Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện với hệ thống nguyên tắc tổ chức và hoạt động chặt chẽ, khoa học; trong đó, tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản, cốt lõi. Kiên trì tuân thủ nguyên tắc ấy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, lãnh đạo toàn dân ta tiến lên giành những thắng lợi vĩ đại, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vậy mà, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại luôn hậm hực với những thắng lợi ấy. Chúng tìm mọi “ngón đòn” tinh vi, xảo quyệt hòng xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.
Một trong những thủ đoạn phổ biến là các đối tượng triệt để lợi dụng tự do ngôn luận, tự do báo chí, “núp bóng dân chủ”, “đội lốt nhân quyền” tung các chiêu bài “thư ngỏ”, “góp ý”, “hội thảo khoa học” để rêu rao: việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên nhân dẫn đến mất dân chủ; là một thứ chế độ tập quyền, độc đoán, bảo thủ nhằm “bảo vệ vị trí độc tài” của Đảng. Không những thế, họ còn lập luận, tập trung và dân chủ trong nguyên tắc này là hai mặt trái ngược, không thể thống nhất với nhau, rằng: “đã tập trung thì không thể có dân chủ, đã dân chủ thì không thể tập trung”, “tập trung với dân chủ như lửa với nước”, hoặc chỉ có tập trung, hoặc chỉ có dân chủ. Với kiểu lập luận “máy móc”, “siêu hình” như vậy, các đối tượng cố ý tách rời tập trung với dân chủ, cuối cùng đi đến phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ và xuyên tạc cho rằng: Đảng ta xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì sẽ trở thành kẻ độc tài, chuyên chế và vi phạm dân chủ. Theo họ, muốn thoát khỏi tình trạng đó, Đảng phải từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện dân chủ không giới hạn. Đặc biệt, thời gian gần đây, lợi dụng việc một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hiện không nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, sa vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới độc đoán, quan liêu, tham nhũng, thoái hóa, biến chất bị xử lý kỷ luật, họ càng ra sức thổi phồng, bôi đen, bóp méo, suy diễn, đánh lận và quy chụp cho rằng, những khuyết điểm, hạn chế đó đều có nguyên nhân từ nguyên tắc tập trung dân chủ, từ đó đòi hỏi Đảng phải từ bỏ nguyên tắc này “cho phù hợp tình hình mới”(!). Vậy, phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là mất dân chủ; là độc đoán, toàn trị...? Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và lý giải cặn kẽ vấn đề trên cả về phương diện lý luận và thực tiễn.
Về lý luận, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn coi tập trung dân chủ là cái “vốn có”, là thuộc tính bản chất của giai cấp công nhân; nguyên tắc tổ chức “xương sống” của Đảng Cộng sản và là nguyên tắc để phân biệt chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân với các đảng phái khác. Đặc biệt, khi bàn về vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ, V.I.Lênin đã khẳng định: “Các Đảng gia nhập quốc tế cộng sản phải được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ... Đảng Cộng sản chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình nếu Đảng được tổ chức một cách tập trung nhất, nếu trong Đảng có một kỷ luật sắt, gần giống như kỷ luật quân sự, và nếu Trung ương đảng là một cơ quan có uy tín mạnh mẽ, có quyền lực rộng rãi, được toàn thể đảng viên tin cậy”.
Kế thừa và phát triển quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: có Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”. Theo Người, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là phương thuốc hữu hiệu ngăn ngừa những căn bệnh nguy hiểm của một đảng cầm quyền, như: quan liêu, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền, v.v. Như vậy, tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản chỉ đạo toàn bộ việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản, đảm bảo cho Đảng là một chỉnh thể thống nhất, có tổ chức chặt chẽ, đồng bộ, tập trung được trí tuệ, sức mạnh vật chất, “tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”; tránh tình trạng lỏng lẻo, lộn xộn, vô chính phủ, bè phái; tạo môi trường bình đẳng để phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo của mỗi thành viên, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ. Do đó, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là yêu cầu đặc biệt quan trọng trong tổ chức, hoạt động của Đảng Cộng sản; xem nhẹ và thực hiện không đúng nguyên tắc này sẽ làm tổn hại đến uy tín, sức mạnh của Đảng, là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, v.v.
Sở dĩ như vậy bởi nội hàm cốt lõi của nguyên tắc tập trung dân chủ là sự thống nhất giữa hai thành tố tập trung và dân chủ; hai thành tố này vừa là tiền đề, vừa là điều kiện của nhau, có quan hệ biện chứng lẫn nhau chứ không phải là sự gán ghép đơn thuần giữa nguyên tắc tập trung với nguyên tắc dân chủ như lý luận “số học” của một số đối tượng. Bàn về mối quan hệ giữa tập trung và dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Tập trung trên nền tảng dân chủ” và “Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung”; “Tập trung mà không dân chủ thì đi đến độc tài, dân chủ mà không tập trung thì dân chủ quá trớn, nước nào càng tập trung lại càng dân chủ, càng dân chủ thì càng phải tập trung”. Tập trung trên nền tảng dân chủ là sự tập trung trên cơ sở thực hiện và mở rộng dân chủ trong sinh hoạt của Đảng. Sự tập trung trong Đảng là do toàn thể đảng viên xây dựng nên, không phải do một cá nhân nào quyết định; đó là sự tập trung trên cơ sở thống nhất ý chí và hành động của đa số, được hình thành một cách tự giác, chứ không phải là một thứ tập trung được thiết lập chỉ để phục vụ một nhóm người, một cá nhân. Dân chủ dưới sự chỉ đạo của tập trung là dân chủ có mục đích, có định hướng, có lãnh đạo, có tổ chức, v.v. Qua đó thấy rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ là sự liên hệ thống nhất, tác động biện chứng giữa hai thành tố tập trung và dân chủ; đó là thể hiện mối liên hệ bản chất của một nguyên tắc thống nhất, trong một chỉnh thể thống nhất. Tập trung là sự thể hiện trình độ dân chủ, là điều kiện, tiền đề chi phối khuynh hướng phát triển của dân chủ; dân chủ trong Đảng là dân chủ mang tính chất tập trung, là tiền đề, điều kiện quy định tính chất, khuynh hướng phát triển của tập trung. Từ trong bản chất, nguyên tắc tập trung dân chủ đã loại bỏ hoàn toàn khuynh hướng độc đoán, quan liêu và mất dân chủ.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay đã chứng minh, nhờ kiên định và thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng đã giữ vững được sự thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động, có đủ sức mạnh và uy tín lãnh đạo đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ở tuổi 15, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Tiếp đó, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, gần 40 năm qua, thực hiện đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo - sản phẩm của ý Đảng, lòng dân, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Điều đáng nói là, việc tuân thủ và vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng đã, đang trở thành vấn đề cốt yếu, nguyên nhân hàng đầu, quyết định sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Các nội dung cơ bản của nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng quy định trong Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương đã được các cấp ủy, tổ chức đảng tuân thủ và thực hiện nghiêm túc”. Trong đó, thực hiện tốt việc phát huy dân chủ, bảo đảm quyền của đảng viên, như: quyền được thảo luận, chất vấn, phê bình, thông tin, bảo lưu ý kiến, phản biện… Vì vậy, các hiện tượng “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, “nói một đằng nhưng làm một nẻo”… ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng về cơ bản được khắc phục. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã gương mẫu, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII, khóa XIII) của Đảng; đồng thời, phát huy cao độ trí tuệ tập thể, mở rộng dân chủ, phân cấp, ủy quyền, thực hiện nghiêm túc chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên mà trước hết là cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm xuyên suốt “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, mọi chủ trương, chính sách trước khi ban hành đều được công bố rộng rãi, công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân góp ý. Sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng được tiến hành dân chủ, cởi mở; các hình thức tọa đàm, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ chủ chốt với đảng viên, nhân dân được tăng cường. Công tác tổ chức và cán bộ được tiến hành công khai, dân chủ; tình trạng cục bộ, mất đoàn kết trong cán bộ được chấn chỉnh. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày nêu rõ: để chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, các Tiểu ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức gần 60 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm và thành lập 50 đoàn đi khảo sát thực tế. Sau khi các dự thảo Báo cáo được chỉnh lý, sửa chữa và được gửi xin ý kiến rộng rãi của các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể... Bộ Chính trị đã quyết định cho công bố công khai toàn văn các dự thảo Báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân7. Gần đây nhất, để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành xin ý kiến rộng rãi của nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 27/3, đã có hơn 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý dự thảo Luật này), v.v. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được tiến hành chặt chẽ, đúng nguyên tắc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng. Trong năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 600 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên vi phạm kỷ luật (trong đó có không ít trường hợp do chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ không nghiêm dẫn đến vi phạm kỷ luật). Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” đã đem lại những hiệu quả tích cực, đã và đang góp phần xây dựng xã hội dân chủ, kỷ cương, liêm chính, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. v.v. Những tiến bộ trên không chỉ góp phần khắc phục sự áp đặt, quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền…, mà còn góp phần mở rộng, phát huy dân chủ, nhất là khả năng sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Qua đó, khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng được giữ vững, tạo được sự đồng thuận của nhân dân, ít phát sinh những vấn đề bức xúc, bất đồng, chia rẽ; phát hiện, ngăn chặn tệ quan liêu, tham ô, tham nhũng và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Như vậy, cả phương diện lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ không phải là sự chuyên quyền, độc đoán, không phải là mất dân chủ như các thế lực thù địch xuyên tạc, thêu dệt. Ngược lại, chính do giữ vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ đã bảo đảm cho Đảng ta luôn có tổ chức chặt chẽ, đoàn kết, thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy sức mạnh của toàn dân để xây dựng Đảng. Mọi chủ trương, chính sách xây dựng và phát triển đất nước đều là sự hội tụ của ý Đảng, lòng dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024), nhiều quốc gia, các đảng chính trị, học giả trên thế giới gửi điện mừng và có những bài viết đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Việt Nam. Theo đó, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Jesús Faría, Phó Chủ tịch Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất cầm quyền Venezuela (PSUV) đã khẳng định: Những giá trị cốt lõi trong phương thức lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh được các thế hệ tiếp theo gìn giữ và tiếp tục phát triển một cách sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn và bối cảnh lịch sử. Sự kế thừa đó thể hiện qua phương thức lãnh đạo coi tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản nhằm quy tụ sức mạnh, trí tuệ của tập thể, đồng thời giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Đây tiếp tục là một cơ sở khách quan bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, có ý nghĩa sống còn trong xây dựng và hoạt động của Đảng. Nắm vững và thực hiện nghiêm nguyên tắc là bảo đảm quan trọng để Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện tốt nguyên tắc này; đồng thời, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc quan trọng này, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.
ST.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét