Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

THẾ NÀO LÀ MỘT CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN CÓ ĐẠO ĐỨC?

 Những yêu cầu đạo đức về ý thức và thái độ xác lập thế giới quan, tư duy cho mỗi cán bộ, đảng viên. Ở chiều ngược lại, nền tảng tư duy lại trở thành bệ đỡ cho hành động của cán bộ, đảng viên trước những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.

Theo Quy định số 144-QĐ/TW/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới thì đạo đức của mỗi cá nhân có thể được nhận diện, đánh giá trên ba phương diện: ý thức vì lợi ích chung và đoàn kết, sự nhất quán giữa phát ngôn với hành động và trách nhiệm, lối sống cá nhân gương mẫu.
Ý thức vì lợi ích chung và đoàn kết
Những yêu cầu đạo đức về ý thức và thái độ xác lập thế giới quan, tư duy cho mỗi cán bộ, đảng viên. Ở chiều ngược lại, nền tảng tư duy lại trở thành bệ đỡ cho hành động của cán bộ, đảng viên trước những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn.
Quy định số 144 nêu rõ, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải luôn ý thức phục vụ lợi ích chung. Đó là các lợi ích của quốc gia-dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước, và Nhân dân. Như vậy, yêu nước, trung thành với Tổ quốc, phục vụ nhân dân, và phụng sự đất nước được xác định là những phẩm chất đạo đức hàng đầu của mỗi cán bộ, đảng viên.
Bên cạnh ý thức phụng sự quốc gia, dân tộc, và Nhân dân, Quy định số 144 yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên định nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, cụ thể là chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhất quán lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội để đất nước trở nên “giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”.
Một cán bộ, đảng viên cũng sẽ được coi là có đạo đức nếu luôn ý thức cao về sự tin tưởng, tôn trọng, gắn bó và đoàn kết với Nhân dân. Để thực hiện được yêu cầu này, tất cả cán bộ, đảng viên phải luôn ý thức về trách nhiệm và bổn phận bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Cán bộ, đảng viên cũng được yêu cầu phải có tâm thế chủ động tham gia vào việc xây dựng, vun đắp sự đoàn kết. Tại cơ quan, đơn vị và nơi cư trú, cán bộ, đảng viên phải là những người “giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất”. Họ phải sẵn sàng “đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm”.
Phát ngôn và hành động
Các chuẩn mực về phát ngôn và hành động sẽ chi phối sự tương tác giữa cán bộ, đảng viên với các cá nhân và tổ chức.
Khái quát nhất, Quy định số 144 yêu cầu cán bộ, đảng viên không được phát ngôn và hành động trái với “Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên cũng không “nói sai sự thật”, phải dám lên tiếng phê phán cái sai và bảo vệ cái đúng, nhất quán giữa lời nói với việc làm.
Một điểm mới liên quan đến quan niệm đạo đức là Quy định số 144 khuyến khích cán bộ, đảng viên “dám nghĩ, dám nói”, tức là không thụ động, tư duy và phát ngôn theo những thông lệ, nếp nghĩ phổ biến, hay suy nghĩ của người khác. Cần hiểu rằng, “dám nghĩ, dám nói” tức là dám suy nghĩ, tư duy khác trước các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn và tự tin để nói ra những chính kiến đó, góp phần tìm ra giải pháp cho các vấn đề lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh hiện nay.
Trên phương diện hành động, theo Quy định số 144, một bổn phận đạo đức hàng đầu của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là phải làm những việc “có lợi cho dân” và hết sức tránh những việc “có hại đến dân”.
Để thực hiện được điều này, cán bộ, đảng viên trước hết phải “tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”, kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm”.
Quan trọng hơn, những hành động vì dân sẽ được khẳng định khi cán bộ, đảng viên không ngại khó, không bàn lùi, bảo đảm sự nhất quán giữa Hành động và Trách nhiệm. Cụ thể, họ phải là những người “dám làm và dám chịu trách nhiệm”, chứ không phải lảng tránh trách nhiệm. Trước những khó khăn, thách thức thì phải “dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân”.
Với những đảng viên làm việc trong các cơ quan Nhà nước, Quy định số 144 đề ra yêu cầu hàng đầu là sự liêm chính, tức là không được lợi dụng công quyền để mưu lợi thiển cận. Cụ thể, cá nhân phải “quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả”, “trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu”.
Không chỉ dừng ở nhận thức, ý thức, hay lời nói, cán bộ công quyền phải hành động để chủ động thể hiện sự liêm chính có tính tự giác của bản thân, thông qua các hoạt động như “phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”.
Lối sống cá nhân
Bên cạnh các chuẩn mực về ý thức vì lợi ích chung và sự đoàn kết, phát ngôn và hành động gắn với vị trí và vai trò, Quy định số 144 cũng đề ra các nguyên tắc, tiêu chí để giúp cán bộ, đảng viên luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân, kiểm soát hành vi và các mối quan hệ xã hội, để trở thành tấm gương đạo đức cho những người khác noi theo trong đời sống và công việc hàng ngày.
Trước hết, cán bộ, đảng viên phải là những người “khiêm tốn, cầu thị, giản dị”, “trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm”, luôn “nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực”. Với cán bộ lãnh đạo, quản lý thì cần “thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải luôn có tinh thần cởi mở, học hỏi để tiến bộ từng ngày, thể hiện qua việc “nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến”, “chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế”, “không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác”.
Trong quan hệ tổ chức thì cán bộ, đảng viên phải coi trọng việc nêu gương và ứng xử chân thành, tình người: “chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng”, “sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ”.
Trong quan hệ gia đình, hàng xóm thì cán bộ, đảng viên phải “làm tốt trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ đối với gia đình, cộng đồng, xã hội”, “tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, “không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng”.
Có thể thấy, Quy định số 144 không chỉ tiếp tục khẳng định các quan niệm bấy lâu nay của Đảng về đạo đức của cán bộ, đảng viên, mà còn bổ sung thêm một số chiều cạnh mới khá tiến bộ. Những giá trị, chuẩn mực thể hiện trong Quy định số 144 sẽ là căn cứ hàng đầu để chúng ta nhận định, đánh giá đúng, sai về đạo đức trong nhận thức, phát ngôn và hành động của cán bộ, đảng viên.
Cũng vì thế, thực hiện nghiêm túc Quy định số 144 sẽ từng bước vun đắp nền tảng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần then chốt vào quá trình phát triển con người Việt Nam theo hướng toàn diện và hiện đại./.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét