Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là thắng lợi to lớn của dân tộc Việt Nam, đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bức tranh Panorama - tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ_Ảnh tư liệu
1. Chiến thắng Điện Biên Phủ - sự kế thừa và phát triển sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của dân tộc
Chiến tranh nhân dân được hiểu là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN. Chiến tranh nhân dân chính là toàn dân tham gia đánh giặc bằng tất cả các lực lượng và phương tiện sẵn có. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, tư tưởng chiến tranh nhân dân: “Cử quốc nghênh địch” (cả nước đánh giặc) hay “Tận dân vi binh” (mọi người dân là lính) đã góp phần quyết định làm nên những chiến công hiển hách của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đường lối chiến tranh nhân dân được Đảng khởi xướng, lãnh đạo và phát triển trên cơ sở kế thừa truyền thống, kinh nghiệm đánh giặc giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc, vận dụng sáng tạo quan điểm chiến tranh cách mạng là sự nghiệp của quần chúng của chủ nghĩa Mác - Lênin và xuất phát từ thực tiễn tình hình đất nước trong sự so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch.
Ngay ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nội dung đường lối chiến tranh nhân dân đã được Đảng nêu trong Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12-12-1946, đó là: "Đoàn kết chặt chẽ toàn dân; thực hiện toàn dân kháng chiến"(1). Để thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân, Đảng ta chủ trương “Toàn dân kháng chiến, kháng chiến khắp nơi, mỗi phố là một mặt trận, mỗi làng là một pháo đài…”(2). Đường lối chiến tranh nhân dân tiếp tục được bổ sung, phát triển trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19-12-1946) và trong tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh đã khẳng nội dung, tính chất của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp là: “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến toàn dân là nội dung cốt lõi của đường lối kháng chiến. Theo đó, Đảng tổ chức động viên toàn dân tham gia kháng chiến. Để tiến hành chiến tranh nhân dân, Đảng chủ trương, tổ chức mỗi người là một chiến sĩ, mỗi nhà là một ổ đề kháng, mỗi phố là một mặt trận, mỗi làng là một pháo đài. Trong đó, “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”(3).
Đảng kêu gọi, động viên, tổ chức toàn dân tham gia kháng chiến bằng cách đưa họ vào các đoàn thể, tổ chức kháng chiến, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang ba thứ quân, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Động viên toàn dân tham gia đánh giặc, Đảng đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo của mỗi người dân và từng địa phương, toàn dân là lính, khiến kẻ thù đi đến đâu cũng bị đánh, bị đẩy vào mâu thuẫn không thể giải quyết giữa phân tán và tập trung xây dựng lực lượng cơ động chiến lược để đối phó với chủ lực của quân ta. Quân đội viễn chinh Pháp không chỉ phải chống chọi với một quân đội chính quy, mà còn phải đương đầu với cả một dân tộc đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, phát huy mọi tiềm năng và sức mạnh của toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù. Tiến hành chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp không chỉ đánh ta về quân sự, mà còn chống phá ta cả về chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa - tư tưởng,... Chính vì thế, quân và dân ta cũng phải đánh địch trên tất cả các mặt trận. Trong chiến tranh, quân sự là mặt đấu tranh chủ yếu, đấu tranh vũ trang trên chiến trường giữ vai trò quyết định. Tuy nhiên, hoạt động quân sự không thể tách rời các hoạt động khác. Các mặt đấu tranh chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa - tư tưởng đều có vị trí, vai trò riêng, góp phần vào thắng lợi chung, cũng như hỗ trợ cụ thể cho đấu tranh quân sự trong những thời điểm và hoàn cảnh nhất định.
Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đường lối chiến tranh nhân dân được thể hiện sinh động qua sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(4) đã phát huy sức mạnh toàn dân tộc, cống hiến sức người, sức của cho tiền tuyến. Có thể nói, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
2. Chiến thắng Điện Biên Phủ - chiến thắng của sức mạnh toàn dân tộc
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, để đánh thắng đội quân nhà nghề với vũ khí trang bị hiện đại và hệ thống phòng thủ vững chắc, ta phải tiến hành chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, huy động sức người, sức của to lớn cho chiến dịch.
Về lực lượng tham gia chiến tranh nhân dân chính là toàn dân đánh giặc. Hưởng ứng Nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đã xung trận, nhân dân ta từ vùng tự do đến vùng địch hậu, hậu phương tới tiền tuyến, miền núi và miền xuôi, già, trẻ, gái, trai đã “đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”(5).
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, không chỉ có lực lượng quân đội tham gia đánh giặc, mà toàn dân bằng mọi phương tiện, vũ khí có trong tay đều tham gia đánh giặc. Nhờ đó, ta đã huy động đông đảo nhân dân tham gia với gần 10 vạn người, bao gồm bộ đội, dân công và các lực lượng khác. Tính riêng lực lượng tham gia chiến đấu lên đến 55.000 người. Chiến tranh nhân dân là cội nguồn sức mạnh dân tộc, cơ sở bảo đảm thắng lợi của toàn chiến dịch.
Về công tác hậu cần, thực hiện khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng, các địa phương đã cung cấp 23.000 tấn gạo, 266 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm, cùng gần 21.000 chiếc xe đạp thồ, gần 1.000 con ngựa thồ, hơn 3.000 chiếc thuyền và hơn 261.400 lượt dân công với 12 triệu ngày công phục vụ chiến dịch”(6). Đây thực sự là sức mạnh của chiến tranh nhân dân, hậu cần toàn dân bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng; qua đó, giải quyết được vấn đề “khó khăn nhất” đó là công tác hậu cần, bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi.
Hưởng ứng Nghị quyết của Bộ Chính trị và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam đã xung trận, nhân dân ta từ vùng tự do đến vùng địch hậu, hậu phương tới tiền tuyến, miền núi và miền xuôi, già, trẻ, gái, trai đã “đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này” |
Trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, ta chủ trương phân tán lực lượng địch ra đánh trên khắp các chiến trường từ Tây Bắc, Liên khu 3 đến Bình -Trị Thiên, Liên khu 5, Bắc Tây Nguyên, Sài Gòn - Gia Định, Nam Bộ, thượng Lào… Quân ta đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng, căng mình chống đỡ trên các chiến trường. Đây là điều kiện thuận lợi để ta tập trung bộ đội chủ lực tấn công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp, mặc dù tương quan so sánh lực lượng trực tiếp tham chiến cũng như vũ khí, phương tiện phục vụ chiến trường, quân Pháp chiếm ưu thế áp đảo (về quân số, tỷ lệ giữa địch và ta là: 3,3/ 1; súng pháo: 3,1/ 1. Riêng lực lượng không quân, Pháp có 1 phi đội máy bay 14 chiếc. Ta: 0).
Đánh giá về sức mạnh của nhân dân trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp sức nhiều như trong Đông Xuân 1953 - 1954, chi viện cho quân đội giết giặc. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân”(7).
3. Điện Biên Phủ - thắng lợi của phương châm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với ba thứ quân
Để có thể đánh bại đội quân nhà nghề của một đế quốc thực dân, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ sớm đã chủ trương xây lực lượng vũ trang nhân dân. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tháng 12-1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rõ vai trò của quân đội, của quân chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương. Người chỉ rõ đó là lực lượng vũ trang cách mạng, lực lượng vũ trang của dân, do dân, vì dân và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay sau khi được thành lập, Người chăm lo xây dựng quân đội ta từ một đội quân du kích dần lớn mạnh trở thành một đội quân ngày càng chính quy và hiện đại.
Có được sự ủng hộ từ nhân dân trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, là do Đảng ta quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân bao gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng vũ trang ba thứ quân mặc dù còn non trẻ nhưng đã thể hiện sự phát triển lớn mạnh, trưởng thành nhanh chóng, đã kết hợp nhuần nhuyễn nhiều hình thức tác chiến từ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh của các đại đoàn chủ lực trong thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng. Quán triệt tư tưởng “Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc”, “Kiên quyết không ngừng thế tấn công... Tấn công phòng thủ không sơ hở”, “Đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương sáng tạo nhiều cách đánh tài giỏi tiêu hao sinh lực địch. Đặc biệt, bộ đội chủ lực trên chiến trường Điện Biên Phủ thực hiện nghệ thuật biết thắng từng bước, tiến công từ bộ phận đến toàn bộ, tập trung sức mạnh đánh tan từng mục tiêu, tiến lên đánh bại hoàn toàn quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, hoạt động của quân và dân ta ở các chiến trường đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.
4. Bài học về phát huy sức mạnh toàn dân, chiến tranh nhân dân trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đặc biệt là đường lối nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học sâu sắc cần được kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Một là, bài học về tư tưởng lấy dân làm gốc, phát huy sức mạnh toàn dân, tăng cường thế trận lòng dân trong đường lối nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân là một chiến lược xuyên suốt, quyết định thành công của cách mạng Việt Nam
Thực tiễn trong gần 40 năm đổi mới đất nước đã chứng minh, Đảng, Nhà nước ngày càng nhận thức sâu sắc hơn sức mạnh và vai trò của nhân dân, luôn nhất quán quan điểm “dân là gốc”, “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”(8), “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(9); “Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”(10). Nhờ đó, sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là từ khi nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đúng như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(11).
Hai là, bài học về tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo
Đại đoàn kết toàn dân là biết phát huy những điểm tương đồng, điểm chung của mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, già hay trẻ, giàu hay nghèo, nam hay nữ, nếu “ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(12), nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện nay là: đánh bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Vì vậy, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng liên minh công nhân - nông dân - trí thức đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng là đòi hỏi khách quan, có tính chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Ba là, phải luôn khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng độc lập, hòa bình và ý chí tự lực, tự cường của dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng luôn “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước; tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(13). Đây chính là cội nguồn sức mạnh để tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh hiện nay.
Bốn là, không ngừng củng cố, giữ vững niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Từ kinh nghiệm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như trong thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, lòng tin của nhân dân vào mục tiêu, lý tưởng, đường lối cách mạng và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, chính là cơ sở tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, Đảng cần không ngừng nâng cao năng lực trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, để đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đồng thời, Đảng phải không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có đầy đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực.
Năm là, phát huy sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của nhân dân ở các địa phương là vô cùng to lớn, nhờ đó mới huy động được các nguồn lực cần thiết phục vụ chiến dịch đến thắng lợi cuối cùng. Ngày nay, để thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “từ khi nước chưa nguy”, sự đóng góp, ủng hộ của nhân dân, kiều bào về vật chất, tinh thần trong xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh trọng điểm, đầu tư nguồn lực trang bị vũ khí, khí tài quân sự hiện đại là cơ sở để nâng cao năng lực bảo vệ Tổ quốc là rất cần thiết. Vì vậy, Đảng, Nhà nước cần thực hiện hiệu quả phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Huy động và tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế tham gia có hiệu quả bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Sáu là, tăng cường công tác đối ngoại nhân dân giữ vững sự ổn định chính trị của đất nước. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhờ biết khơi dậy, phát huy vai trò của công tác đối ngoại nhân dân, chúng ta đã phát huy được tiềm năng, nguồn lực của đất nước; nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại. Hiện nay, đối ngoại nhân dân tiếp tục được Đảng ta phát huy để đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành một trong những chiến công vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam. 70 năm qua, tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng và những bài học lịch sử từ Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị, đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho Đảng, Nhà nước và Quân đội ta tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo trong thực hiện thắng lợi nội dung cơ bản của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được nêu trong Nghị quyết 44-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII của Đảng.
_________________
Ngày nhận bài: 3-4-2024; Ngày bình duyệt: 5 -4-2024; Ngày duyệt đăng:26-4-2024.
(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 150, 155.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.534.
(4) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 202.
(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 88.
(6) Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, t.1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr. 305 - 306.
(7) Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.158 - 159.
(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 65.
(9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 27-28, 157.
(11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, tr. 322.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr. 611.
(13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158-159.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét