Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

KHÔNG THỂ CÓ “TỰ DO BÁO CHÍ TUYỆT ĐỐI”!

     Từ lâu, tự do báo chí đã trở thành một trong những vấn đề mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN ở Việt Nam. Việc các thế lực thù địch, phản động khai thác sức mạnh của truyền thông, khả năng lan truyền nhanh, tầm ảnh hưởng rộng lớn của thông tin trên báo chí, sử dụng chiêu bài “tự do báo chí” để chống phá Việt Nam tuy không có gì là lạ, nhưng vẫn hết sức nguy hiểm!

Thủ đoạn của chúng thường là xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo Đảng và Nhà nước vi phạm nhân quyền, kích động đòi tự do báo chí theo kiểu phương Tây, đòi xuất bản “báo tư nhân”... Về nội dung, chúng tung tin, viết bài bóp méo sự thật, bịa đặt, phản động, xuyên tạc bản chất các sự kiện chính trị, lịch sử. Chúng tiến hành thường xuyên, liên tục theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, nhưng thường tập trung mở “chiến dịch” vào những thời điểm đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, những sự kiện, ngày lễ lớn của quốc gia,... Mục tiêu cơ bản của chúng là phủ nhận bản chất, xóa bỏ chế độ XHCN và sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Phương thức tiến hành không chỉ tán phát nội bộ, mà còn tung lên các trang mạng phản động hoặc in thành các ấn phẩm ở nước ngoài rồi tìm cách tuồn vào trong nước. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, thông qua các hoạt động, nhất là hoạt động đối ngoại trong lĩnh vực báo chí, các thế lực thù địch phát hiện, móc nối, mua chuộc, lôi kéo một số nhà báo có quan điểm, tư tưởng lệch lạc, bất mãn đi theo quỹ đạo “tự do báo chí” phương Tây. Cách làm của chúng hết sức tinh vi, bài bản và nguy hiểm. Bước đầu là mời trả lời phỏng vấn, rồi trở thành “cộng tác viên” thường xuyên viết bài xuyên tạc tình hình trong nước, phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bản chất CNXH, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi nhọ lãnh tụ, công kích lãnh đạo, kích động người dân chống đối chính quyền; truyền bá tư tưởng, quan điểm đa nguyên, đa đảng... Dựa vào việc cơ quan bảo vệ pháp luật bắt giữ một số người lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận chống đối Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật, các thế lực thù địch ra sức vu cáo Nhà nước ta “đàn áp”, “bóp nghẹt tự do báo chí”... Từ đó, núp dưới chiêu bài “bảo vệ nhà báo”, “đấu tranh cho tự do báo chí” để can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Thế nhưng dù có sử dụng chiêu thức gì chăng nữa thì họ cũng không thể phủ nhận được những thành tựu, tiến bộ về tự do báo chí ở Việt Nam đã được quốc tế thừa nhân. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là không ngừng phấn đấu bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí. Bằng nhiều chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khai thác, sử dụng các thông tin báo chí phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; hỗ trợ cải cách hành chính, nâng cao chất lượng cuộc sống và thực hiện các quyền tự do của nhân dân. Theo tinh thần ấy, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về tự do báo chí, tự do Internet. Đến năm 2023, Việt Nam có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp… Internet tại Việt Nam năm 2023 cũng phát triển mạnh với 77 triệu người dùng (chiếm 79,1% dân số). Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới. Mạng xã hội cũng trở thành nền tảng quan trọng ở Việt Nam. Với hơn 70 triệu người tham gia, mạng xã hội ở Việt Nam đã trở thành nhịp cầu kết nối để công dân bày tỏ chính kiến, tổ chức các diễn đàn thảo luận, phản biện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gửi góp ý, kiến nghị đến các cơ quan chức năng... Sự phát triển nhanh số người sử dụng và các phương tiện thông tin đại chúng, Internet cho thấy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam có quyền tự hào với những thành tựu bảo đảm quyền con người nói chung, bảo đảm quyền tự do báo chí nói riêng của mình và kiên quyết đấu tranh, phản bác mọi âm mưu, hành động xuyên tạc, bóp méo sự thật về tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, trong bất cứ chế độ chính trị - xã hội nào, không thể có “tự do báo chí tuyệt đối” như các thế lực thù địch, phản động vẫn rêu rao mà các quốc gia trên thế giới đều có luật và điều khoản xử lý nghiêm khắc hành vi lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam cũng có những quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí trong một số trường hợp phù hợp với Công ước về các quyền dân sự và chính trị, nhằm tôn trọng các quyền hợp pháp và chính đáng, uy tín, danh dự của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội. Tự do báo chí, là “quyền” phải gắn với “trách nhiệm” vì hòa bình và an ninh quốc gia, vì lợi ích dân tộc, chứ không thể là tuyệt đối hóa tự do của cá nhân, tự do vô chính phủ như các thế lực thù địch, phản động cổ súy, tung hô./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét