Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

Về quan điểm thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ

 Các bài viết in trong cuốn sách, đặc biệt là bài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một số quan điểm thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội:

Thứ nhất, thực hiện “Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển”(11) trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, Nhà nước phải “thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”(12). Phương thức phân phối này kết hợp được các hình thức phân phối theo cơ chế thị trường, theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác. Đồng thời, kết hợp phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Phân phối theo cơ chế thị trường sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế, còn theo hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội sẽ tạo ra sự công bằng xã hội. Thực hiện phương thức phân phối này sẽ góp phần củng cố những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội mà đồng chí Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé”, vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và, chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”(13)Trên cơ sở này, chúng ta mới thực hiện được định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thứ hai, quan điểm “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”(14)Đây vừa là quan điểm, vừa là “một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam”(15)Có nghĩa là, để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần phải thực hiện tốt quan điểm này. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã xác định rõ “cần thể hiện đầy đủ trên thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”(16). Đồng thời, quan điểm “tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội phải thể hiện cả ở khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình”(17) được Đảng ta quán triệt trong suốt quá trình đổi mới. Quan điểm gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển được đồng chí Tổng Bí thư giải thích rất rõ ràng trong bài viết của mình: “Điều đó có nghĩa là: không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”(18). Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu “mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”(19)Quan điểm này được đồng chí Tổng Bí thư coi “là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(20).

Thứ ba, quan điểm “xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(21). Do vậy, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tất nhiên, đó là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại”(22). Nền văn hóa ấy tham gia phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao. Nền văn hóa ấy góp phần xây dựng, phát triển con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới.

Thứ tư, thực hiện quan điểm “xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người”(23). Quan điểm này góp phần xây dựng xã hội đồng thuận thay vì đối lập hay đối kháng xã hội. Sự đồng thuận xã hội được xây dựng trên cơ sở hài hòa lợi ích cá nhân - tập thể - xã hội và “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(24). Quan điểm này hoàn toàn thống nhất với mục tiêu và cũng là đặc trưng thứ nhất của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta xây dựng. Đó là mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thứ năm, khẳng định và quán triệt quan điểm “sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”(25). Từ tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam, kết hợp với nghiên cứu lý luận, Tổng Bí thư khẳng định và nhấn mạnh: “Thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(26), trong đó có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển.

Thực hiện tốt các quan điểm trên, chúng ta mới thực hiện được trên thực tiễn định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Điều cần lưu ý là, các quan điểm phát triển trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và các quan điểm thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ có mối liên hệ khăng khít với nhau. Bởi lẽ, phát triển trong xây dựng chủ nghĩa xã hội phải bảo đảm giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa phải thành công trong xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội. Do vậy, các quan điểm này phải được nhận thức, quán triệt đồng bộ cả về lý luận và thực tiễn.

LHQ- ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét