Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Tiếp tục hoàn thiện lý luận về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quan điểm của Tổng Bí thư

 Trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”(14). Để đạt được mục tiêu đó, cần phải phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN - “một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”(15). Trong đó, Tổng Bí thư tập trung luận giải, nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản sau:

Về quan hệ sở hữu. Tương ứng với quá trình vận động, phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất nước ta từng bước được xây dựng phù hợp, tiến bộ, với nhiều hình thức sở hữu, đa thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật và đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Về tổ chức, quản lý. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về quan hệ phân phối. Bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội.

Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Nói cách khác, kinh tế thị trường và tính định hướng XHCN có mối quan hệ chặt chẽ, không mâu thuẫn với nhau. Phát triển kinh tế thị trường để thực hiện mục tiêu XHCN và định hướng XHCN có vai trò định hướng cho nền kinh tế thị trường. Đây là điểm đặc sắc trong mô hình kinh tế thị trường ở Việt Nam, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”(16); đây là “yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(17). Đồng thời, mô hình kinh tế này cũng hướng đến giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước - thị trường - xã hội, cụ thể:

Một là, Nhà nước đóng vai trò bảo đảm thị trường và xã hội thực hiện đúng chức năng của nó. Nhà nước không “làm thay” mà sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của mình để định hướng và điều tiết nền kinh tế không làm méo mó thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.

Hai là, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Kinh tế thị trường không phải vốn dĩ là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà là kết quả của tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Alvin Toffler - nhà tương lai học người Mỹ - khẳng định: Thị trường là một mạng lưới trao đổi được ví như một tổng đài, mà ở đó, hàng hóa, dịch vụ (cũng như tin tức) sẽ tìm tới nơi có nhu cầu. Do đó, nó không chỉ thuộc về tư bản, mà thiết yếu cho cả xã hội công nghiệp xã hội chủ nghĩa, cũng như bất kỳ đâu có hệ thống công nghiệp quy mô lớn gắn với động cơ lợi nhuận(18).

Ba là, xã hội là điểm nổi bật trong mục tiêu phát triển của Việt Nam, do đó Đảng Cộng sản chủ trương kết hợp chặt chẽ các mục tiêu, chính sách kinh tế với các mục tiêu, chính sách xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Các vấn đề xã hội không phải đi sau kinh tế, mà giải quyết tốt các vấn đề xã hội cũng chính là tạo điều kiện, động lực cho tăng trưởng.

Bên cạnh đó, trong cuốn sách, Tổng Bí thư còn có những bài viết quan trọng về phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, như: xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp thanh niên, lực lượng công an, quân đội lớn mạnh…, đồng thời nhấn mạnh cần phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam; trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam”; khơi dậy khát vọng hùng cường, thịnh vượng Việt Nam… để có thể xây dựng, phát triển thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam./.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét