Xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19-5-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng là nhiệm vụ của mỗi trường và của các cơ quan quản lý nhằm bảo đảm chuẩn hóa điều kiện và quá trình hoạt động của trường chính trị, từ đó hướng đến chuẩn hóa kết quả đầu ra. Trong bối cảnh các trường chính trị đẩy mạnh xây dựng trường chính trị chuẩn, việc vận dụng các yếu tố của mô hình chuẩn để quản lý đối với các trường chính trị không chỉ thúc đẩy tiến độ đạt chuẩn, mà còn góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý.
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai - Ảnh minh họa (baogialai.com.vn)
1. Mô hình trường chính trị chuẩn
Xây dựng trường chính trị chuẩn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là việc chuẩn hóa các điều kiện của trường chính trị, cũng như chuẩn hóa quá trình hoạt động của trường nhằm hướng đến chuẩn hóa kết quả đầu ra. Xây dựng trường chính trị theo mô hình chuẩn là biện pháp quan trọng để các trường chính trị khắc phục những hạn chế hiện có, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, giúp các trường chính trị hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả tốt nhất.
Với ý nghĩa đó, ngày 19-5-2021, Ban Bí thư ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn. Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư xác định: “Trường chính trị chuẩn là trường chính trị đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định và được cấp có thẩm quyền công nhận”. Theo Quy định này, trường chính trị chuẩn có hai mức độ với yêu cầu cụ thể khác nhau đối với từng mức độ chuẩn trên 6 tiêu chí:
Một là, thể chế, quy định phải đầy đủ, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, kịp thời, hợp lý, khả thi.
Hai là, đội ngũ cán bộ, viên chức phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm.
Ba là, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm đầy đủ các nhiệm vụ được giao; đáp ứng chất lượng theo quy định.
Bốn là, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn được thực hiện thường xuyên, với số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu; kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phải được chuyển giao theo quy định.
Năm là, văn hóa trường đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương được cụ thể hóa thành tiêu chí và bảo đảm thực hiện tốt.
Sáu là, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính hiện đại, đồng bộ, phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Việc xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW không chỉ là việc của riêng mỗi trường, mà còn là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý đối với trường chính trị, từ cơ quan chủ quản đến cơ quan quản lý chuyên môn, nhằm tạo sự đồng bộ trong toàn hệ thống.
Trong xây dựng trường chính trị chuẩn, công tác quản lý đối với các trường chính trị không chỉ góp phần thúc đẩy quá trình đạt chuẩn của các trường, mà còn tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với các trường.
2. Đổi mới công tác quản lý đáp ứng yêu cầu của trường chính trị chuẩn
Công tác quản lý đối với các trường chính trị cần bám sát 6 tiêu chí của mô hình trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW.
Một là, hoàn thiện thể chế, quy định nhằm tạo cơ sở cho việc quản lý
Thể chế, quy định là cơ sở pháp lý để quản lý các trường chính trị. Thực trạng hiện nay cho thấy, một số quy định chưa có sự thống nhất giữa văn bản của Đảng và quy định của pháp luật; một số quy định còn chồng chéo hoặc chưa quy định cụ thể. Điều này gây trở ngại nhất định cho công tác quản lý đối với các trường chính trị.
Về vị trí của trường chính trị, Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định: Trường chính trị là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Trong khi đó, Nghị định số 125/2011/NĐ-CP ngày 30-12-2011 của Chính phủ quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân quy định: Trường chính trị là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về chức năng, nhiệm vụ của trường chính trị, Quy định số 09-QĐi/TW quy định: Trường chính trị có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Trong khi đó, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18-10-2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01-9-2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chỉ quy định hình thức, nội dung, chương trình, chứng chỉ bồi dưỡng của trường chính trị.
Về chế độ đối với người đứng đầu nhà trường, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì người đứng đầu trường chính trị (đơn vị sự nghiệp công lập) không phải là công chức. Tuy nhiên, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ quy định thực hiện chế độ công chức đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ tổ chức đào tạo lý luận chính trị, hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện.
Về chính sách đối với giảng viên, Thông tư số 01/2018/TT-BNV quy định giảng viên: “được hưởng chế độ về tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp giảng dạy, trả lương dạy thêm giờ và các khoản phụ cấp khác theo quy định của Nhà nước như đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học”.
Việc vận dụng dẫn đến hệ lụy là sự thực hiện không thống nhất giữa các trường bởi chịu sự chi phối chủ quan của người thực hiện. Do đó, để quản lý các trường chính trị, việc quan trọng là phải hoàn thiện thể chế, quy định để làm cơ sở chính trị, pháp lý cho việc quản lý thống nhất.
Hai là, quản lý nhân sự theo vị trí việc làm
Thực hiện chủ trương xây dựng vị trí việc làm trong khu vực công, cần đổi mới phương thức quản lý đối với đội ngũ giảng viên trường chính trị nhằm bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ này. Trước hết, cần xây dựng vị trí việc làm đối với viên chức, giảng viên trường chính trị. Đối với đội ngũ giảng viên, việc xây dựng và quản lý theo vị trí việc làm là rất khả thi, bởi tính chất công việc và sản phẩm đầu ra của giảng viên là rất rõ, dễ lượng hóa.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được phân công chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức của trường chính trị. Nhiệm vụ này đang được triển khai và còn khá lúng túng, chưa cụ thể. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là cơ quan quản lý giảng viên (tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương) cần thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh và đặt trong bối cảnh toàn quốc. Trên cơ sở vị trí việc làm, tỉnh ủy, thành ủy cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho trường chính trị trong việc tuyển dụng giảng viên để nhà trường chủ động lựa chọn được những người phù hợp với công việc giảng dạy, không để trường chính trị bị động tiếp nhận giảng viên.
Đánh giá giảng viên là việc làm rất quan trọng, qua đó nắm bắt được thái độ, động cơ làm việc, khả năng và mức độ hoàn thành công việc của giảng viên. Cần kết hợp các hình thức đánh giá giảng viên; việc đánh giá giảng viên cần tiến hành thường xuyên, định kỳ để xem xét mức độ hoàn thành công việc của giảng viên. Để thực hiện tốt biện pháp này, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá phản ánh được sự gia tăng hiệu quả công việc, mức độ hài lòng của học viên. Đây cũng là cơ sở để bảo đảm công bằng giữa các giảng viên. Mặt khác, cần coi trọng kết quả đánh giá như là một cách xem xét năng lực của giảng viên để điều chỉnh lương và chế độ của giảng viên thay vì để bình xét như hiện nay.
Tạo động lực làm việc cho giảng viên trường chính trị có vai trò rất quan trọng. Tạo động lực thông qua việc xác định rõ mục tiêu cần đạt được của từng giảng viên, bởi vì khi có mục tiêu rõ ràng, giảng viên sẽ có động lực và mục tiêu phấn đấu, chủ động tìm cách đạt được mục tiêu đó. Tạo động lực bằng nhiều cách khác nhau, như: thông qua việc tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp; thông qua sự ghi nhận đóng góp của cấp trên; bằng cơ chế thưởng, phạt rõ ràng đối với giảng viên hoàn thành công việc. Điều này giúp giảng viên khẳng định và thể hiện mình, nhận ra những giá trị để phát triển nghề nghiệp và gắn bó hơn với nhà trường, với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có ý thức phấn đấu và nỗ lực nhiều hơn trong công việc.
Ba là, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn đầu ra
Đánh giá chất lượng đầu ra là sự đo lường nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ do các trường chính trị cung cấp. Đây không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý, mà còn là trách nhiệm với hệ thống chính trị, bởi “sản phẩm đầu ra” của trường chính trị là chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị địa phương. Mặt khác, việc này nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, kiểm định chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của trường chính trị.
Thiết lập việc quản lý chất lượng, thực hiện tốt quy trình đánh giá chất lượng đối với quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Công khai kết quả đánh giá, thực hiện khách quan quy trình kiểm định - công nhận xuyên suốt từ hoạt động tự đánh giá, khảo sát tại chỗ của đồng nghiệp và quyết định công nhận chất lượng của cơ quan quản lý. Giải pháp này sẽ hỗ trợ cho các trường chính trị giải trình công khai các hoạt động của mình cho những người có lợi ích liên quan và vì sự công bằng cho xã hội.
Trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức rất cần phương thức và cơ chế đánh giá khách quan chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng nhằm đo lường chất lượng “sản phẩm đầu ra” để phát huy ưu điểm, có biện pháp khắc phục hạn chế, yếu kém, đồng thời cũng là cơ sở để các cơ quan ký hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng hợp đồng nghiên cứu khoa học đối với trường.
Để quản lý chất lượng “sản phẩm đầu ra” của quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần quản lý theo chuẩn đầu ra. Quản lý theo chuẩn đầu ra là sự đánh giá kết quả đầu ra của quá trình học tập hướng đến năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, với những tiêu chuẩn cần đạt được trên cơ sở sử dụng những nguồn lực đầu vào hợp lý và có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, của cơ sở sử dụng nhân lực. Các hoạt động nhằm biến đổi nguồn lực đầu vào thành đầu ra là hoạt động có định hướng và có kế hoạch để bảo đảm hướng đi đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả.
Quản lý theo chuẩn đầu ra đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị là công cụ quản lý của cơ quan quản lý chuyên môn mà dựa vào đó để xây dựng một hệ thống hỗ trợ công việc, giám sát và đánh giá hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm đạt được kết quả mong đợi. Đồng thời, qua đó biết được điểm vướng mắc để kịp thời điều chỉnh các hoạt động chưa phù hợp.
Để quản lý theo chuẩn đầu ra đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị có hiệu quả, cần có sự vào cuộc của cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, cơ quan quản lý cán bộ cần có sự đo lường chất lượng cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng, nghĩa là đánh giá chất lượng, năng lực cán bộ, công chức, viên chức sau đào tạo, bồi dưỡng. Bởi, nếu cơ quan cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng không đánh giá được sự tiến bộ của người được cử đi học, thì không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Chỉ khi nào cán bộ, công chức, viên chức thực sự mong muốn được đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ công việc thì họ mới tự giác, chủ động, tích cực, nghiêm túc trong việc học tập. Việc đánh giá chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan sử dụng cán bộ sẽ góp phần bảo đảm tính chính xác trong đánh giá chất lượng đầu ra.
Bốn là, quản lý hoạt động khoa học
Việc quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học đối với các trường chính trị hiện nay, mặc dù đã có nhiều cải cách, nhưng vẫn theo cơ chế quản lý hành chính. Theo đó, cơ quan quản lý đặt ra các quy định về quy trình, tiến độ, định mức chi, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học. Điều này buộc cá nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học phải tuân thủ những quy định trong quá trình triển khai nhằm bảo đảm cho việc quản lý kinh phí chặt chẽ, tránh thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, lại không phát huy được tính sáng tạo, chủ động của những người thực hiện nhiệm vụ khoa học. Thực tế cho thấy, việc quản lý hoạt động khoa học theo phương pháp này đôi khi chỉ nhằm quản lý chi ngân sách đúng quy định, trong khi chất lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học không cao, thiếu tính ứng dụng, có tình trạng kết quả nghiên cứu “nằm trong ngăn kéo”.
Để hoạt động nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả, nên thực hiện cơ chế đặt hàng, nghĩa là kết quả nghiên cứu khoa học của trường chính trị được coi như một “mặt hàng”. Trường chính trị chủ động “chào hàng” với các cơ quan, tổ chức; các cơ quan, tổ chức có thể “đặt hàng” với trường chính trị. Đối với kinh phí nghiên cứu, cơ quan quản lý thực hiện theo hình thức “khoán” hoặc “mua trọn gói” kết quả nghiên cứu.
Năm là, quản lý kỷ luật, kỷ cương bằng việc nêu gương
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc nêu gương về đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn có vai trò cực kỳ quan trọng.
Đạo đức nghề nghiệp là gốc của nghề nghiệp, với đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị thì đạo đức nghề nghiệp lại càng quan trọng, bởi đây là những người thực hành “công việc gốc của Đảng”. Trong điều kiện đẩy mạnh xây dựng văn hóa trường đảng, cần có những quy định chặt chẽ về đạo đức nhà giáo trường chính trị để buộc giảng viên phải đạt được và làm việc theo chuẩn mực nghề nghiệp. Chuẩn mực đạo đức trong giảng dạy phải rõ ràng, có quy chuẩn cụ thể. Giảng viên không chỉ chịu trách nhiệm về những hành vi đạo đức của mình trước cấp trên, mà còn trước lương tâm nghề nghiệp. Với những quan điểm trên, khi xây dựng các cơ chế quản lý đối với đội ngũ giảng viên trường chính trị, cần đề cao nền tảng đạo đức, tính chuẩn mực của các giảng viên. Đồng thời, phải có các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức.
Đến nay, Đảng đã ban hành nhiều quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đối với cán bộ, giảng viên trường chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành Quy định về ứng xử văn hóa kèm theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26-10-2017 nhằm giữ gìn, phát huy văn hóa trường đảng với các tiêu chí: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử.
Sáu là, quản lý tài chính theo cơ chế cạnh tranh
Thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan trong hệ thống chính trị đến năm 2030, các trường chính trị đang dần chuyển sang cơ chế tự chủ. Chính vì thế, quản lý đối với các trường chính trị về tài chính cần áp dụng theo cơ chế cạnh tranh.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị là chủ yếu, các trường chính trị cũng thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học theo hợp đồng với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn địa phương. Trong thời gian tới, ngay cả các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan chủ quản giao để thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng nên thực hiện theo cơ chế đặt hàng. Theo đó, kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức không chuyển trực tiếp cho trường chính trị mở lớp, mà sẽ phân bổ cho các cơ quan sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để từng cơ quan ký hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng với trường chính trị. Việc quản lý tài chính theo cơ chế cạnh tranh sẽ buộc trường chính trị phải nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, bởi nếu không sẽ không có “khách hàng”.
Đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, việc quản lý tài chính theo cơ chế cạnh tranh rất có tính khả thi, bởi nghiên cứu khoa học có sản phẩm rõ ràng, dễ định lượng, khi đó việc khoán kinh phí cho hoạt động nghiên cứu dễ kiểm soát. Hoạt động này cần được áp dụng ngày càng rộng rãi và triệt để hơn.
Trong điều kiện áp dụng cơ chế thị trường, việc quản lý các trường chính trị cần từng bước hướng tới việc trao quyền tự chủ nhiều hơn, trong đó có tự chủ về tài chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét