Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

Liêm chính quan chức

 Liêm chính quan chức

“Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc vǎn minh tiến bộ”, đó là nội dung trong bài báo “Cần, kiệm, liêm, chính” của Bác Hồ viết năm 1949.
Trong đó, “Liêm là trong sạch, không tham lam”-thật đơn giản, dễ hiểu, dễ học và dễ làm theo. Bác dạy sâu sắc như vậy, nhưng thực hiện không dễ, vì trong cuộc sống có biết bao nhiêu cám dỗ, cạm bẫy rình rập, nhất là đối với những người có quyền thế, chức vụ, địa vị mà mỗi lời nói, quyết định của họ đều có ảnh hưởng đến nhiều người, thậm chí đến cả cộng đồng. Hiện nay, trong xã hội đang phổ biến một tư duy rằng, hễ là người có quyền, có danh thì có lợi, kể cả cái lợi ích đến từ những hành vi vi phạm pháp luật. Thế nên, có nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý vì sa ngã trước cái lợi bất chính. Trong số ấy cũng có những người trước cái lợi nhỏ thì có thể từ chối được, nhưng với những cái lợi cực lớn như hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng “lại quả” từ các dự án thì đã đánh mất mình.
“Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm” là ước mong của Bác Hồ và của tất cả chúng ta. Đó là dân tộc mà từ người già đến trẻ, từ cán bộ đến người dân, từ công chức, viên chức đến tiểu thương, công nhân, nhà khoa học... đều chăm chỉ, cần cù lao động và sống bằng thu nhập chính đáng. Vì vậy, muốn giữ được thanh danh thì phải tự rèn giũa để có đủ bản lĩnh, phẩm chất mà từ chối những cái lợi không chính danh, cái lợi bất minh, phi pháp, ngõ hầu giữ lấy phẩm cách liêm khiết, trong sạch của bản thân mình.
Biết là không dễ nhưng không thể để tình trạng bất liêm, tham nhũng có nguy cơ lan tràn trở thành phổ biến trong xã hội. Điều đó sẽ làm thoái hóa cả một thế hệ cán bộ và tạo ra hậu quả lâu dài đối với hệ thống chính trị. Vì thế, trước hết, làm sao để quan chức, công chức, những người có quyền lực hay dựa vào quyền lực không thể, không muốn, không dám và không cần tham nhũng, bất liêm, bất chính. Cần phải có một hệ thống đa chiều, vững chắc, bao gồm cả giáo dục đạo đức, hệ thống pháp luật nghiêm minh, nghiêm ngặt và sự giám sát có hiệu quả của xã hội. Các quy trình ra quyết định, quá trình thực thi, nhất là trong các hoạt động kinh tế cần phải được công khai và minh bạch để mọi người có thể theo dõi và giám sát. Công nghệ thông tin có thể được sử dụng để tạo ra các hệ thống giám sát tự động và công khai. Cần phải có các kênh thông tin cho phép và bảo vệ người dân tố cáo về những hành vi tham nhũng mà không sợ bị trù dập. Báo chí và các tổ chức xã hội cũng cần được khuyến khích để đưa ra những báo cáo điều tra về tham nhũng, tiêu cực.
Sau cùng, mỗi quan chức, công chức, viên chức cần phải tự giác tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật bản thân. Họ cần phải nhận thức được rằng: Việc giữ gìn phẩm chất liêm khiết không chỉ là lợi ích cá nhân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng và xã hội; rằng khi họ đút túi một đồng tiền tham nhũng thì có nghĩa ai đó đang nghèo khổ, bệnh tật ngoài kia phải đóng thêm một đồng viện phí, học phí... Quan chức phải xem sự liêm chính của bản thân như là sinh mệnh chính trị của mình. Không cần tham nhũng hại dân mà ngược lại, đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi với nhân dân, họ vẫn có thể có được một cuộc đời đầy đủ hạnh phúc, thanh liêm và nhiều giá trị.
Bài báo “Cần, kiệm, liêm, chính” của Bác Hồ nhằm răn dạy cán bộ về đạo đức, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn non trẻ, toàn quốc kháng chiến trường kỳ. Từ đó đến nay, những thành tựu to lớn, vĩ đại mà Nhà nước và nhân dân ta đạt được có phần quan trọng là nhờ thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Thực tế hiện nay đã cho thấy, những ai không thực hiện lời dạy đó đến nơi đến chốn đã phải trả giá. Đó cũng là bài học đạo đức quý báu đối với mỗi chúng ta.
Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'TỎAÁN ഗറ THA THAHÓA HÓA PHẨM CHẤT ต้ว LOI DỤNG CHỨC VỤ QUYỂNHAN HẠN CÓLÂM TRẢI CÁC QUY ் DINH TRẠ GIAM an'

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét