Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: GIẢM THIỂU ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT ĐỘC HÓA HỌC SAU CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM!

     Sáng 30/5, tại Hà Nội, Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) - Văn phòng 701 chủ trì, phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và một số cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế về khoa học và công nghệ xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam!

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Thiếu tướng, PGS, TS Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Ủy viên Thường trực Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701); Thiếu tướng, GS, TS Trần Viết Tiến, Phó Giám đốc Học viện Quân y; ThS Lê Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Tại hội thảo, thay mặt Cục Khoa học quân sự, Văn phòng 701, Thiếu tướng, PGS, TS Ngô Văn Giao trình bày Báo cáo đề dẫn hội thảo nêu rõ: Hậu quả của chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, công tác nghiên cứu, khắc phục, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin đối với con người và môi trường đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các điểm nóng về ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin đang từng bước được ngăn chặn, xử lý, góp phần giảm nguy cơ ảnh hưởng đối với sức khỏe con người và môi trường, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều nạn nhân chất da cam/dioxin đã được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và đang được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế như: Tiến độ thực hiện còn chậm do thiếu nguồn lực về vốn, trang thiết bị, khó khăn về công nghệ ; chưa hoàn thành việc tổng điều tra số lượng nạn nhân; việc xác định nạn nhân còn khó khăn do thiếu hồ sơ gốc.

Hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, phát hiện sớm dị tật, dị dạng còn thiếu cơ sở vật chất, nguồn lực. Số lượng các nạn nhân được hộ trợ điều trị y tế, chăm sóc sức khỏe từ các dự án còn rất ít so với nhu cầu thực tiễn.

Công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này chưa đầy đủ, toàn diện, do đây là lĩnh vực rất khó, đặc thù, đòi hỏi các cán bộ nghiên cứu phải rất chuyên sâu; công tác tuyên truyền, vận động tài trợ quốc tế còn có những hạn chế…

Ý kiến tham luận của đại diện các cơ quan, đơn vị của phía Việt Nam, cơ quan, tổ chức quốc tế và các nhà khoa học tham gia tại hội thảo đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc dioxin đến con người và một số kết quả hợp tác, hỗ trợ nạn nhân; kết quả thực hiện, ứng dụng, thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại các sân bay: Đà Nẵng, A So, Biên Hòa; kế hoạch thực hiện dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hòa; xây dựng tiêu chí, các yêu cầu trong thiết kế công nghệ xử lý dioxin và các giải pháp quan trắc môi trường; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh đối với con người và môi trường ở Việt Nam trong thời gian tới.

Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác trong nước, quốc tế về nghiên cứu ảnh hưởng, giải pháp và những yêu cầu trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ xử lý, giảm thiểu hậu quả đối với con người và môi trường do tồn lưu chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam./.
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét