Đấu tranh phản bác luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ góp phần bảo vệ bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn trực tiếp bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ tư tưởng của Người. Đó là hệ thống các luận điểm về: tính tất yếu phải có đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc ở Việt Nam; quy luật hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam; đảng cầm quyền; xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, v.v. Đây là cơ sở lý luận trực tiếp, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình xây dựng, lãnh đạo, trưởng thành của Đảng ta gần 95 năm qua - nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, với mưu đồ đen tối nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng nước ta, các thế lực thù địch, phản động đã, đang dùng mọi thủ đoạn xuyên tạc nội dung, phủ nhận giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc này là vấn đề cấp thiết, quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.
Trước hết, về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Lâu nay, các thế lực thù địch tìm mọi cách quy kết “Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là có “tội” với dân tộc và nhân dân”; chúng “chụp mũ”, cho rằng “Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã đẩy nhân dân Việt Nam vào cảnh cơ cực, đói khổ, nghèo nàn, cùng quẫn”, v.v. Đây là sự vu khống, bịa đặt vô cùng trắng trợn, nhằm bôi nhọ, phủ nhận công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Thực vậy, với lòng yêu nước nồng nàn và ước muốn tột cùng là cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách thống trị, bóc lột của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai, Hồ Chí Minh đã bôn ba tìm đường cứu nước. Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin “như một cuộc hẹn hò lịch sử” và đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn là giải phóng dân tộc bằng cách mạng vô sản. Người khẳng định: “Cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917” mới có thể giành được độc lập dân tộc thực sự, hoàn toàn; nhân dân ta mới được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Để thực hiện con đường cứu nước đúng đắn đó, Người đã đặt câu hỏi và tự trả lời: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Nghĩa là, Người đã nhận thấy rõ tính tất yếu cũng như vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Đồng thời, đảng đó phải là đảng cách mạng, chân chính, phải được thiết lập trên cơ sở gắn bó máu thịt giữa đảng với các tầng lớp nhân dân, đảng không có lợi ích nào khác ngoài đấu tranh vì lợi ích của dân tộc, được quần chúng nhân dân thừa nhận và vì sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động khỏi ách thống trị, bóc lột của thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai. Từ tư duy khoa học, cách mạng đó, Người đã chủ động tiến hành chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ cho sự ra đời của Đảng. Và thực tế đã cho thấy, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930 là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo; dưới sự lãnh đạo của Đảng nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình, được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Những luận cứ khoa học trên và thực tiễn cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác bỏ hoàn toàn luận điệu sai trái của các thế lực thù địch đã quy kết “Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là có “tội” với dân tộc, với nhân dân”!
Hai là, về quy luật hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch ra sức bịa đặt và xuyên tạc rằng “Hồ Chí Minh đưa chủ nghĩa yêu nước vào quy luật hình thành Đảng là trái với quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về đảng cộng sản”. Chúng còn ra điều hiểu biết khi viện dẫn: “chủ nghĩa yêu nước chỉ làm mất bản chất giai cấp công nhân của Đảng”, v.v. Thực chất, đây là những luận điệu nhằm đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của thành tố “chủ nghĩa yêu nước” đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Luận điệu đó hoàn toàn vô lý, không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Thực vậy, trên cơ sở nắm vững nguyên lý chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, Hồ Chí Minh khẳng định: chủ nghĩa Mác - Lênin là một thành tố quan trọng quyết định sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy”. Đồng thời, Người đã phân tích sâu sắc điều kiện, hoàn cảnh nước ta cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là xã hội thuộc địa nửa phong kiến, giai cấp công nhân Việt Nam mới ra đời, số lượng còn ít, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân tất yếu gắn chặt với phong trào yêu nước. Do vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân mới là điều kiện “cần” để Đảng ra đời; nhưng để Đảng ta tồn tại, phát triển và giữ vững vai trò đội tiền phong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì phải có điều kiện “đủ” - đó chính là phong trào yêu nước Việt Nam. Bởi vì, phong trào yêu nước Việt Nam được dẫn dắt bởi chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc; ra đời trước phong trào công nhân, đã đồng hành cùng dân tộc và là phong trào rộng lớn nhất, quy tụ các giai cấp, tầng lớp đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Trong bối cảnh ấy, nếu phong trào công nhân không gắn bó với phong trào yêu nước, trở thành nòng cốt trong phong trào yêu nước thì cũng không lãnh đạo và tập hợp được lực lượng đông đảo. Hồ Chí Minh đánh giá đúng vị trí, vai trò và đưa phong trào yêu nước là một thành tố hợp thành không thể thiếu cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh nước ta. Không chỉ vậy, Người còn khẳng định “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc”. Có nghĩa là, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa đại diện cho lợi ích giai cấp, vừa đại diện cho lợi ích dân tộc và Đảng không có lợi ích riêng nào khác. Như vậy, tư tưởng trên của Hồ Chí Minh không hề “trái với quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin”; đồng thời, cũng không “làm giảm bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta”. Đó là kết quả của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về quy luật hình thành đảng cộng sản ở một nước thuộc địa nửa phong kiến của Hồ Chí Minh. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã lãnh đạo và huy động toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, lãnh đạo toàn dân giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giải phóng và thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công, đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Điều đó đã bác bỏ mọi luận điệu mà các thế lực thù địch đã rêu rao, xuyên tạc.
Ba là, về bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ luận điểm hết sức sáng tạo của Người: “Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”, các thế lực thù địch cho rằng “Hồ Chí Minh không phải là cộng sản, mà là người dân tộc chủ nghĩa”, “là cộng sản nửa vời”, v.v. Sự thật là, cách tiếp cận về Đảng của Hồ Chí Minh không những không làm mất đi bản chất giai cấp công nhân của Đảng, mà còn bổ sung, phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về đảng cộng sản ở một nước thuộc địa, khi mà nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu như ở Việt Nam, thì đảng đó không chỉ của giai cấp công nhân, nhân dân lao động mà còn là của cả dân tộc. Trước hết, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin với tinh thần cách mạng và phương pháp khoa học, giải quyết đúng đắn, thành công mối quan hệ mật thiết giữa Đảng - giai cấp - dân tộc. Quá trình sáng lập, giáo dục và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh luôn khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân. Bởi vì, chỉ có giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp tiên tiến nhất, có tinh thần cách mạng triệt để nhất, có khả năng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời, Người thấy rõ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng không chỉ một hai người, mà của toàn thể dân chúng, Đảng không có lợi ích riêng, mà thống nhất với lợi ích của giai cấp, lợi ích của toàn thể nhân dân và của cả dân tộc. Do đó, Hồ Chí Minh khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc là luận điểm rất sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh cách mạng Việt Nam. Luận điểm ấy không làm giảm bản chất giai cấp công nhân của Đảng, mà trái lại nó làm cho bản chất giai cấp công nhân được củng cố và tăng cường; càng làm cho giai cấp công nhân gắn bó máu thịt với nhân dân và cả dân tộc, làm cho Đảng ta luôn mang trong mình sự thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Chính điều đó đã làm cho Đảng ta có sức cuốn hút mạnh mẽ các giai cấp, tầng lớp nhân dân, toàn dân tộc vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; tin theo Đảng, bảo vệ Đảng, tạo nền tảng vững chắc cho Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Nhiều học giả phương Tây cũng khẳng định “Hồ Chí Minh là người cộng sản, rất mác - xít, đồng thời rất thấm đượm tinh thần dân tộc chân chính; là một hình mẫu giải quyết vấn đề lợi ích dân tộc và giai cấp một cách nhuần nhuyễn, kỳ tài”. Và thực tiễn đó đã khiến luận điệu xuyên tạc “Hồ Chí Minh là người “dân tộc chủ nghĩa” hay “cộng sản nửa vời” chỉ là hàm hồ, lố bịch.
Phủ nhận, xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, sâu xa là xuyên tạc, phủ nhận dẫn đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Đó là những hành động hết sức nguy hiểm và phản động, đòi hỏi chúng ta cần tỉnh táo nhận rõ mưu đồ và kiên quyết đấu tranh bác bỏ./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét