Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CHO ĐỘI NGŨ LÀM BÁO.

 Hơn lúc nào hết, cần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân.

1. Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”.
Điều đó cho thấy, tính cấp thiết và tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và vai trò, trọng trách của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn dân, của tất cả các lực lượng trong vấn đề này. Tính cấp thiết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới xuất phát trực tiếp và được quy định bởi các nhân tố chủ yếu sau:
Một là, xuất phát từ sự xuyên tạc, chống phá bằng “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Có thể khái quát sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch trên một số vấn đề cơ bản: Thứ nhất, của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, loại bỏ ra khỏi nền tảng tư tưởng của Đảng và đời sống tinh thần xã hội. Thứ hai, công kích, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thứ ba, chống phá quá trình tổ chức thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phủ nhận thành quả cách mạng; triệt để lợi dụng thiếu sót, khuyết điểm của ta trong thực hiện đường lối, nghị quyết, chính sách, pháp luật để chống phá. Thứ tư, xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Chúng còn trực tiếp tiến công vào báo chí cách mạng, vào những nhà báo cách mạng. Với chiêu bài “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, chúng vu cáo Đảng và Nhà nước vi phạm quyền tự do ngôn luận, hòng làm cho báo chí tách rời sự lãnh đạo của Đảng, các nhà báo mất phương hướng chính trị, mất tính chiến đấu trong hoạt động báo chí của mình. Đòn tiến công này của các thế lực thù địch thật sự nguy hiểm đối với sự nghiệp cách mạng, đối với sự phát triển của báo chí cách mạng nước ta.
Hai là, xuất phát từ vai trò to lớn và yêu cầu phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh lịch sử mới. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho hoạt động và là nền tảng tư tưởng của Đảng, ngày càng phát triển, hoàn thiện và thể hiện rõ sức sống của mình trong quá trình đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng chống cộng, thù địch. Đó là biện chứng sự phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tất yếu khách quan, gắn bó chặt chẽ và thống nhất với nhau; đồng thời, gắn bó mật thiết với bảo vệ đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường là hiện thực sinh động làm phá sản mọi sự xuyên tạc, chống phá; đồng thời bảo vệ và làm gia tăng sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn.
Ba là, xuất phát từ tầm quan trọng quyết định của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự sống còn Đảng và chế độ xã hội của nhân dân ta. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào cũng phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Điều này tiếp tục được nhấn mạnh tại Đại hội XIII: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[3]; và khẳng định: đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
2. Trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, báo chí cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng. Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ, báo chí cách mạng phải làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát hiện, khẳng định và nhân rộng ra toàn xã hội cái hay, cái đẹp, những điển hình, những nhân tố mới; đồng thời phải tích cực đấu tranh phê phán cái xấu, cái tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Việt Nam hiện có một hệ thống báo chí khá toàn diện với một đội ngũ những người làm báo hùng hậu: “khoảng 50.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí; gần 1.000 cơ quan báo chí thuộc 04 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, trong đó có 165 cơ quan báo, 663 tạp chí, 23 cơ quan báo điện tử độc lập, 02 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình. Đa số các cơ quan báo chí đều đang nỗ lực để sử dụng được sức mạnh công nghệ làm báo mới”. Với lực lượng hùng hậu và sự đa dạng, phong phú về loại hình, báo chí cách mạng đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hoá, đã và đang đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thời gian qua, báo chí nước ta đã thể hiện rõ vai trò rất quan trọng trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhiều tờ báo đấu tranh kịp thời, sắc bén, vạch rõ và làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; và đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ và sự lãnh đạo của Đảng. Yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi việc làm quan trọng đó của báo chí cần được nêu cao và phát huy hơn nữa.
Trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỹ thuật số và không gian mạng, thì vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng càng trở nên cấp bách và phức tạp. Tính phức tạp của vấn đề không chỉ phản ánh ở những nội dung tư tưởng của các quan điểm sai trái, thù địch tung ra chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; mà còn thể hiện ở thái độ trong chính chúng ta đối với cuộc đấu tranh.
Những tư tưởng e ngại rằng, nếu quá kiên quyết đấu tranh sẽ gây ra “những bất lợi” cho quá trình hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với nước ngoài; rằng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, phát triển của đất nước. Sự e ngại này có vẻ là có cơ sở, nhất là trong tình hình hiện nay. Nhưng cần khẳng định rõ, nếu để cho sự e ngại này phát triển đi đến thiếu kiên quyết và lung túng, “còn bị động” trong đấu tranh như Đảng ta nhận xét, thì lại là một sai lầm hữu khuynh. Chúng ta cũng không rơi vào “tả khuynh”, vì điều đó cũng không có lợi cho sự nghiệp cách mạng. Nhưng chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả với phương châm “kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”, làm thất bại chiến lược “diễn biến hoà bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phải là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của báo chí nước nhà hiện nay như Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định.
Hơn lúc nào hết, cần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: làm báo là để phục vụ đất nước và nhân dân, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.
3. Báo chí phải thực sự là “vũ khí sắc bén” trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hoá và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. Tư tưởng quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong tình hình hiện nay, hơn lúc nào hết, nhà báo cách mạng, dù làm việc trong bất cứ một cơ quan báo chí nào cũng đều phải là “chiến sỹ anh dũng”, ngòi bút của họ đều phải là “vũ khí sắc bén” trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
“Phò chính trừ tà” là thể hiện quan điểm và thái độ rõ ràng của nhà báo cách mạng chân chính. “Phò chính” là bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật, đồng hành với lẽ phải, “trừ tà” là lên án cái xấu cái ác, chống lại phi nghĩa. Muốn “phò chính” thì phải “trừ tà”, muốn “trừ tà” thì phải “phò chính”. Vấn đề không chỉ là có thái độ, quyết tâm; mà điều quan trọng và quyết định là phải biết, phải có đủ năng lực, trình độ để “phò chính trừ tà”. Muốn thực sự là “vũ khí sắc bén” thì vấn đề quyết định đầu tiên đối với những người làm báo là cái tâm phải sáng, có bản lĩnh chính trị vững vàng và con mắt tinh tường nhận thức đúng đắn, rõ ràng đâu là “chính”, đâu là “tà”, không thể nhầm lẫn. Phải “Nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội”. Muốn phân biệt được đâu là “chính” đâu là “tà”, thì phải dựa vào nhân dân, một lòng, một dạ phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc phân biệt đâu là “chính”, đâu là “tà”, trong nhiều trường hợp, trước sự khúc xạ và nhiễu loạn của thông tin, thì việc phân biệt đó thực sự là vấn đề không đơn giản, thậm chí có thể nhầm lẫn. Điều đó đòi hỏi những người báo nhất thiết phải thật sự “lòng trong, tâm sáng”, phải có đủ bản lĩnh và năng lực nhận biết, phân biệt.
4. Nâng cao phẩm chất, năng lực của nhà báo đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới là vấn đề quan trọng đặc biệt, quyết định vai trò và giá trị của báo chí cách mạng.
Thứ nhất, chú trọng nâng cao phẩm chất, nhận thức và trách nhiệm chính trị của đội ngũ làm báo. Đội ngũ làm báo là những người trực tiếp thực hiện, chịu trách nhiệm cao nhất và trực tiếp đối với tác phẩm báo chí của mình; họ phải chuyên tâm “rèn bút, luyện nghề” với tâm thế “bút sắc, lòng trong, tâm sáng”. Theo đó, niềm tin vào lẽ phải, vào chính nghĩa, vào tiền đồ, tương lai tốt đẹp của dân tộc, vào sức mạnh của đất nước; vào đường lối, quan điểm của Đảng; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định vào sự nghiệp đổi mới đất nước, tinh thần phấn đấu một lòng một dạ vì nước, vì dân... là phẩm chất chính trị cơ bản cần có của người cầm bút, của nhà báo trong đấu tranh. Nắm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch thể hiện ở những quan điểm thù địch, sai trái, hiểu thực chất những quan điểm ấy, vững vàng về chính trị, đủ trình độ đấu tranh… là những yêu cầu cơ bản về năng lực của nhà báo.
Với phẩm chất, năng lực như thế, chúng ta mới khả dĩ khắc phục được tình trạng “Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao”. Mới kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng đúng, không tạo “khoảng trống” để các thế lực thù địch chống phá, nhằm tạo thế chủ động trên mặt trận đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thứ hai, nâng cao năng lực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cho đội ngũ làm báo. Đấu tranh chống các quan điểm thù địch, sai trái là cuộc đấu tranh không khoan nhượng; đấu tranh để bảo vệ, đấu tranh để phát triển. Lòng nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao là rất quan trọng, nhưng chưa đủ; điều quan trọng hơn là phải biết đấu tranh, biết làm thất bại, làm “phá sản” âm mưu của những kẻ tung ra các quan điểm thù địch, sai trái, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Sức thuyết phục, tính chiến đấu và giá trị của bài báo phụ thuộc quyết định trực tiếp vào bản thân người cầm bút, vào phẩm chất, năng lực của chính nhà báo. Điều đó đòi hỏi nhà báo phải có phương pháp luận, phương pháp tiếp cận đúng, thực sự khoa học, với một tư duy mới, dựa chắc trên cơ sở hiện thực. Phải nắm chắc những nguyên lý lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nếu hiểu chưa tường tận, nắm không chắc, không đến nơi, đến chốn những nguyên lý lý luận, thì không những không thể bảo vệ được, mà còn có thể trở thành người tuyên truyền không công cho các quan điểm thù địch, sai trái của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, mà không biết.
Điều quan trọng là, phải nắm bắt được tinh thần cách mạng, bản chất khoa học, linh hồn sống, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặt nó trên “mảnh đất hiện thực” đương đại, bổ sung cho nó những “cơ sở lịch sử”, những hiện thực tươi mới. Hiểu rõ và thực chất những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không cứng chắc, máy móc. Có năng lực triển khai, khai thác những nội dung lý luận, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo yêu cầu bài viết; không tùy tiện, tùy hứng, không viết theo kiểu "hàng tôm, hàng cá". Có đủ trình độ, năng lực đấu tranh, phê phán đến nơi, đến chốn, làm rõ tính chất phản khoa học, sự vô căn cứ, sai lý luận và tính chất phản động, chống đối của các quan điểm sai trái, thù địch.
Thứ ba, nâng cao khả năng tự bảo vệ của đội ngũ nhà báo, các tổ chức, cơ quan báo chí. Đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ - V.I.Lênin từng dạy như vậy. Thiếu bản lĩnh và sức đề kháng yếu, không có khả năng tự bảo vệ, thì nhà báo khó có thể thoát khỏi hiểm họa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì thế, cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng lập trường tư tưởng chính trị kiên định, vững vàng cho đội ngũ nhà báo, nâng cao “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” của họ trước quan điểm sai trái, thù địch và trước mọi sự công kích, lôi kéo, mua chuộc.
Gắn với điều đó, phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm, phát huy thế mạnh của báo chí, truyền thông để bảo đảm phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; có biện pháp đấu tranh hiệu quả trên mạng xã hội. “Tăng cường trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong việc thực hiện định hướng thông tin, quản lý phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí. Thực hiện tốt chủ trương: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet”./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét