Hơn 20 năm qua, Đại úy Lò Văn Thoại vẫn miệt mài với công tác xóa mù chữ cho bà con dân tộc ở các xã vùng cao của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Bằng sự tâm huyết, tinh thần tận tụy, ân cần, Đại úy Lò Văn Thoại đã dìu dắt các “học sinh” biết đọc, biết viết, nhiều người trở thành những cán bộ cốt cán của bản, của xã, nhiều người nhờ biết chữ mà có thể áp dụng khoa học, kỹ thuật vào lao động, sản xuất, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Đại úy Lò Văn Thoại là người dân tộc Lào, sinh ra và lớn lên ở bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Là người con của bản, gần gũi với đồng bào các dân tộc, ngay từ khi còn nhỏ, thấy quê hương mình còn nghèo nàn, lạc hậu, đồng bào dân tộc mình còn khó khăn, thiếu thốn, anh Lò Văn Thoại đã quyết tâm học tập để trở thành người cán bộ giúp cho đồng bào mình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và bảo vệ quê hương bình yên, giàu đẹp. Đặc biệt, hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh gắn bó mật thiết với đồng bào nơi anh sinh sống đã in đậm trong tâm hồn anh Thoại. Ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi năm 2002, anh Lò Văn Thoại nhập ngũ và được cử đi học tại Trường Trung cấp Biên phòng 1. Năm 2003, anh tốt nghiệp ra trường, được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La, với chức vụ nhân viên vận động quần chúng.
Nhận thấy, với đặc điểm huyện Sốp Cộp có diện tích tự nhiên lớn, chủ yếu là đất đồi núi dốc, điều kiện kinh tế, xã hội rất khó khăn, đặc biệt là công tác giáo dục còn nhiều hạn chế, tỷ lệ mù chữ vẫn còn rất cao, vì vậy, Lò Văn Thoại đã đề xuất với cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Lạn mở lớp dạy xóa mù chữ cho bà con trên địa bàn. Được sự đồng ý của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, năm 2003, Lò Văn Thoại bắt đầu dạy học tại điểm trường Tiểu học bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Tuy nhiên, khi lớp học được thành lập, việc vận động người dân đến lớp học xóa mù chữ vô cùng khó khăn, bởi theo quan niệm của nhiều người “học chữ, học viết không để làm gì, cuối cùng cũng đi làm nương”.
Để đả thông tư tưởng bà con, anh kiên trì đến từng nhà, gặp riêng từng người để giải thích cho bà con cái hay, cái lợi của việc biết đọc, biết viết để vươn lên thoát nghèo. Khi người dân tin anh và bắt đầu đến lớp thì mỗi tiết học, anh đều cố gắng giảng sao để người dân dễ tiếp thu nhất, đồng thời tạo không khí thân mật, gần gũi và hứng khởi trong mỗi tiết học. Nhờ sự nhẫn nại, khéo léo và tình cảm chân thành của người thầy giáo quân hàm xanh, “học sinh” trong lớp tiến bộ rất nhanh chóng. Chỉ trong vài tháng, bà con đã cơ bản biết đọc, biết viết. Từ đó, thầy giáo Lò Văn Thoại bắt đầu lồng ghép những nội dung tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số vào bài giảng. Cùng với đó, thầy giáo Lò Văn Thoại tuyên truyền cho bà con về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; duy trì, phát triển các lễ, hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới.
Ấn tượng sâu sắc nhất đối vớiLò Văn Thoại là học viên Giàng Thị Pạ Dê, mặc dù không biết chữ nhưng không muốn đi học. Chồng chị lại đang trong thời gian cải tạo vì buôn bán ma túy. Mỗi lần đi thăm chồng, chị phải nhờ người biết chữ đưa đi vì không biết ký nhận. Vì vậy, anh đã kiên trì vận động, phân tích những cái lợi khi biết đọc, biết viết. Từ đó, chị Giàng Thị Pạ Dê mới đi học. Sau 9 tháng học, chị Giàng Thị Pạ Dê đã đọc thông, viết thạo. Chị không ngừng nỗ lực vươn lên, năng nổ trong các hoạt động, phong trào và được chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Phụ nữ bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn. Chị cũng trở thành thành viên tích cực vận động bà con chưa biết chữ theo học lớp do thầy Lò Văn Thoại đứng lớp.
Đến năm 2021, Lò Văn Thoại được điều chuyển về Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, anh chuyển sang dạy học tại điểm trường Tiểu học bản Pá Khoang, xã Mường Và. Anh tâm sự: “Người dân ở đây không có điều kiện đi học nên bị hạn chế về kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng, dẫn đến năng suất thu được từ hoạt động sản xuất không cao, vì vậy, cuộc sống của đồng bào rất khó khăn. Nhìn thấy điều đó, tôi muốn góp một phần nhỏ công sức của mình giúp bà con biết chữ, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện cuộc sống cho bà con”.
Hơn 20 năm đứng lớp giảng dạy, Đại úy Lò Văn Thoại gắn bó với rất nhiều lớp xóa mù chữ với học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhiều người sau khi biết chữ đã về tuyên truyền, dạy lại cho những người chưa biết để họ hiểu thêm giá trị của việc đi học. Các tiết giảng của thầy giáo tập trung vào các môn tiếng Việt, lịch sử, toán, địa lý, đặc biệt là truyền thống của đất nước, quê hương, của đồng bào các dân tộc. “Học sinh” của lớp là bà con các dân tộc Mông, Thái, Lào...
Trung tá Lò Văn Bình, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đánh giá: “Hơn 20 năm đứng lớp, vượt qua bao khó khăn, gian khổ, nhưng Đại úy Lò Văn Thoại vẫn kiên trì bám trụ nơi miền biên viễn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tận tụy “gieo chữ” cho đồng bào các dân tộc. Qua đó tạo được những chuyển biến nổi bật về chất lượng và hiệu quả giáo dục, được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và đồng bào các dân tộc trên địa bàn yêu mến”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét