Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

 HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Chiều 14-11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên 1M4V năm 2024: “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; GS, VS Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; PGS, TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề cốt lõi trong lĩnh vực khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo; làm rõ những bất cập, rào cản trong các quy định hiện hành cũng như tập trung trao đổi về các cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trong đó có quan tâm đến tính rủi ro, độ trễ và nhiều vấn đề khác liên quan.

Tham luận tại hội nghị, PGS, TS Nguyễn Đức Minh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nêu bật một số bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành không chỉ cản trở sự phát triển của KHCN mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các bất cập này nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực lâu dài, làm suy giảm động lực sáng tạo và tăng trưởng bền vững. PGS, TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh: "Việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp và toàn diện là yếu tố thiết yếu để thúc đẩy KHCN, tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong bối cảnh mới".

Hay GS, TS Chu Hoàng Hà, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. GS, TS Chu Hoàng Hà cho biết, tại Việt Nam, hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường KHCN còn gặp nhiều thách thức về mặt cơ chế, chính sách và đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường KHCN.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật và pháp lệnh.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Thông qua các ý kiến tham luận, trao đổi tại hội nghị, để hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật KHCN và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách trong triển khai, thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ; tăng cường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp mang tính đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia cũng như hoàn thiện các cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo./.


Báo QĐND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét