Thứ Năm, 30 tháng 5, 2024

BẢN LĨNH “BỘ ĐỘI CỤ HỒ” TRONG THAM GIA HOẠT ĐỘNG GGHB LHQ

 



          Việt Nam tham gia hoạt động hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) là một quyết định quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nỗ lực thực hiện những nghĩa vụ của một quốc gia thành viên LHQ ở một lĩnh vực hoạt động quan trọng của LHQ; nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của đất nước và Lực lượng vũ trang Việt Nam, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh, nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, phục vụ nhu cầu xây dựng Quân đội.

 Chủ trương: Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ để góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Nguyên tắc Việt Nam, Quân đội tham gia hoạt động GGHB LHQ:

Một là, Phù hợp với mục đích và tôn chỉ của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Hai là, Chỉ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ khi có Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, tại các khu vực đã có thỏa thuận hòa bình giữa các bên liên quan; chỉ tham gia các hoạt động vì mục đích hòa bình, nhân đạo, tái thiết; không tham gia các nhiệm vụ cưỡng chế; chỉ sử dụng vũ lực trong trường hợp không còn biện pháp nào khác và vì mục đích tự vệ chính đáng.

Ba là, Mọi quyết định khi tham gia phải đảm bảo nguyên tắc độc lập, tự chủ, phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, điều kiện và khả năng của Việt Nam, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp công việc nội bộ của các quốc gia khác.

          Việt Nam cử lực lượng Quân đội tham gia hoạt động GGHB LHQ là kết quả của cả một quá trình dài nghiên cứu, tìm hiểu hết sức thận trọng và chắc chắn để bảo đảm việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đúng với đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Trên cơ sở “Đề án Tổng thể về việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ” và “Đề án Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ năm 2014 -  2020 và những năm tiếp theo”, ngày 27/5/2014, Bộ Quốc phòng chính thức thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (nay là Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) và chính thức cử 02 sĩ quan Quân đội đi làm nhiệm vụ sĩ quan liên lạc tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan.

          Đặc thù của Quân đội ta là sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, nhiệm vụ quan trọng là đánh thắng kẻ thù. Quân đội ta không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, trở thành đội quân bách chiến, bách thắng, cùng toàn Đảng, toàn dân giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bước sang thời kỳ mới, đất nước đã có hòa bình, Quân đội tập trung xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Là dân tộc, quốc gia từng chịu nhiều hy sinh, gian khổ trong các cuộc chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu và quý trọng giá trị cao cả của hòa bình... Trong môi trường quốc tế hiện nay, muốn bảo vệ được nền hòa bình của đất nước, phải tạo được môi trường hòa bình chung quanh ta và đóng góp cho hòa bình thế giới.         Tuy nhiên khi bước vào làm công tác chuẩn bị cử lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ, Việt Nam gặp không ít khó khăn, bởi nhận thức của toàn quân và xã hội về vấn đề này còn chưa đồng thuận. Trong khi đó, bộ đội ta tuy giỏi huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nhưng tham gia GGHB LHQ là nhiệm vụ mới, yêu cầu cao; hoạt động trong môi trường đa quốc gia, đòi hỏi mỗi cán bộ phải có đủ trình độ, kiến thức, năng lực làm việc: về trình độ ngoại ngữ; hiểu biết về luật pháp quốc tế, quy định của LHQ, phong tục, tập quán, của nước sở tại; công tác hậu cần, kỹ thuật phải sử dụng các trang, thiết bị hiện đại theo chuẩn của LHQ…Ngoài ra, lực lượng của Quân đội được cử đi làm nhiệm vụ mọi công tác chỉ huy, tham mưu phải đặt dưới sự chỉ huy của Phái bộ ở nước sở tại; đồng thời phải chấp hành mệnh lệnh, sự chỉ huy, chỉ đạo từ Bộ Quốc phòng Việt Nam. Trong đó, đơn vị được cử đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ phải duy trì hoạt động của tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng; thực hiện các chế độ, nền nếp trong ngày, tuần.

          Bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tham gia hoạt động GGHB LHQ.

          Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” của chúng ta luôn phát huy phẩm chất, bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các Phái bộ, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các tổ chức đảng lâm thời tại các Phái bộ thường xuyên quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội, hướng dẫn 641/HD-CT ngày 24/4/2018 của Tổng cục Chính trị về hướng dẫn CTĐ, CTCT đối với lực lượng Quân đội tham gia hoạt động GGHB LHQ. Đồng thời, Lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam đều được lựa chọn và chuẩn bị chu đáo về mọi mặt. Vì vậy khi thực hiện các nhiệm vụ được LHQ giao, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” của chúng ta đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.

          Bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao

 Ngày 01/10/2018 BVDC2.1 của Việt Nam đã triển khai thành công đến Nam Xu-đăng thực hiện nhiệm vụ.  Đây là lần đầu Việt Nam cử một đơn vị tham gia hoạt động GGHB LHQ, mặc dù chưa có kinh nghiệm, nhất là làm các thủ tục, chuẩn bị cơ sở vật chất bảo đảm, trong khi Nam Sudan thời điểm đó đang là mùa khô, thời tiết khí hậu khắc nghiệt (ban ngày nắng nóng hơn 50 độ c, ban đêm nhiệt độ giảm xuống còn 11 đến 12 độ C); đường giao thông đi lại ngập ngụa bùn đất đỏ. Hơn nữa, công tác ở xa nhà, đa số cán bộ, nhân viên đều nhớ quê hương, gia đình, người thân… , nhưng với ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ và với bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” cộng với sự năng động, sáng tạo của mình các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam, chúng ta đã triển khai BVDC2.1 tại tỉnh Ben-tiu (Nam Sudan) thuận lợi, kịp thời. Đến nay, Việt Nam đã cử 05 lượt Bệnh viện dã chiến cấp 2 luân phiên thay thế thực hiện nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng.

Tháng 5/2022, Việt Nam cử Đội Công binh tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei với quân số 184 đồng chí trong đó có 21 đồng chí nữ quân nhân cùng với 147 xe, máy công binh và hơn 2000 tấn trang thiết bị, hàng hóa đi cùng.

Abyei là khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Hai nước đã ký Thỏa thuận ngày 20/6/2011, cam kết sẽ rút quân khỏi khu vực phi quân sự tại Abyei và thiết lập cơ chế hỗn hợp để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, cho đến nay hai nước chưa có nhiều tiến triển thực chất. Phái bộ UNISFA được thành lập năm 2011 theo Nghị quyết 1990 của Hội đồng Bảo an với nhiệm vụ bảo vệ thường dân và thúc đẩy phi quân sự hóa tại Abyei, được bổ sung nhiệm vụ hỗ trợ Cơ chế Hỗn hợp về Kiểm chứng và Giám sát biên giới chung (JBVMM) tại Abyei theo Nghị quyết 2024 ngày 14/12/2011.

Trong nhiệm kỳ công tác vừa qua, Đội Công Binh số 1 Việt Nam đã để lại nhiều những ấn tượng tốt đẹp với chỉ huy và các cơ quan chức năng của Phái bộ cũng như chính quyền và người dân bản địa. Ngoài việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Phái bộ giao thì Đội Công Binh số 1 Việt Nam còn thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhận đạo giúp Thị trấn Abyei chống ngập thành công; tham gia khám chữa bệnh miễn phí cho người dân địa phương; xây dựng lớp học, phòng máy tính cho trường học cấp 1, 2, 3 Abyei; xây lớp học cho học sinh mầm non và tặng 120 chiếc ghế; khoan giếng, cung cấp nước sạch cho người dân địa phương và nhiều hoạt động nhân đạo có ý nghĩa khác

          Phát huy kiến thức về lịch sử, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe đáp dứng yêu cầu nhiệm vụ

Đối với các sĩ quan làm nhiệm vụ cá nhân, đến nay Việt Nam đã cử 115 sỹ quan tham gia hoạt động GGHB LHQ. Các đồng chí sĩ quan thực hiện hình thức cá nhân đã thể hiện được năng lực, sự chuyên nghiệp, nhiệt tình, tính năng động, sáng tạo của “Bộ đội Cụ Hồ”. Điển hình các sĩ quan Việt Nam nhiều lần trực tiếp đến làm việc với các thủ lĩnh của các phe phái, bộ tộc. Dù vậy các sĩ quan Việt Nam vẫn rất bình tĩnh tự tin, khôn khóe để tiếp xúc với các thủ lĩnh của các phe phái, bộ tộc, trong khi đó một số sĩ quan của các nước đi cùng thì sợ hãi. Có một điều khá thú vị là các chỉ huy, thủ lĩnh của các phe phái tại các Phái bộ lại rất ngưỡng mộ quân đội Việt Nam, điều đó cho thấy sức ảnh hưởng, uy tín của Việt Nam tại các nước Châu Phi là rất cao.

Chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ tốt; tôn trọng, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có tinh thần quốc tế trong sáng.

          Trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, rau xanh khan hiếm, để bảo đảm nguồn rau xanh cho bữa ăn hàng ngày, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” của Việt Nam đã mang theo hạt giống và trồng nhiều loại rau; đồng thời, hướng dẫn để người dân bản địa tự trồng rau xanh. Việc làm kể trên, khiến sĩ quan các nước tại Phái bộ rất ấn tượng, họ còn đặt hàng mua rau của người dân. Cùng với đó, các chiến sĩ “mũ nồi xanh”  Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ CH Trung Phi còn tổ chức dạy học cho các trẻ em. Đây là hoạt động chưa từng có tại phái bộ CH Trung Phi.  Hoạt động này đã trở thành điểm sáng, được Phái bộ đánh giá cao và nhiều lần nêu gương trong các hội nghị, cuộc họp. Việc dạy học của sĩ quan Việt Nam còn lan tỏa, nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế như: Quỹ hỗ trợ trẻ em LHQ (UNICEF), tổ chức phi chính phủ (NGO) và các cơ quan của CH Trung Phi như: Viện nghiên cứu Pasteur, Đại học Bangui, Phòng hải quan tại sân bay quốc tế (MPOKO) và nhiều cộng đồng người dân Trung Phi.

Phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” tại đây các nữ quân nhân của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và để lại hình ảnh ấn tượng trong mắt bạn bè, đồng nghiệp quốc tế và nhân dân bản địa, đặc biệt là các em nhỏ tại đất nước Châu Phi này. Những hành động của chị tuy đơn giản như giúp đỡ người dân bản địa nấu ăn, trồng rau, tặng đồ dùng học tập, đồ chơi cho các em học sinh… nhưng đối với người dân và đặc biệt là trẻ nhỏ tại nơi đây, đó lại là những thứ vô giá và qua đó họ càng hiểu và yêu quý Bộ đội Việt Nam “Bộ đội Cụ Hồ”.

          Một số biện pháp để phát huy bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tham gia hoạt động GGHB LHQ       

          Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi tham gia hoạt động GGHB LHQ nhưng do nghiên cứu thận trọng và triển khai đúng với đường lối đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước nên trong 10 năm qua Việt Nam đã tham gia hiệu quả và đóng góp tích cực vào hoạt động này, nâng cao hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” và đất nước trên trường quốc tế. Tuy vậy, vẫn cần thực hiện đồng bộ một số biện pháp để phát huy hơn nữa phẩm chất và bản lĩnh của “Bộ đội Cụ Hồ” trong lĩnh vực GGHB LHQ trong thời gian tới:

Thứ nhất,  phải tuân thủ pháp luật quốc tế, đường lối, hiến pháp Việt Nam và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Trong quá trình triển khai thực hiện, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại, hội nhập quốc tế; xác định đây là một nhiệm vụ chính trị của Quân đội trong thời kỳ mới. Lựa chọn hình thức, quy mô, phái bộ, địa bàn,... để tham gia hoạt động GGHB LHQ phù hợp với đường lối của Đảng, lợi ích quốc gia - dân tộc, Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ. Quá trình tiến hành, luôn thể hiện tính tích cực, chủ động, nhưng thận trọng, chắc chắn, tham gia vào các lĩnh vực ta có kinh nghiệm, thế mạnh; tham gia tại các quốc gia, khu vực đã có thỏa thuận hòa bình, có quyết định của Liên hợp quốc, được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, tham gia các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến tạo hòa bình, vì mục đích nhân đạo; không tham gia nhiệm vụ cưỡng chế và các hoạt động tác chiến. Bảo đảm quyền độc lập chỉ huy lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia các phái bộ theo Bản ghi nhớ (MOU) với Cơ quan GGHBLHQ về nhiệm vụ tại địa bàn.

Thứ hai, tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân nói chung và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong Quân đội nói riêng về vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc Việt Nam tham gia hoạt động GGHBLHQ. Với quan điểm: Nhận thức đúng đắn, quán triệt đầy đủ và hành động sáng tạo, có kế hoạch thì tính hiệu quả của công việc càng cao. Lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ GGHB LHQ, giúp họ có kiến thức, nắm được đường lối hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng của Đảng; mục tiêu, quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam trong quan hệ quốc tế; Đối với các lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động GGHB LHQ cần tập trung quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc và phân biệt rõ sự khác nhau về bản chất giữa lực lượng GGHB LHQ với các lực lượng liên quân đa quốc gia, bảo đảm cho họ có cơ sở lý luận, thực tiễn để tuyên truyền cho nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới hiểu rõ mục đích hoạt động của lực lượng “Mũ nồi xanh” là phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới. Trong đó, chú trọng xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ không thiên vị, trung lập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của một nhân viên LHQ, phù hợp với các điều khoản, nguyên tắc của Hiến chương LHQ.

Thứ ba, Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Bên cạnh thuận lợi, hoạt động GGHB LHQ của chúng ta cũng gặp không ít khó khăn; có những điểm khác biệt với môi trường công tác, chiến đấu quen thuộc của Quân đội nhân dân Việt Nam; địa bàn hoạt động xa đất nước, điều kiện tự nhiên, chính trị, xã hội phức tạp, tiềm ẩn rủi ro, thậm chí có thể bị thương vong. Pháp luật Việt Nam có những điểm cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với môi trường, lĩnh vực hoạt động mới. Trong điều kiện đó, để đáp ứng quy chuẩn của LHQ, hoàn thành các nội dung chuẩn bị theo yêu cầu, cần có sự tham gia phối hợp của nhiều ban, bộ, ngành Trung ương. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế,... Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, với yêu cầu cao nhất. Đây là nhân tố quyết định đối với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Quân đội, đáp ứng yêu cầu, quy chuẩn của LHQ, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ tư, chuẩn bị toàn diện mọi mặt, từ chủ trương, chính sách, pháp lý, tổ chức lực lượng đến trang bị, huấn luyện và bảo đảm; trong đó, quan trọng nhất là lựa chọn nhân sự phù hợp. Trong điều kiện khối lượng công việc nhiều, thời gian rất khẩn trương; cán bộ, chiến sĩ ta ít kinh nghiệm thực tiễn về phối hợp hoạt động đa quốc gia, cần bổ sung kiến thức về luật pháp quốc tế và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Bởi vậy, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cần lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết thực hiện đúng phương châm: Chuẩn bị chu đáo có ý nghĩa quyết định thắng lợi.

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, chính sách, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần; thường xuyên thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Cùng với chuẩn bị chu đáo, đồng bộ về công tác tổ chức, trang bị, kiến thức chuyên môn, pháp luật, ngoại ngữ, cần chú trọng kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, chính sách, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và thường xuyên thực hiện tốt công tác sơ, tổng kết rút kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn, nhiệm vụ. Đây là những nội dung rất quan trọng, không chỉ là nguyên tắc, chế độ, quy định, quy trình khi thực hiện các nội dung công việc mà còn giúp cho cấp ủy, chỉ huy kịp thời nắm bắt, bổ sung, khắc phục những hạn chế, khó khăn để nâng cao hiệu quả công tác, tạo nền tảng vững chắc để phát huy bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét