Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

HÀNH TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 Cách đây 113 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Đây là sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử to lớn và giá trị thời đại sâu sắc.

Ngày 5-6-1911, Người ra đi tìm đường cứu nước đáp ứng đòi hỏi của dân tộc và xu thế của thời đại. Khác với tất cả các sĩ phu yêu nước bậc cha chú và các phong trào do họ lãnh đạo, Người đã nhận thức việc cần làm ngay là tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, tức là con đường vừa khoa học vừa cách mạng, đáp ứng được yêu cầu lịch sử dân tộc, đồng thời phù hợp với xu thế thời đại. Với năng lực trí tuệ sắc sảo và một vốn học vấn chắc chắn, Hồ Chí Minh hiểu nguyên nhân thất bại của các phong trào chống Pháp không phải vì thiếu lòng yêu nước, chí căm thù đế quốc hay khát vọng độc lập tự do mà cái thiếu căn bản là tư tưởng tiên tiến soi đường. Người biết rõ giai cấp phong kiến đã đầu hàng bọn thực dân xâm lược, giai cấp tư sản bất lực trước các nhiệm vụ lịch sử, còn giai cấp công nhân thì vẫn còn trong tình trạng tự phát.
Muốn tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc thì phải xuất phát từ thực tiễn dân tộc, qua lăng kính giải phóng dân tộc để nhìn ra thế giới, khám phá, tìm hiểu thế giới xem họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Kết hợp nhuần nhuyễn hoài bão cứu nước, cứu dân, trí tuệ và bản lĩnh, tư chất khoa học và tinh thần cách mạng, Hồ Chí Minh chắt lọc tinh hoa nhân loại, khám phá, tiếp nhận nhiều trào lưu tư tưởng, nhiều học thuyết.
Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã chuyển tải tư tưởng khoa học và cách mạng vào Việt Nam. Với cách làm khoa học, chu đáo, học thuyết giải phóng dân tộc mang dấu ấn, tư duy Hồ Chí Minh được thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, dẫn tới sự xuất hiện của ba tổ chức cộng sản ở ba kỳ trong vòng sáu tháng từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930. Sự ra đời của các tổ chức Cộng sản là một đòi hỏi của tất yếu lịch sử. Vấn đề đặt ra là phải thống nhất các tổ chức Cộng sản đó lại thành một Đảng duy nhất để tạo sức mạnh về tư tưởng và tổ chức, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ đó một cách xuất sắc, hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành một tổ chức duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Sự kiện này chứng tỏ giai cấp vô sản Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Phong trào giải phóng dân tộc từ đây chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam chuyển sang một bước ngoặt mới, “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”.
Từ đầu năm 1930 trở đi, Nguyễn Ái Quốc cùng Đảng ta dẫn dắt dân tộc Việt Nam làm nên thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên của độc lập, tự do. Tiếp đó, đánh thắng hai đế quốc to, giải phóng miền Bắc rồi miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ năm 1986 đến nay, cả dân tộc thực hiện thắng lợi từng bước công cuộc đổi mới, phấn đấu tạo nền tảng “đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”. Có thể khẳng định rằng đó là những thắng lợi vĩ đại bắt nguồn từ sự kiện lịch sử ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Như vậy, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Nguyễn Ái Quốc đã tin theo V.I.Lênin và Quốc tế thứ ba, tìm được con đường cứu nước đúng đắn: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Ý nghĩa lịch sử lớn lao của sự kiện lịch sử đó là, với việc tìm ra được con đường cứu nước đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra Đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đó là một Đảng theo học thuyết Mác – Lênin, mang đặc điểm Việt Nam và dấu ấn Hồ Chí Minh, đảng chân chính cách mạng, đạo đức, văn minh, ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân và Tổ quốc, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Đảng đó cùng với trí tuệ, bản lĩnh và phương pháp Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam từng bước sánh vai cùng thời đại.
Với những biến cố lịch sử hơn một thế kỷ qua, ngày 5/6/1911, không chỉ là sự kiện đặc biệt đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đi ra thế giới tìm con đư­ờng cứu nước cứu, cứu dân của Hồ Chí Minh mà còn là sự kiện mở ra quá trình Việt Nam từng bước hội nhập vào dòng tiến hóa theo xu thế mới của nhân loại dưới sự dẫn dắt của Người. Trong quá trình đó, trên cơ sở tiếp nhận những giá trị văn hóa văn minh nhân loại và nắm bắt được xu thế phát triển của loài người trong thời đại mới, thông qua con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn, Việt Nam đã kết hợp thành công sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp (cả lực, thế, thời) đưa tới những thắng lợi lịch sử cho cách mạng Việt Nam trong hơn một thế kỉ qua. Mặt khác, trong quá trình đó, dân tộc ta đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại, làm cho thế kỷ XX trở thành thế kỷphi thực dân hóa, thúc đẩy lịch sử loài người tiến lên theo hướng tiến bộ. Bởi vậy, kiên trì con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn không chỉ đơn nhất là giữ vững mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho dân tộc và con người Việt Nam mà còn là giữ vững các nhân tố đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng nước ta (thiên thời-địa lợi-nhân hòa) để đất nước (có lực, thế, thời mới) tiếp tục tiến bước mạnh mẽ nhằm hoàn thiện những mục tiêu vì dân tộc, vì con người Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên hành tinh của chúng ta.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với đường lối đổi mới của Đảng, trên thực tế, sự hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng là tiếp tục quá trình dân tộc ta đi ra thế giới trong điều kiện lịch sử mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh để thu nhận các giá trị văn hóa văn minh nhân loại và nắm bắt xu thế phát triển của loài ng­ười nhằm vận dụng phù hợp với thực tiễn của đất nước. Chỉ có như vậy mới giải quyết tốt các mối quan hệ dân tộc,giai cấp, quốc gia, quốc tế, dân tộc thời đại, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại, liên tục tạo lập lực-thế-thời mới, đưa đất nước phát triển vững chắc thực hiện các mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Mười một thập niên đã trôi qua nh­ưng sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại.Theo ông Hans D’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO, “các chuyến bôn ba nước ngoài mà Người đã trải qua, những trào lưu tư tưởng mà Người đã tiếp nhận và đặc biệt là khả năng giao hòa những sự đa dạng mà Người đã tiếp thu đã khiến Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay”, “phải công nhận rằng thông điệp của Hồ Chí Minh mang giá trị toàn cầu và nó luôn có giá trị thời đại, bởi vì nó hướng tới tương lai”.
Như vậy, có thể nói, trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đan xen những thời cơ và thử thách, những tiêu cực và tích cực, những nghịch lý cuộc đời... thì ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước nói riêng càng được tỏa sáng hơn bao giờ hết. Và trong hành trình hội nhập cùng nhân loại đi đến tương lai, chúng ta càng tin tưởng và kiên trì phấn đấu trên con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã chỉ ra, quyết tâm đưa ngọn cờ của Người đến đích thắng lợi như tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định:Với hướng đi đúng đắn, khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, đất nước ta nhất định sẽ lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét