Mạng xã hội đã trở thành "công cụ" đắc lực để một số người lợi dụng nhằm xuyên tạc, bịa đặt... ảnh hưởng đến uy tín, danh dự người khác.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Danh dự, nhân phẩm là một trong những quyền nhân thân cơ bản được pháp luật bảo vệ. Điều 101, 102 Nghị định 15/2020 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, người vi phạm bị phạt tiền từ 02 triệu đến tối đa là 70 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung và thực hiện biện pháp bồi thường hậu quả.
Ảnh minh họa.
Ngoài xử phạt hành chính, các đối tượng bắt nạt qua mạng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Mức phạt tối đa với tội danh này là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, xúc phạm người khác có thể bị xử lý theo tội vu khống. Mức phạt thấp nhất của tội danh này là bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Mức phạt cao nhất có thể lên đến 07 năm tù giam.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại nhấn mạnh: Khi bị nói xấu, bôi nhọ, nạn nhân nên bình tĩnh để xử lý vấn đề. Nếu làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, đừng ngại đến cơ quan chức năng để tố cáo kẻ phạm tội và đề nghị cơ quan chức năng xác minh xử lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét