Xây dựng "thế trận lòng dân" trên không gian mạng
Thực tiễn cho thấy, các thế lực thù địch đang lợi dụng triệt để môi trường không gian mạng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Đứng trước tình hình đó, ngày 25/7/2018, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Tiếp sau đó, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Thực hiện các nghị quyết trên, chúng ta đã tổ chức được thế trận đấu tranh trên không gian mạng khá chặt chẽ. Điều đó thể hiện ở việc chúng ta đã có Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch các cấp trên toàn quốc, có lực lượng đấu tranh chuyên sâu, mạnh mẽ, vừa rộng khắp trong toàn quân và trong các bộ, ngành, có hệ thống báo chí đấu tranh, phản bác rất tốt. Trong đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên đều là hạt nhân xung kích trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm chia rẽ lòng dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gia tăng hoạt động chống phá ta với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng, coi đây là một trong những giải pháp cơ bản, thường xuyên và lâu dài nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Tổ quốc “từ xa”, “từ sớm”.
Trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh trên không gian mạng, góp phần đấu tranh phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản, trọng tâm sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng như Nghị quyết số 29-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật Quốc phòng năm 2018... nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin và hệ thống thông tin, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, làm cho nhân dân hiểu rõ và nhận biết được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đối với nước ta, qua đó, tăng cường “khả năng miễn dịch” cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trước những thông tin xấu độc để các thế lực thù địch không còn “đất diễn”. Có một thực tế là nhiều người dân ở vùng nông thôn không phân biệt được báo chí chính thống và mạng xã hội nên cần tăng cường tuyên truyền, giúp người dân nâng cao hiểu biết, nhận biết rõ kênh thông tin chính thống với kênh thông tin giả mạo.
Đồng thời, trang bị kỹ năng đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, nâng cao trình độ khai thác sử dụng Internet, mạng xã hội cho nhân dân; bồi đắp niềm tin, tinh thần yêu nước, sự kiên định chính trị cho mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân có thể “tự đề kháng”, “tự miễn dịch” và trực tiếp tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng.
Thứ ba, tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức và phương pháp tuyên truyền; chú trọng tổ chức đấu tranh công khai trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng, Internet, mạng xã hội. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội. Các bộ, ngành Trung ương, địa phương cần bám sát các sự kiện chính trị, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch để thực hiện các bài viết chuyên sâu, tài liệu chuyên khảo, thông tin định hướng đấu tranh trên Internet, mạng xã hội.
Thứ năm, có cơ chế phối hợp chặt chẽ, liên kết chặt chẽ hiệu quả hơn trong toàn quân, giữa các bộ, ngành, địa phương trong toàn quốc trên mặt trận đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Cụ thể, khi có một sự kiện xảy ra tại một địa phương, đơn vị cụ thể thì không chỉ Lực lượng 47 của đơn vị, địa phương đó đấu tranh mà tất cả các đơn vị, địa phương cùng phải tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, vu khống. Một sự kiện của quân đội không chỉ quân đội tham gia đấu tranh mà cả quân đội, công an, cả hệ thống chính trị cùng tham gia đấu tranh, phản bác trên không gian mạng để đảm bảo có hiệu quả cao.
Thứ sáu, cần tăng cường tầm soát, chặn lọc kịp thời, bóc gỡ, dập tắt ngay từ trong trứng nước những quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Không để người dân, cán bộ tiếp cận những trang mạng xấu độc. Cùng với đó, cần nghiêm trị những kẻ cố tình lợi dụng không gian mạng để chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nước ta.
Thứ bảy, thường xuyên nắm, dự báo, quản lý, đánh giá chính xác âm mưu, vạch trần thủ đoạn của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền, nhất là trước các sự kiện chính trị, vấn đề nhạy cảm, được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm thông tin nhanh, chính xác, toàn diện, không để các thế lực thù địch lợi dụng "khoảng trống" thông tin để chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Chỉ đạo sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn thông tin chính thống trên báo chí chủ lực để cung cấp, chuyển hóa nguồn thông tin này lên Internet, mạng xã hội, nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền đối với cộng đồng mạng xã hội.
CĐ, VS (st)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét