Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là làm rõ giá trị lịch sử và giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, là một trong những nguồn gốc lý luận của Đảng, góp phần hình thành nên đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong mỗi thời kỳ lịch sử. Để hiểu rõ và bảo vệ được nền tảng tư tưởng của Đảng thì phải hiểu rõ giá trị lý luận và giá trị thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cả hai điều này đều phải được xem xét một cách khách quan, khoa học trong bối cảnh lịch sử cụ thể của xã hội. Chân lý là cụ thể, không trừu tượng, thoát ly bối cảnh thời đại với những mâu thuẫn, vấn đề của thời đại và trình độ phát triển nhận thức của loài người.
Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành quả lý luận được xây dựng trên nền tảng tri thức hiện đại nhất của nhiều khoa học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), đặc biệt trên nền tảng tổng kết một cách khoa học thực tiễn đấu tranh chính trị - xã hội của loài người cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Lý luận triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội của C.Mác, V.I.Lênin đáp ứng nhu cầu đấu tranh cho tiến bộ lâu dài của xã hội loài người và giải đáp đòi hỏi thực tiễn của phong trào công nhân, phong trào XHCN những năm đầu thế kỷ XX.
Từ sau sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin, trên thế giới đã có thêm hàng chục, hàng trăm thứ lý luận về kinh tế, xã hội, chính trị, pháp lý, đạo đức… tất cả đều nhằm mục tiêu chính trị là thuyết minh sức sống trường tồn của chế độ tư bản chủ nghĩa, hoặc cố gắng tìm cách khắc phục khuyết tật của nó và tấn công phủ nhận lý luận Mác - Lênin, tiêu diệt CNXH.
Đấu tranh lý luận để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin là: một mặt làm sáng tỏ giá trị lịch sử, nghĩa là những điều đúng đắn trong một giai đoạn lịch sử đã qua, mặt khác làm rõ giá trị thời đại, nghĩa là những điều còn phù hợp cho ngày nay. Cần phải biết sàng lọc trong những nguyên lý, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin những điều gì đã đúng trong lịch sử mà nay vẫn còn đúng và sẽ còn tiếp tục đúng trong tương lai, những điều gì đúng trong lịch sử nhưng nay không còn phù hợp với thời đại mới. Không có lý luận nào, kể cả chủ nghĩa Mác - Lênin, mà mọi vấn đề của nó đều đúng mãi với thời gian.
Dù trung thành, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin thì với tinh thần khoa học, phải thừa nhận rằng có những điều, nhất là trong lý luận chính trị, kinh tế của các nhà kinh điển mácxít không còn phù hợp thời đại hiện nay. Ví dụ trong điều kiện thế giới và đất nước hiện nay vấn đề chuyên chính vô sản như là một nội dung cơ bản của thời kỳ quá độ đi lên CNXH cần phải được nhìn nhận lại. Cũng như vậy, lý luận về nhà nước XHCN của V.I.Lênin cần phải được đặt trong bối cảnh sau Cách mạng Tháng Mười, nó đúng với bối cảnh đấu tranh giai cấp ở nước Nga những năm sau Cách mạng, nhưng không nên coi đó là lý luận bất biến để tổ chức bộ máy nhà nước định hướng XHCN trong thời đại hiện nay. Do đó, nếu không có tinh thần khoa học, thực tiễn thì rất có thể sự bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin lại trở thành giáo điều, bảo thủ và trở nên phản tác dụng với xã hội, với chính những người cộng sản.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự tiếp thu tinh hoa khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa chính trị Việt Nam trong điều kiện lịch sử cụ thể của dân tộc Việt Nam đầu và giữa thế kỷ XX. Tư tưởng Hồ Chí Minh vừa có giá trị lý luận, vừa có giá trị thực tiễn, không chỉ với 70 năm trước mà với cả ngày nay. Trong xu hướng phát triển của thế giới hướng tới hòa bình, bao dung, tư tưởng của Hồ Chí Minh lại càng tỏ ra phù hợp hơn bao giờ hết. Nó khiến cho Hồ Chí Minh được nhắc tới không chỉ là một người yêu nước nhiệt thành, suốt đời hy sinh, cống hiến vì độc lập dân tộc, mà còn là người cộng sản chân chính luôn phấn đấu cho hòa bình, tiến bộ xã hội, sự hòa hợp, bao dung giữa người với người, giữa các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, giữa các dân tộc, các quốc gia dù có khác biệt. Trên thế giới, hiếm có một người cách mạng toàn vẹn, trong sáng như Hồ Chí Minh, do đó Người thực sự là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Đã có không ít những nhà nghiên cứu lịch sử, với phương pháp nghiên cứu lịch sử hiện đại, với điều kiện nghiên cứu ưu việt, có ý định tìm ra những “góc khuất”, “điểm mờ” trong cuộc đời, sự nghiệp của Người. Nhưng ngoài một vài điểm phát hiện mới so với tư liệu chúng ta có được, hầu như không có điều gì có thể đi ngược với sự thật. Thế mà đây đó, một số người Việt Nam tự coi mình là nhà nghiên cứu hoặc hiểu biết lịch sử cố tình cắt xén, chắp ghép những sự kiện rồi gieo rắc trong dư luận, cộng đồng mạng hòng hạ thấp tầm vóc Hồ Chí Minh, nhất là về đời tư của Người. Theo một cách khác, họ khoét sâu sự khác biệt giữa Hồ Chí Minh với các lãnh tụ khác của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đề cao quan điểm độc đáo, sáng tạo của Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, về đoàn kết để hạ thấp đường lối cách mạng của Đảng, nhất là trong thời kỳ cải tạo XHCN và xây dựng CNXH ở miền Bắc.
Tất cả những thủ đoạn đó đều nhằm hạ thấp Hồ Chí Minh. Để chống lại những ý đồ xấu đó, những người làm công tác giáo dục lý luận chính trị cần phải trau dồi hơn nữa kiến thức lịch sử (lịch sử thế giới, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, lịch sử dân tộc và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam) và coi việc bảo vệ hình ảnh trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm của người Việt Nam chân chính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét