Vai trò của lực lượng Công an nhân nhân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở Việt Nam
Thế giới hiện nay đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0), đặc biệt là công nghệ thông tin cùng internet đã tạo ra một không gian chiến lược mới - không gian mạng. Với những đặc trưng riêng biệt, không gian mạng đã phát triển trở thành không gian thứ năm của mỗi quốc gia bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ; với những lợi ích, tác động đa chiều, đan xen. Với thế mạnh đặc thù của mình, không gian mạng có những đặc tính như tốc độ truyền tải, tìm kiếm thông tin nhanh, lưu trữ lượng thông tin khổng lồ; tính liên kết cộng đồng không biên giới, tính đa phương tiện, tương tác rất cao, vì thế, không gian mạng đã trở thành một bộ phận cấu thành của xã hội, bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội, là nhu cầu không thể thiếu của con người sống trong xã hội hiện đại ngày nay, đặc biệt là tác động của Mạng xã hội (MXH) đối với đời sống con người. Tuy nhiên, bên cạnh vai trò và những lợi ích thiết thực, to lớn mà không gian mạng đem lại cũng đã đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia (ANQG), trật tự, an toàn xã hội (TTTTXH), đe dọa về an ninh mạng được nhiều quốc gia xác định là một trong những thách thức nguy hiểm nhất về ANQG; không thể có ANQG nếu không có an ninh mạng. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, góp phần quan trọng bảo đảm ANTT ở Việt Nam.
1. Nhận thức chung về không gian mạng
Không gian mạng là không gian ảo, hình thành từ mạng lưới kết nối của các mạng, bao gồm mạng internet, mạng viễn thông, hệ thống máy tính, bộ xử lý và điều khiển, chứa đựng cơ sở dữ liệu, phản ánh hoạt động của con người, không giới hạn về không gian, thời gian. Sự xuất hiện của không gian mạng đưa thế giới bước vào một thời đại mới, với sự khác biệt cơ bản là thực - ảo đan xen, kết hợp, thực không tách rời ảo và ngược lại.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều quan điểm khác nhau về không gian mạng. Tiếp cận dưới góc độ tiêu chuẩn, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) thuộc Liên hiệp quốc xác định, không gian mạng là môi trường bao gồm các người dùng, mạng Internet, các thiết bị tính toán và các ứng dụng, dịch vụ kết nối trực tiếp hay gián tiếp vào Internet và các mạng thế hệ mới. Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cho rằng, không gian mạng là một môi trường phức hợp được tạo ra từ sự tương tác của con người, phần mềm và các dịch vụ trên Internet bằng các thiết bị công nghệ và các hệ thống mạng kết nối, các tương tác này không tồn tại dưới bất kỳ hình thức vật lý nào. Các quan điểm nêu trên về không gian mạng đã phản ánh sự đa chiều nhưng cũng có những điểm chung thống nhất:
Một là, không gian mạng là một mạng lưới kết nối các thành phần vật lý. Các thành phần này được tạo thành từ cơ sở hạ tầng không gian mạng, bao gồm: Mạng Internet, mạng viễn thông, mạng máy tính, các hệ thống xử lý và điều khiển thông tin.
Hai là, không gian mạng là một không gian ảo, không có thực, chỉ là giao tiếp giữa các hệ thống mạng.
Ba là, không gian mạng chứa đựng tài nguyên mạng, gồm dữ liệu được lưu trữ, truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng.
Bốn là, không gian mạng có cộng đồng dân cư, phản ánh hoạt động của con người.
Năm là, không gian mạng có tính toàn cầu không biên giới.
Sáu là, không gian mạng có tính nhà nước, tác động đến ANQG theo cả hai nghĩa tích cực và tiêu cực.
Luật An ninh mạng Việt Nam năm 2018 quy định “Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”. Cách tiếp cận này mang tính tổng quan, phù hợp với các quan điểm chung đã nêu, cân bằng, hài hòa, không thiên về bản chất vật lý, kỹ thuật, đồng thời, cũng không đề cao quá mức các yếu tố ANQG. Như vậy, không gian mạng là khái niệm rộng hơn Internet. Việc sử dụng phần cứng, phần mềm, các hệ thống dữ liệu, thông tin có thể có tác động vượt ra ngoài một mạng lưới và hạ tầng công nghệ thông tin nhất định và được coi là một công cụ phát triển kinh tế. Dưới góc độ quốc gia, không gian mạng là một miền mới, một không gian mới mang ý nghĩa tương tự như như một vùng lãnh thổ cần được khai phá, bảo vệ.
Không gian mạng quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát. Trên không gian mạng, Việt Nam có hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Hệ thống này gồm hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu; hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng; hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái; hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia; hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở Trung ương; hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí; hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.Trong những năm trở lại đây, mạng xã hội đang ngày càng phát triển và trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều người tại Việt Nam.
Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Mạng xã hội kết nối các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian. Người dùng và cũng chính là các thành viên trong MXH có thể dễ dàng tương tác với nhau thông qua hàng loạt các ứng dụng, tiện ích được tích hợp như tìm kiếm, chat, email, phim ảnh, voichat, chia sẻ file, blog,…Đặc tính kết nối và tương tác mạnh mẽ khiến cho thông tin lan truyền rất nhanh trên MXH.
Mạng xã hội là một phương tiện phổ biến và có sức tác động lớn nhất trong các phương tiện truyền thông xã hội. Mạng xã hội được xem là một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại, có nhiều ưu thế, tính năng ưu việt trong thông tin, giao tiếp, kết nối xã hội, mà các phương tiện truyền thông truyền thống không thể có như tính siêu kết nối xã hội (kết nối xã hội vượt mọi không gian, thời gian), tính lan tỏa rộng và tốc độ nhanh, khả năng số hóa thông tin, truyền thông dữ liệu lớn và truyền thông đa phương tiện, trí tuệ nhân tạo (AI), tính mở, môi trường tự do thông tin, khuyến khích sự chia sẻ, sáng tạo, tính tương tác thông tin cao… Tuy nhiên, mạng xã hội như “con dao hai lưỡi”, một mặt mang lại rất nhiều tiện ích cho con người, thúc đẩy sự phát triển trên nhiều lĩnh vực; mặc khác, với tính chất “mở”, mạng xã hội trở thành môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, phản động tiến hành thực hiện các âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Điều này đặt ra không ít thách thức trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ trương, đường lối của Đảng, thành quả của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, việc ngăn chặn, đẩy lùi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên môi trường mạng xã hội là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
2. Âm mưu của các thế lực thù địch trong phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Lợi dụng không gian mạng, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Hoạt động của các tổ chức chống phá có mục tiêu tôn chỉ được tổ chức khá chặt chẽ, bài bản. Mục tiêu xuyên suốt của chúng là tuyên truyền chống phá, lôi kéo kêu gọi tụ tập, biểu tình, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” phá hoại sự ổn định phát triển đất nước. Hầu hết các tổ chức phản động đều xây dựng tài khoản mạng xã hội tổ chức thành hệ thống các kênh truyền thông chống phá. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi tháng có hàng chục nghìn bài viết, video trên internet, mạng xã hội có nội dung liên quan đến Việt Nam, trong đó tỷ lệ không nhỏ các bài viết, video có nội dung xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta (có khoảng 67% bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, số còn lại phát tán trên các kênh mạng xã hội Youtube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức phản động).
Qua thực tiễn tình hình trong nước, có thể nhận thấy âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên không gian mạng cơ bản vẫn tập trung vào một số nội dung, như: Xuyên tạc phá hoại nền tảng tư tưởng, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; gây mâu thuẫn nội bộ, công kích, bôi nhọ và hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, thông qua truyền thông mạng xã hội để kêu gọi, kích động biểu tình, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kích động hoạt động chống phá của số đối tượng chống đối chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền và “tự do Internet”, khuyến khích các đối tượng này chống phá quyết liệt hơn bằng cách trao các giải thưởng, đề cử vinh danh hay đưa Việt Nam vào danh sách “kẻ thù của Internet”, vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền.
Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với âm mưu hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam, bằng các thủ đoạn, như: (i) Xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lê-nin; (ii) Tập trung công kích, xuyên tạc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; (iii) Bóp méo, hạ thấp, phủ nhận thành quả đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng...
Về kinh tế, chúng xuyên tạc, chống phá đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Các thế lực thù địch âm mưu làm cho nền kinh tế nước ta phát triển chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng bóp méo các nguyên lý kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đối lập định hướng xã hội chủ nghĩa với phát triển kinh tế thị trường,… tạo ra nền tảng vật chất, xã hội hình thành nền “chính trị dân chủ” và “xã hôi dân sự” kiểu tư bản chủ nghĩa.
Về văn hóa, chúng lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam; gieo rắc tư tưởng sùng bái lối sống, văn hóa phương Tây; o bế các cây viết, khuynh hướng, xu hướng văn hóa - văn nghệ cực đoan, phản động; phát tán những tác phẩm cổ vũ sự chống đối, xúc phạm những giá trị văn hóa truyền thống, đòi “giải thiêng thần tượng”, “hạ bệ thần tượng”. Các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền để lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận quần chúng thực hiện các hành vi chống đối chính quyền; tìm cách khoét sâu vào những yếu kém, sơ hở, mất cảnh giác của ta để bóp méo, xuyên tạc, tạo ra sự hoài nghi, lung lay trong tư tưởng của đảng viên và nhân dân ta.
Về ngoại giao, tìm cách cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế, mặt khác, lôi kéo, mua chuộc các đối tác từ bên ngoài để gây sức ép, tác động vào bên trong đất nước; quốc tế hóa những vấn đề nội bộ của Việt Nam; xuyên tạc đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển đa dạng hóa, đa phương hóa của Việt Nam,…
3. Về thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động trọng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Một là, Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng triệt để ưu thế nổi trội của các trang mạng xã hội có lượng lớn người sử dụng như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube… biến thành công cụ đắc lực thực hiện âm mưu chống phá. Chúng bám sát rất kỹ vào các biến động tình hình đời sống xã hội Việt Nam. Chúng luôn tìm các sự kiện “nóng” diễn ra trong xã hội được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm; các sơ hở, sai phạm và bức xúc của xã hội để tung ra nhiều bài viết xuyên tạc, bịa đặt, đổi trắng thay đen, suy diễn một cách vô căn cứ. Nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, chủ quyền, đất đai, quốc phòng - an ninh… bị các đối tượng thù địch cắt ghép, pha trộn thông tin thật - giả nhằm làm nhiễu loạn thông tin, tạo sự hoang mang cho người đọc, kích động gây rối an ninh, trật tự.
Hai là, Tạo lập các tài khoản giả mạo các trang mạng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đăng tải các thông tin xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế, xã hội. Nguỵ tạo thông tin, giả danh các trang mạng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bằng cách cắt ghép hình ảnh của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ cao cấp gắn với những phát ngôn gây “sốc” để đánh lạc hướng dư luận. Đây đều không phải là trang tin chính thức, có thể gây nhiễu loạn thông tin và ẩn chứa những động cơ đen tối. Người tiếp xúc với các trang mạng này do thiếu kỹ năng nên không biết đây là trang giả mạo, mà nghĩ đây là trang chính thức của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước nên các trang đăng tải thông tin này được nhiều người đọc theo dõi, vì thế các thế lực thù địch lợi dụng để gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây bất ổn trong dư luận.
Ba là, Lợi dụng một số vấn đề liên quan đến nhân quyền, dân chủ, tín ngưỡng, tôn giáo, các đối tượng thành lập các tài khoản, fanpage phát tán rộng rãi các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung xấu độc, phản động, từ đó lôi kéo, kêu gọi biểu tình, tụ tập trái phép, gây rối an ninh trật tự, kích động bạo loạn và có các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt trong thời gian qua, chúng kích động, “hà hơi tiếp sức” cho những kẻ nhân danh “lòng yêu nước” để biểu tình gây rối trật tự, trị an; “triệt để lợi dụng các vụ án phức tạp, nhạy cảm để kích động, xuyên tạc, quy kết, vu cáo Đảng, Nhà nước yếu kém, đả kích các cơ quan tư pháp, kích động “bất tuân dân sự” trong xã hội” (6). Chúng lúc ngấm ngầm, lúc công khai ra mặt tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta và đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao trong hệ thống chính trị hòng làm giảm uy tín và niềm tin đối với Đảng, chế độ. Chiêu bài của chúng là tung ra một bài viết có nội dung bảo vệ Đảng hay một cán bộ cấp cao nào đó của Đảng, Nhà nước, rồi để mặc nhiên cho các phần tử phản động, thù địch vào bình luận, chia sẻ những thông tin trái chiều không đúng sự thật.
Bốn là, Khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để sửa chữa, chèn thêm đường dẫn đăng tại nội dung, thông tin giả mạo, xấu, độc; chèn, chỉnh sửa nội dung bài viết, hình ảnh trên các website, cổng thông tin điện tử làm sai lệch bản chất thông tin, làm người đọc mơ hồ mất cảnh giác. Sự tinh vi của các thế lực thù địch, phản động được thể hiện ở chỗ, chúng trích dẫn cắt xén, thông tin nửa vời những quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đan cài bằng những quan điểm giả danh mác-xít, làm cho người đọc mất phương hướng, lẫn lộn, không phân biệt được đúng - sai.
4. Đối tượng tác động, lôi kéo của các thế lực thù địch trên không gian mạng
Các thế lực thù địch thường hướng tới là tầng lớp trí thức; đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái tư tưởng chính trị; văn nghệ sĩ; thanh niên, học sinh, sinh viên, nhất là đội ngũ thanh thiếu niên vì đây là những thế hệ tương lai của đất nước. Lợi dụng bối cảnh đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế, các đối tượng thù địch không ngừng rao giảng, đề cao tư tưởng phương Tây, khoác áo “khách quan học thuật”, “văn hóa, văn minh” để quảng bá về cái gọi là “các giá trị phương Tây” nhằm làm phai nhạt lý tưởng cách mạng của thế hệ trẻ.
Thông qua các nền tảng không gian mạng trong thời đại số, các thế lực thù địch sử dụng những tin, bài, hình ảnh của báo chí chính thống trong nước, sau đó tô vẽ thêm bớt, đưa ra những nội dung thật giả lẫn lộn, sai lệch để đưa lên mạng xã hội. Chúng lập ra những trang/tài khoản núp dưới danh xưng của các cơ quan của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo cấp cao nhằm lôi kéo tâm lý hiếu kỳ của công chúng, đánh vào khoảng trống thông tin mà báo chí chính thống trong nước chưa đăng tải hoặc cần thời gian kiểm duyệt thông tin; ngụy tạo các bài viết dưới những tiêu đề giật gân liên quan đến những vấn đề đang được dư luận quan tâm,… Những thủ đoạn lợi dụng nền tảng số nêu trên của các thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn đã dẫn dụ và lừa dối được một bộ phận người dân, nhất là những người có tâm lý hiếu kỳ, tò mò muốn dò tìm các thông tin không chính thống. Những cái “bẫy thông tin” mà các đối tượng thù địch, phản động, tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam tung ra cũng đã khiến cho nhiều người nước ngoài không phân biệt được thật giả và bị những dòng thông tin sai lệch này dẫn dắt.
5. Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Thực tế cho thấy, sau khi các nước các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, các thế lực thù địch, phản động ngày càng gia tăng các hoạt động tuyên truyền, kích động chống phá CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta; xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ngấm ngầm truyền bá tư tưởng đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… nhằm chuyển hóa thể chế chính trị ở Việt Nam. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và việc quán triệt tầm quan trọng. Lực lượng Công an là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái; làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam ngày càng phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,… Đồng thời, thông qua tuyên truyền, bảo vệ và đấu tranh để nhận diện đúng, nâng cao khả năng tự phòng, chống cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị… Thời gian qua, lực lượng Công an đã phát huy vai trò của mình trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như sau:
Thứ nhất, Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Nghị quyết số 35 chỉ rõ vai trò, vị trí của báo chí, truyền thông trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng triển khai các biện pháp ngăn chặn, vô hiệu hóa, phản bác thông tin xấu, độc; định hướng các cơ quan báo chí trong nước về các sự kiện chính trị, đối ngoại; chỉ đạo đội ngũ công tác viên viết, chia sẻ hàng chục nghìn tin, bài, bình luận có giá trị định hướng, phản bác luận điệu xuyên tạc; phát huy hiệu quả Quy chế phối hợp giữa thường trực Ban Chỉ đạo 35 của Quân ủy Trung ương, Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội trong đấu tranh chống “Diễn biến hòa bình” và phản bác quan điểm sai trái, thù địch, tạo thế chủ động hiệp đồng các lực lượng trên mặt trận này. Đồng thời, Bộ Công an chủ động xây dựng, triển khai nhiều đề án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh, vô hiệu hóa các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ trên không gian mạng; qua đó, toàn thể lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ công an các cấp, từ trung ương đến cơ sở đều quán triệt sâu sắc, tập trung mọi lực lượng, phương tiện, triển khai toàn diện các biện pháp công tác, đấu tranh quyết liệt với các hoạt động sử sụng không gian mạng chống Đảng, Nhà nước.
Lực lượng Công an đã tập trung tham mưu, triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 306-KH/BTGTW của Ban Chỉ đạo Trung ương, Kế hoạch số 235/KH-BCA-A05 của Bộ Công an trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tán phát thông tin xấu độc chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng; chủ động xây dựng, ban hành nhiều phương án, kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tán phát thông tin xấu độc chống Đảng, Nhà nước trên không gian mạng. Thường xuyên trao đổi thông tin với Ban Chỉ đạo 35, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các thông tin xấu, độc.
Thứ hai, Không gian mạng là nền tảng có tác dụng to lớn, góp phần hỗ trợ và nâng cấp, mở rộng lượng thông tin cần xử lý và lưu trữ, làm tăng tốc độ xử lý, trao đổi thông tin, nâng cao khả năng truy cập đến các nguồn tài nguyên thông tin. Xét về mặt quản lý nhà nước, không gian mạng giúp nâng cao tính linh hoạt trong hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao khả năng cơ động của hệ thống bảo đảm cốt yếu cho quốc gia. Tính đến tháng 1/2022, ở Việt Nam có 72,1 triệu người dùng internet, tương ứng với 73,2% dân số cả nước (tăng 4,9% so với năm 2021), với 76,95 triệu người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, chiếm 78,1% tổng dân số (tăng 6,9% so với năm 2021). Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh chiếm 94,6%, cao hơn mức trung bình của thế giới. Thời gian sử dụng internet trung bình hằng ngày của một người là 6 giờ 38 phút, trong đó truy cập từ điện thoại di động là 3 giờ 32 phút, từ các thiết bị khác là 3 giờ 06 phút, có 2 giờ 28 phút sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Các phương tiện truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất theo thứ tự tại Việt Nam là Facebook, Zalo, Facebook Messenger, Tiktok, Instagram, Twitter, Telegram, Pinterest,... riêng mạng xã hội Facebook, có tới 70,4 triệu người sử dụng (6). Điều này cho thấy, không gian mạng đang được phần lớn người dân Việt Nam yêu thích và thực hiện các hoạt động giao tiếp xã hội. Không gian mạng cũng là “không gian dư luận” khổng lồ mà ở đó thông tin (dưới nhiều dạng khác nhau) là sợi dây vô hình liên kết tất cả các thành viên tham gia.
Đi kèm với những ưu thế đó, không gian mạng luôn tiềm ẩn các nguy cơ vô cùng to lớn, đó là: 1- Nguy cơ phá hoại chức năng quản lý nhà nước; 2- Nguy cơ phá vỡ tổ chức và vô hiệu hóa các hệ thống bảo đảm cốt yếu của quốc gia; 3- Nguy cơ định hướng lại ý thức xã hội (7). Việt Nam thường xuyên nằm trong tốp 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong những năm 2018, 2019, 2020 và là quốc gia có tỷ lệ gặp phải mã độc tống tiền cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 (8). Với vai trò là lực lượng nòng cốt Công an nhân dân đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của của nhân dân và sự ổn định, phát triển của xã hội trên không gian mạng, cũng như ngăn ngừa và phòng, chống các loại tội phạm công nghệ cao tránh các nguy cơ đe dọa an ninh con người và an ninh quốc gia.
Hiện nay, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng là một nhiệm vụ to lớn, nặng nề trong đó lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt, nhằm đưa không gian mạng thành “mảnh đất màu mỡ” để nuôi dưỡng các “hạt giống” tư tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa nhân văn, tiến bộ, hòa bình; thành “mảnh đất vững chắc” để xây đắp, củng cố nền tảng tư tưởng do chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nòng cốt; thành “khu vườn tươi tốt” để những “bông hoa” tư tưởng sáng tạo khoe sắc và phụng sự cho sự nghiệp phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Ðảng đã xác định một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ, đó là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Thứ ba, Các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài đang ra sức sử dụng không gian mạng để bôi nhọ hình ảnh và làm suy giảm vị thế đất nước cũng như hệ thống chính trị nước ta. Chúng tăng cường chống phá Đảng ta và hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, truyền bá những tư tưởng thù địch, kích động hận thù, bất mãn, mâu thuẫn... Trong những năm gần đây, nhiều cuộc tấn công mạng và những hành vi gây rối, phá hoại an ninh truyền thống và phi truyền thống trên không gian mạng ngày càng gia tăng với những thủ đoạn vô cùng tinh vi, nguy hiểm, gây thiệt hại nghiêm trọng. Đó là các hoạt động tán phát tin giả, tin xấu, độc hại, gây nhiễu loạn đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống tư tưởng, chính trị trong các tầng lớp nhân dân.... Thời gian qua, tại Việt Nam đã phát hiện trên 3.000 trang web, blog, tài khoản mạng xã hội và gần 100 hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook thường xuyên đăng tải thông tin chống Đảng, Nhà nước, kích động gây rối an ninh, trật tự, kích động biểu tình, bạo loạn, thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, làm nhiễu loạn đời sống và an ninh tư tưởng, chính trị trong nước,...(6).
Với vai trò là lực lượng nòng cố để bảo vệ an ninh quốc gia từ sớm, từ xa, việc bảo đảm an ninh không gian mạng luôn được lực lượng Công an nhân dân ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, hoạt động thông tin, tuyên truyền, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phản động, bóp méo sự thật, chống phá Đảng và Nhà nước của các thế lực thù địch trên không gian mạng phải được coi là trọng tâm tiên phong trong cuộc đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng hiện nay.
5. Lực lượng Công an nhân dân chủ động, nhạy bén trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Thực tiễn từ khi Đảng ta ra đời đến nay, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua, nhất là sau gần 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đây là bằng chứng khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam; Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng đẩy mạnh công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Do đó, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, được Đảng ta luôn luôn coi trọng, ngay từ khi Đảng ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Những năm qua, Đảng uỷ Công an Trung ương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Qua đó, xây dựng nên thế trận đấu tranh tư tưởng, lý luận trong lực lượng Công an nhân dân ngày càng vững chắc. Công tác giáo dục chính trị được đặt lên hàng đầu, không ngừng đổi mới chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Đồng thời, nghiên cứu, nhận diện và đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Đã tập trung luận giải có cơ sở khoa học, khẳng định những giá trị bền vững, tính đúng đắn, khoa học, cách mạng và sức sống bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, nổi bật là: (8) Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo 35 Bộ Công an, trong chỉ đạo các lực lượng từ Bộ đến Công an xã, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phản bác, tấn công đối tượng trên lĩnh vực thông tin, truyền thông và mạng Internet. (6) Gắn chặt việc thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ; tạo phong trào thi đua rõ rệt trên mặt trận chủ động tìm các đối tượng, trang mạng chống Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp. (7) Từ tháng 5/2015 đến nay, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương xây dựng gần 5.000 chuyên mục, trên 6.000.000 tin, bài, phóng sự, ảnh đăng báo, đài Trung ương và địa phương; phối hợp các địa phương tổ chức trên 7.000 buổi tuyên truyền pháp luật, định hướng thông tin... Đăng trên 5.000.000 tin, bài phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trên hệ thống web, blog, mạng xã hội phục vụ công tác đấu tranh phản bác tại địa phương.v.v...
Trải qua thực tiễn hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch, phản động, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vai trò, hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Lực lượng Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, khẳng định vai trò, vị trí của mình; kết quả công tác công an đã phục vụ tốt nhiệm vụ chủ động chiến lược trong bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, an ninh, an toàn, lành mạnh, tạo môi trường hòa bình ổn định, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
6. Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng góp phần thực hiên thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới lực lượng Công an cần phải tăng cường công tác giáo dục, định hướng cho cán bộ, chiến sĩ về việc khai thác, sử dụng các trang mạng xã hội để cảnh báo, răn đe và xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao nội dung, phương thức, hình thức tuyên truyền, bảo vệ, đấu tranh nhiều tầng, nhiều nấc, nhiều cấp độ phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực, từng thời điểm. Đồng thời, tích cực dự báo, nắm bắt tình hình, kịp thời nhận diện các thông tin xấu độc, xuyên tạc mà các thế lực thù địch thường xuyên phát tán…, để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp tuyên truyền, bảo vệ, đấu tranh bằng nhiều hình thức, cấp độ phong phú, sinh động theo sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; kịp thời phát hiện, tẩy chay và không tiếp tay cho những kẻ cơ hội, lan truyền thông tin xấu độc dưới mọi hình thức. Cụ thể là:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với lực lượng Công an về công tác đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng đúng định hướng, thống nhất; Ban Chỉ đạo 35 của Bộ Công an phải xây dựng lực lượng, kế hoạch, chương trình hành động phù hợp, sát thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện nghiêm quy định về thông tin và phát ngôn. Thường xuyên nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, trong các tổ chức đoàn thể, khắc phục tình trạng mơ hồ về chính trị trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội cho cán bộ, đảng viên và người dân.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới; Thông báo số 17/TB-VPTW ngày 23/8/2016 của Thường trực Ban Bí thư về biện pháp cấp bách bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thực hiện Luật An ninh mạng năm 2018...
Hai là, lực lượng Công an cần xác định công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài.
Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của lực lượng Công an cần được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, khó khăn và quyết liệt, do vậy cần tuyệt đối tránh tư tưởng xem nhẹ, lơ là, buông lỏng, mất cảnh giác. Phát huy ưu thế của lực lượng Công an trên các phương tiện truyền thông mới và không gian mạng làm phương tiện và nền tảng chủ đạo để khắc chế các thủ đoạn dùng không gian mạng để chống phá ta của các thế lực thù địch.
Giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực đấu tranh tư tưởng, lý luận; làm tốt công tác tham mưu cho các cơ quan tuyên giáo, báo chí của Đảng về âm mưu, phương, thức và thủ đoạn mới của các thế lực thù địch trên không gian mạng; xây dựng đội ngũ nòng cốt, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, tinh thông, nhạy bén trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; mở rộng các kênh, lực lượng thông tin rộng khắp, làm chủ không gian thông tin trong nước và không gian mạng. Kết hợp thông tin phản bác của các cơ quan báo chí chính thống với các kênh truyền thông khác nhằm lan tỏa trên không gian mạng.
Lực lượng Công an cần coi trọng công tác dự báo khoa học về những xu hướng truyền thông mới tác động trực tiếp tới sự thay đổi về thủ đoạn, cách thức, phương tiện chống phá kiểu mới của các thế lực thù địch, phục vụ trực tiếp cho việc tham mưu với lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đưa ra phương hướng chỉ đạo. Kết hợp các giải pháp về nội dung với các giải pháp kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ an ninh, chặn lọc, vô hiệu hóa, đấu tranh với các nhà cung cấp các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài, gỡ bỏ thông tin xấu độc, răn đe, xử lý để tạo hiệu quả trong công tác đấu tranh.
Căn cứ các quy định của quốc tế tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng, tập trung hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước trên không gian mạng phù hợp với tình hình mới và thể chế chính trị của nước ta. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh thông tin, an ninh mạng, tính thượng tôn pháp luật quốc gia sở tại của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Ba là, bổ sung, hoàn thiện nội dung, phương thức đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Hiện nay, không gian mạng đang tiếp tục có những bước phát triển nhanh chóng, các thế lực thù địch đã lợi dụng triệt để nhằm chống phá với các hình thức, phương thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Do vậy, đòi hỏi nội dung, phương thức đấu tranh của chúng ta cũng phải đổi mới, bổ sung, từng bước hoàn thiện cho phù hợp. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ cán bộ, đảng viên về mặt chính trị; bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội… để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ”(6).
Cùng với đó, cần có giải pháp bảo vệ tốt thông tin cá nhân, kỹ thuật phát tán thông tin trên không gian mạng, kỹ thuật phân tích điều tra, ngăn chặn, bóc gỡ khóa tài khoản phản động, thù địch, xấu độc… Tăng cường công tác tuyên truyền, ứng dụng các công nghệ hiện đại, đổi mới, sáng tạo cách thức tuyên truyền, học tập, triển khai các nghị quyết của Đảng. Tận dụng tối đa 93,5 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, trong đó có 73,5% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh trong công tác tuyên truyền chủ trương, nghị quyết của Đảng và đấu tranh với các hình thức chống phá của các thế lực thù địch (7).
Nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, đảng viên trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng internet, đồng thời tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân chủ động, tự giác đấu tranh, phản bác đối với các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch phát tán trên không gian mạng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng và phát triển chính quyền số, chính phủ số.
Đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền, lựa chọn đúng nội dung và luôn có những thông tin mới trong tuyên truyền, tăng cường thông tin đối ngoại. Tiến hành điều tra dư luận xã hội để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và người dân, làm cơ sở xây dựng nội dung tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tư tưởng trước các vấn đề xã hội, tạo thế chủ động trên mặt trận đấu tranh trên mạng xã hội. Chủ động thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, bảo đảm tính định hướng nhằm giải quyết hiệu quả các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là trước những sự kiện nhạy cảm, phức tạp, tạo sự đồng thuận cao trong cơ quan, đơn vị, Nhân dân đối với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước là sự nghiệp cách mạng to lớn, đầy khó khăn, thử thách, nhiều cam go, phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang, đáng tự hào. Vì vậy, thực hiện đầy đủ, hiệu quả các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng để “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong mỗi người dân Việt Nam; đồng thời, là cơ sở vững chắc để đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phản động góp phần bảo đảm ANTT, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi quan điểm, mục tiêu, phương hướng Đại hội XIII của Đảng./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét