Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc là chiến lược nhất quán của cách mạng Việt Nam. Đại đoàn kết không chỉ là đường lối chiến lược mà còn là mục tiêu lâu dài của cách mạng. Người chỉ rõ: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết quốc dân đồng bào để bảo vệ chính quyền cách mạng, chiến thắng thù trong, giặc ngoài. Vì vậy, phải đại đoàn kết dân tộc để làm cho “quần chúng Nhân dân được tự do, độc lập hoàn toàn và cho mọi phần tử quốc dân được hưởng tự do độc lập”.

Ngày 23/9/1945 thực dân Pháp một lần nữa quay trở lại xâm lược, mở rộng ra các vùng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Ở phía Bắc vĩ tuyến 16, quân đội Tưởng tìm cách can thiệp vào chính trị nước ta, hòng thỏa hiệp để xứ Đông Dương trở về tay Pháp. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định thực dân Pháp là kẻ thù chính của Nhân dân Việt Nam, vì vậy phải: “Lập mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược. Mở rộng Việt Minh cho nó bao gồm mọi tầng lớp Nhân dân…”.

Yếu tố then chốt để Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phát động toàn quốc kháng chiến là khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ chủ nghĩa dân tộc truyền thống, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, thúc giục cả dân tộc đứng lên kháng chiến với lập trường tư tưởng kiên định vì độc lập dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành lại độc lập, tự do, đồng thời là biểu tượng vĩ đại của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam; của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta: đường lối kháng chiến phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ trương “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập và nhanh chóng phát triển, thu hút được đông đảo quần chúng và được các lực lượng tiến bộ, chính phủ nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Cách mạng phát triển mạnh, Đảng ta đã tổ chức xây dựng, thực hiện thế trận chiến tranh Nhân dân trường kỳ, toàn diện đánh dấu bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 - phá hủy chiến lược “Chiến tranh cục bộ” khiến Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn phải ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris; hay cuộc tập kích chiến lược mang tính hủy diệt bằng B52 đối với miền Bắc và thủ đô Hà Nội năm 1972; đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Chiến thắng 30/4/1975 là minh chứng cho chiến thắng của đại đoàn kết toàn dân tộc vì hòa bình, độc lập và tự do của đất nước dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong giai đoạn mới, Đảng ta khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” xác định, nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa người Việt Nam trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa Nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

Sau gần 40 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Nhận thức về tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét