Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Quá trình hình thành lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

 Năm 1986, trước bối cảnh nền kinh tế nước ta lâm vào khủng hoảng, trì trệ trầm trọng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành đổi mới toàn diện đất nước. Công cuộc đổi mới không đơn thuần là tìm ra giải pháp trước mắt cho nền kinh tế, mà thực chất là tìm ra mô hình phát triển mới và con đường phù hợp để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước đó, Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 9-1979) được xem là dấu mốc khởi đầu quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội đất nước với những chủ trương mới là “phát súng hiệu” về phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần…, thể hiện qua những việc “bỏ ngăn sông, cấm chợ”, cho “sản xuất bung ra”, thừa nhận sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế(1).  

Đại hội VI của Đảng (năm 1986) chủ trương đoạn tuyệt với cơ chế tập trung, bao cấp, tạo lập cơ chế thị trường, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Trong cơ cấu nền kinh tế, ngoài thành phần kinh tế XHCN, với khu vực quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, Đảng thừa nhận và tôn trọng sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế khác, gồm: tiểu sản xuất hàng hóa, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước và kinh tế tự nhiên, tự túc, tự cấp.

Trên cơ sở những thành công bước đầu trong phát triển nền kinh tế đa thành phần, Đại hội VII của Đảng (năm 1991) tiếp tục lộ trình xây dựng nền kinh tế hàng hoá trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với cơ cấu gồm năm thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, cá thể tiểu chủ, tư bản tư nhân và tư bản nhà nước). Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) bắt đầu định hình các thành tố cơ bản về định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường: “Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái"(2).

Mặc dù từ Đại hội VI của Đảng đến Đại hội VIII của Đảng, Đảng đã có những bước phát triển nhất định về lý luận kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tuy nhiên, thị trường chỉ được coi là một cơ chế để điều tiết nền kinh tế, chưa xác lập là một chỉnh thể, bao gồm cả cấu trúc nội tại lẫn thiết chế vận hành. Về thực chất, chưa coi kinh tế thị trường là cơ sở kinh tế của xã hội để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội IX của Đảng (năm 2001) chuyển từ nhận thức thị trường như một công cụ, cơ chế quản lý kinh tế sang nhận thức thị trường là một chỉnh thể, cơ sở kinh tế của xã hội trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội: “Thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội"(3)

Về cơ bản, đến Đại hội IX của Đảng, mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đã được định hình. Theo đó, mô hình này vừa phản ánh tính phổ quát của nền kinh tế thị trường hỗn hợp (thị trường và nhà nước), vừa mang tính “định hướng XHCN”, với những đặc trưng là: nền kinh tế nhiều thành phần, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu, có sự quản lý của nhà nước XHCN, thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở: “Từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường”(4).

Đại hội X của Đảng (năm 2006) nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và trước hết cần nắm vững định hướng XHCN. Trong đó, tính định hướng XHCN được thể hiện là nền kinh tế được xây dựng ở một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, Nhà nước pháp quyền XHCN quản lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”(5). Đại hội XI của Đảng (năm 2011) tiếp tục bổ sung và luận giải rõ hơn về nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là mô hình kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt chi phối bởi nguyên tắc và bản chất chủ nghĩa xã hội”(6).

Đại hội XII của Đảng (năm 2016) tiếp tục hoàn thiện về nội hàm trên cơ sở gắn kết từng cấu phần “bên trong” với mục tiêu và phương thức vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là: “Nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(7)Đến Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục khẳng định “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét