đô Hà Nội. Sự quan tâm đó thể hiện rõ trong tư tưởng chỉ đạo của Người về phát triển toàn diện Thủ đô... Cho tới hôm nay, những tư tưởng, lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, là động lực thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội vượt lên, vươn tới xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại!

1. Thủ đô Hà Nội vinh dự là một trong những nơi Bác Hồ sống và làm việc lâu nhất, cũng là nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác. Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, Người đã có gần 100 bài viết, bài nói về Thủ đô. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn mong muốn Thủ đô Hà Nội phải trở thành “đầu tàu” trong các mặt hoạt động, “một thành phố gương mẫu cho cả nước”, là “thành phố tươi đẹp và phồn thịnh”, “Thủ đô của sự đổi mới và phát triển”, “Thủ đô mẫu mực về tinh thần đoàn kết”.

Để thực hiện được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh đến sự gương mẫu và tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ Đảng viên và chính quyền thành phố cùng các tầng lớp nhân dân, đến các phong trào thi đua sao cho thường xuyên và hiệu quả.

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Sau khi hòa bình lập lại, Hà Nội phải giải quyết những hậu quả nặng nề trên nhiều lĩnh vực. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ chiến đấu chuyển sang xây dựng kinh tế.

Nhiệm vụ mới trong công cuộc xây dựng Thủ đô đòi hỏi Đảng bộ Thành phố phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo, chỉ bảo sát sao, động viên, nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền và nhân nhân Thủ đô vượt qua khó khăn, giải quyết các nhiệm vụ đặt ra. Người chỉ rõ: “Mỗi người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, đều cần phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 365).

Cũng vào thời điểm đó, Người còn ra Lời kêu gọi nhân dân Thủ đô giải phóng, trong đó nhấn mạnh: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm góp sức với Chính phủ thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, yên vui và phồn thịnh”.

Ở những năm 60 của thế kỷ XX, những quan điểm, tư tưởng của Người về phát triển của Thủ đô thể hiện rõ nét trong các bài viết, bài nói chuyện với cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô… Trong lĩnh vực kinh tế, Người hết sức lưu ý đến phát triển nông nghiệp, công nghiệp đặc biệt là phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Người đặt ra mục đích, yêu cầu cho các ngành nông nghiệp, thủ công nghiệp và thiểu thủ công nghiệp là sản xuất phải thiết thực, đúng hướng, đảm bảo nhiều loại hàng tốt và rẻ cần dùng cho đông đảo nhân dân; đồng thời luôn nhấn mạnh đến vấn đề cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, áp dụng sáng kiến trong sản xuất.

Người cũng đặc biệt lưu ý đến tinh thần đoàn kết toàn dân trong xây dựng phát triển Thủ đô, nêu cao sự mẫu mực trong quan hệ quốc tế của người dân Hà Nội.

2. Từng trải nghiệm qua nhiều vùng văn hóa khác nhau, cộng với một nhãn quan chính trị sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao văn hóa Hà Nội. Xuất phát từ nhận thức về vị trí địa văn hóa, địa chính trị của Thủ đô là trung tâm văn hóa, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của đất nước nên Người cũng đặt ra nhiệm vụ với Đảng bộ, chính quyền và người dân Hà Nội là làm sao để sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Hà Nội phải trở thành tấm gương cho cả nước.

Ngày 21/1/1958, trong thư gửi HĐND Thành phố Hà Nội, Người nhắc nhở tới một trong các nhiệm vụ của thành phố đó là “Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục, làm cho Thủ đô ta ngày càng thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, trang 27 - 28).

Trong bối cảnh lúc bấy giờ, Người đặc biệt chú ý tới vấn đề xây dựng đời sống mới mà biểu hiện cụ thể chính là đạo đức, lối sống, nếp sống. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng đời sống mới ở Hà Nội là quét sạch các tệ nạn xã hội, là gìn giữ an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội; hình thành và duy trì nếp sống mới, việc làm mới văn minh khoa học; đồng thời phải chú ý tới phát triển các hoạt động văn hóa giáo dục cả về chiều sâu và bề rộng.

Và để phát triển sự nghiệp văn hóa, xã hội của Thủ đô, để xây dựng Hà Nội là thành phố đầu tàu, gương mẫu, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân Thủ đô. Người thường xuyên gửi thư cho các tầng lớp nhân dân Hà Nội, nhắc nhở mọi người cùng phát huy trí tuệ, công sức xây dựng Thủ đô tươi đẹp cả về vật chất và tinh thần. Người khuyên các cháu thiếu niên, nhi đồng Thủ đô “chăm chỉ học tập, hăng hái tham gia công việc khôi phục và xây dựng Thủ đô yêu quý của chúng ta, mà mai sau các cháu sẽ là chủ nhân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 362). Người căn dặn nhân dân Thủ đô “bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì đều cần phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, đều phải góp phần vào công việc ổn định sản xuất của Thủ đô ta” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang 365).

Trong bài viết “Giữ gìn trật tự an ninh” đăng trên Báo Nhân dân, số 236, từ ngày 9 đến ngày 10/10/1954, với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cả nước nhìn vào Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta trở thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Năm 2024, đánh dấu mốc son 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), nhìn lại quãng thời gian 2/3 thế kỷ đã qua có thể thấy những bước chuyển mình của Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực sau ngày giải phóng. Những thành quả, thắng lợi đó được bắt nguồn từ nghị lực, ý chí quyết tâm của nhân dân, và đặc biệt là sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Đảng bộ và chính quyền thành phố.

Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa về phương diện lý luận, học thuật mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, là ánh sáng soi đường, là kim chỉ nam giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực xây dựng Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước hiện nay./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét