Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

 CÁI GIÁ CỦA HÒA BÌNH... LÀ VÔ GIÁ ❤️

Không có nỗi đau nào có thể đong đếm được khi 9 người con trai, 2 cháu ngoại và 1 con rể của Mẹ Thứ tiếp chân nhau ra trận rồi lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc.

Mất mát đầu tiên, ngày 18/6/1948, người con trai thứ hai của Mẹ, chiến sĩ giao liên Lê Tự Xuyến bị giặc Pháp bắn ngay tại đầu làng khi đang làm nhiệm vụ. Nước mắt chưa vơi thì tin dữ lại đến, ngày 5/10/1948, người con trai Lê Tự Hàn Anh hy sinh khi làm nhiệm vụ tải thương, 10 ngày sau nữa, người con Lê Tự Hàn Em ngã xuống trong một trận chống càn. Chỉ trong 4 tháng, mẹ mất ba người con. Con trai Lê Tự Lem vừa tròn 20 tuổi, tham gia bộ đội huyện, đã hy sinh trong lúc chiến đấu với giặc vào đầu tháng 4/1954.

Nấm mồ này cỏ chưa kịp lên xanh, mẹ lại phải đắp thêm nấm mộ khác. Mỗi lần nghe tin một người con hi sinh, Mẹ cắn răng khóc thầm. Ðau thương không làm Mẹ gục ngã, Mẹ tiếp tục động viên những người con khác khác lên đường. Các anh rời nhà ra đi, nhiều đêm dài sau đó mẹ trằn trọc, thức trắng âu lo.

Tháng 9/1966, con trai Mẹ là anh Lê Tự Nự hy sinh. Năm 1972, Mẹ lại khóc tiễn đưa hai con là Lê Tự Mười và Lê Tự Trịnh. Năm 1974, đến người con Lê Tự Thịnh, Ðại đội trưởng bộ đội ở Duy Xuyên ngã xuống trong một trận công đồn. Chưa hết, người con trai cả của Mẹ, Lê Tự Chuyển, chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh vào đúng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, ngay trên cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ vào Thành phố, chỉ trước vài giờ khúc khải hoàn ca chiến thắng vang dậy, non sông thu về một mối.

Không những thế, người con rể Ngô Tường tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, bị bắt năm 1956. Tuy bị tra tấn dã man nhưng ông không khai báo nửa lời. Bị đánh đập đến kiệt sức, thi thể ông được chôn tại bãi cát Cẩm Hà (Hội An).

Cháu ngoại của Mẹ là Ngô Thị Cúc và Ngô Thị Điểu gia nhập lực lượng cách mạng từ rất sớm. Năm 1973, chị Ngô Thị Cúc hy sinh trong một chuyến công tác vào vùng địch hậu. Tháng 8/ 1970, chị Ngô Thị Điểu bị lính Mỹ đưa lên máy bay ra tàu thủy để tra hỏi, nhưng chưa tra hỏi được gì thì chị đã qua đời.

Ba mươi năm kháng chiến trường kỳ, bao đau thương mất mát tới tấp dội đến gia đình mẹ với “chín đứa con ra đi không một đứa trở về”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét