Đấu tranh lý luận là một phương thức phát triển lý luận, là công việc thường xuyên, gắn bó với nghiên cứu, phát triển lý luận
Sự phát triển tư tưởng nhân loại từ thời cổ đại đến nay đã chứng minh điều này. Sự hình thành, phát triển tư tưởng của một vĩ nhân nào đó đều là sản phẩm của sự tiếp thu, phê phán tư tưởng của người đi trước, sau đó là phê phán với những tư tưởng đương thời trái hoặc khác biệt với mình. Ngay cả những người tưởng chừng chỉ coi thực tại bên ngoài là đối tượng duy nhất của tư duy và dành cả đời để chiêm nghiệm và ngộ ra chân lý thì thực tế (như Đức Thích Ca Mâu Ni) cũng không tránh khỏi mối dây liên hệ nhận thức với thế hệ trước mình, với niềm tin đã được đúc kết, truyền lại và đang thịnh hành. Điều khiến cho một số người trở thành nhà tư tưởng là bởi vì họ biết nhận thức một cách chọn lọc, có phê phán, có so sánh, đối chiếu, khẳng định sự khác biệt và tiến bộ không chỉ với tư tưởng trước đó mà với cả những tư tưởng cùng thời.
Sự ra đời, phát triển lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin là như vậy. Nếu không có đấu tranh lý luận với các nhà triết học đủ loại từ duy tâm khách quan, tới duy tâm chủ quan, từ duy vật siêu hình đến duy vật tầm thường thì không có tư tưởng triết học Mác - Lênin. Không có đấu tranh với các lý luận gia tư sản và các lý luận gia trong phong trào công nhân và phong trào XHCN cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX thì không có lý luận về chủ nghĩa xã hội của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nhà kinh điển đã được ra đời trong hoàn cảnh đấu tranh nhằm phản bác lại sự chỉ trích, tấn công của các lý luận gia tư sản này, hoặc có thể là trong tư thế chủ động tấn công, phê phán các nhà lý luận tư sản nào đó.
Ở chiều ngược lại, sự ra đời, phát triển của lý luận Mác - Lênin đối với các trường phái lý luận khác lại là một lý do, một đối tượng dẫn đến sự cọ sát, đấu tranh và làm nảy sinh biết bao tư tưởng, trường phái lý luận của thế kỷ XX, nhất là trong bối cảnh thế giới sau Cách mạng Tháng Mười Nga và sự ra đời của chế độ XHCN ở một số nước Đông Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự phát triển và đấu tranh lẫn nhau của các chủ nghĩa, các lý luận đã dẫn đường và tạo nên bộ mặt đa dạng của thế giới ngày nay. Đến lượt nó, thực tiễn thế giới lại là nguyên nhân, nguồn gốc cho sự đấu tranh và phát triển của nhiều lý luận, học thuyết mới, trong đó có chủ nghĩa Mác - Lênin.
Theo quy luật đó, sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay bao gồm: một mặt bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn để nâng lên thành lý luận, mặt khác nghiên cứu vận dụng sáng tạo các lý luận, đặc biệt là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn đất nước. Đối với chủ nghĩa Mác - Lênin, một mặt là học tập để hiểu biết sâu sắc bản chất, tính chất khoa học, cách mạng, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, mặt khác đấu tranh với các quan điểm thù địch, xuyên tạc, bóp méo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Qua đấu tranh mà mài sắc lập luận, làm vững chắc và phong phú các luận cứ, làm mềm dẻo, tinh tế các luận chứng, để tiếp cận gần hơn tới chân lý, phục vụ thiết thực hơn sự phát triển của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Với những người đã tự gắn mình vào sự nghiệp giáo dục, tuyên truyền lý luận mácxít, tuyên truyền CNXH, cần phải ý thức rõ sự gắn bó giữa hai mặt: phát triển và đấu tranh, đấu tranh và phát triển như một công việc thường xuyên của nghề nghiệp, hơn nữa là một sứ mệnh. Phải luôn ý thức rằng, đi đôi với sáng tạo, tìm tòi cái mới phải biết so sánh, đối chiếu, phân biệt cái tương đồng, cái đối lập giữa mình với người khác; vừa biết thừa nhận, kế thừa cái hợp lý, cái tiến bộ, vừa biết phản bác, phủ định cái lạc hậu, phi lý của các thứ lý luận liên quan. Đó là các mức độ khác nhau của đấu tranh lý luận cần được áp dụng tùy từng đối tượng, từng trường hợp cụ thể./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét