(LLCT) - Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng
cường, thịnh vượng, Đảng ta xác định “Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi
dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng”(1)... Đề cao vai trò
của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ. Bài viết đề xuất một số
giải pháp cơ bản nhằm phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục ý chí, khát
vọng phát triển đất nước cho thế hệ trẻ: nâng cao nhận thức của các gia đình về
vai trò, trách nhiệm trong giáo dục ý chí, khát vọng cho thế hệ trẻ; xác định
nội dung giáo dục cụ thể và phương pháp giáo dục phù hợp; phát huy vai trò các
chủ thể cùng gia đình trong việc giáo dục ý chí, khát vọng cho thế hệ trẻ.
Khát vọng, theo cách hiểu phổ quát, là một trạng thái tinh thần, phản ánh
sự ước ao, mong muốn thiết tha của con người về những điều lớn lao, tốt đẹp với
sự thôi thúc mạnh mẽ(2). “Khát vọng phát triển của một dân tộc là sự
cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia
- dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô
song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường
đi tới tương lai”(3). Việt Nam là dân tộc có truyền thống đoàn kết,
văn hiến, anh hùng, khát vọng phát triển đất nước thật sự là sức mạnh nội sinh
phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng nghìn
năm dựng nước, giữ nước.
Trong Văn kiện Đại hội XIII, vấn đề phát huy “ý chí, khát vọng” phát triển
đất nước là nội dung được đề cập nhiều lần và được coi là nguồn lực nội sinh để
thực hiện thành công mục tiêu phát triển, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước
ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(4).
Để thực hiện được yêu cầu này đòi hỏi sự tham gia của tất cả các chủ thể trong
xã hội vào việc “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền
thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân,
nhất là thanh niên”(5), trong đó, gia đình được xác định là chủ thể
tiên quyết.
1. Vai trò của gia đình trong giáo dục ý chí, khát vọng cho thế hệ
trẻ
Gia đình là nơi hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện giáo dục đối
với thế hệ trẻ. Đây là môi trường giáo dục đầu tiên và lâu dài trong cuộc đời
của mỗi con người, ở đó, tình cảm ruột thịt và bầu không khí, ấm cúng, hòa
thuận giữa các thành viên gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc
giáo dục nhân cách con người. Về mặt nội dung, giáo dục của gia đình bao hàm
tất cả các yếu tố, từ văn hóa gia đình đến văn hóa cộng đồng, từ đạo đức, lối
sống, hành vi ứng xử đến các tri thức khoa học... Gia đình có vai trò đặc biệt
quan trọng trong việc giáo dục để hình thành nhân cách con người. Những mầm
mống ban đầu của nhân cách, từ sở thích, lối sống đến ước mơ, hoài bão, ý chí,
khát vọng... của mỗi cá nhân đều được hình thành chủ yếu ngay từ môi trường gia
đình.
Trong chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, vai trò của gia
đình với việc giáo dục ý chí và khát vọng cho thế hệ trẻ được minh chứng qua
lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống
thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Thông qua những bài hát
ru khi còn nằm trong nôi, những lời dăn dạy của ông bà, cha mẹ hằng ngày... mà
lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc ngoại xâm, khát vọng độc lập tự do đã hình
thành và được mài giũa. Do đó, lớp lớp thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là những
chàng trai, cô gái còn rất trẻ, với ý chí, khát vọng “Không có gì quý hơn độc
lập tự do” đã không tiếc tuổi xuân, xung phong ra trận chiến chống quân thù. Đó
là những chàng trai sẵn sàng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước; Mà lòng phơi phới
dậy tương lai”; là những cô gái hiên ngang bất khuất trước kẻ thù “Đầu ngẩng
cao bất khuất; Ngay trong phút hy sinh”... là sức mạnh nội sinh đưa đến độc
lập, tự do cho dân tộc.
Trong thời kỳ đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc xây dựng CNXH trên
phạm vi cả nước, gia đình đã là môi trường giáo dục cho thế hệ trẻ niềm tin,
khát vọng vượt qua khó khăn, gian nan để phát triển đất nước. Khát vọng đó đã
chuyển hóa thành sức mạnh to lớn đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế
- xã hội trầm trọng những năm 80 của thế kỷ XX; vượt qua cuộc chấn động chính
trị toàn cầu khi mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ và những thử thách
khắc nghiệt do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực những
năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu những
năm 2008 - 2009, đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển,
trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; vượt lên, kiềm chế
thành công đại dịch Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do dịch
bệnh gây ra, ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, duy trì tăng
trưởng...
Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện
nay. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức,
đặc biệt là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và
thế giới. Chính vì vậy, khát vọng của dân tộc ta hiện nay đó là: Xây dựng Việt
Nam trở thành một quốc gia phát triển hùng cường, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI,
nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN. Và mục tiêu cụ
thể, đó là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng
hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030: Là nước đang
phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045: Trở
thành nước phát triển, thu nhập cao(6).
Như vậy, khi bối cảnh xã hội thay đổi, khát vọng của dân tộc có nội dung và
biểu hiện mới, đòi hỏi các chủ thể giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình cần
có nội dung và cách thức giáo dục mới để khơi dậy mạnh mẽ ý chí và khát vọng
cống hiến, khát vọng phát triển đất nước của mỗi cá nhân.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, chức năng giáo dục của một bộ phận
gia đình, đặc biệt là vấn đề giáo dục ý chí, khát vọng vươn lên, khát vọng cống
hiến... có phần bị coi nhẹ. Do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường
và hội nhập quốc tế, ở một số gia đình, cha mẹ mải mê làm kinh tế mà thiếu đi
sự quan tâm, giáo dục con cái, giao phó việc giáo dục con cái cho nhà trường;
đặc biệt, một vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay đó là, nhiều gia đình khi thực
hiện chức năng giáo dục thì chỉ chú trọng vào giáo dục các giá trị liên quan
đến quan hệ ứng xử (phẩm chất trung thực, kính trọng, lễ phép, khiêm tốn, biết
vâng lời...), các hoạt động trong đời sống hằng ngày ở gia đình và ngoài xã
hội, trong khi nội dung giáo dục về tình yêu quê hương đất nước lại không được
giáo dục thường xuyên trong gia đình(7).
Hệ quả là một bộ phận thế hệ trẻ hiện nay sống ích kỷ, vụ lợi, vì lợi ích cá
nhân mà sẵn sàng làm tổn hại đến lợi ích chung; một số thanh, thiếu niên sống
buông thả, vô trách nhiệm với chính bản thân và với cộng đồng xã hội, thiếu ước
mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên, khát vọng cống hiến, mất phương hướng
trong cuộc sống, bàng quan trước mọi vấn đề của đất nước...
Đây là những vấn đề đáng lo ngại không chỉ của mỗi gia đình mà là vấn đề lo
ngại của cả quốc gia, dân tộc, bởi thế hệ trẻ là tương lai của đất nước. Do đó,
vấn đề đặt ra là cần phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình trong việc giáo dục
ý chí, khát vọng cho thế hệ trẻ với những nội dung và hình thức phù hợp, hiệu
quả.
2. Giải pháp phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục ý chí, khát vọng
phát triển đất nước cho thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay
Đảng ta chủ trương: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng
hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn,
phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo
công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng(8)...
Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(9).
Điều này cho thấy, quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII rất chú trọng tới hệ giá
trị gia đình và vai trò của gia đình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, trong đó
có giáo dục về ý chí và khát vọng phát triển đất nước. Để chủ trương của Đảng
trở thành hiện thực, đạt hiệu quả cao, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các gia đình về vai trò, trách nhiệm trong
việc giáo dục ý chí, khát vọng cho thế hệ trẻ
Chủ thể tiên quyết trong hoạt động giáo dục này là gia đình. Do đó, cần
nâng cao nhận thức cho từng thành viên, đặc biệt là các bậc phụ huynh (ông bà,
cha mẹ) về vai trò và trách nhiệm trong việc giáo dục ý chí, khát vọng cho con
trẻ. Khắc phục tình trạng thờ ơ hoặc coi nhẹ vấn đề này trong giáo dục ở một số
gia đình hiện nay. Vì vậy, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để các gia đình
hiểu rõ trách nhiệm, với tư cách là “tế bào” của xã hội, gia đình cần coi việc
giáo dục lòng yêu nước và ý chí, khát vọng phát triển đất nước là một chuẩn
mực, một giá trị cơ bản trong hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay, từ đó áp
dụng nội dung và phương pháp giáo dục một cách linh hoạt để đem lại hiệu
quả.
Thứ hai, xác định nội dung cụ thể trong hoạt động giáo dục ý chí, khát vọng
cho thế hệ trẻ của mỗi gia đình
Muốn phát huy được vai trò của các gia đình trong việc giáo dục ý chí, khát
vọng cho thế hệ trẻ, trước hết cần xác định rõ nội dung cần giáo dục. Đó là
truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội; “giáo dục thế hệ
trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước,
tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh
thần trách nhiệm với đất nước, với xã hội”(10). Như vậy, có thể xác
định, giáo dục ý chí, khát vọng cho thế hệ trẻ trong gia đình hiện nay là giáo
dục những nội dung cơ bản sau:
Giáo dục đức tính trung thực, tình nghĩa và lối sống có trách nhiệm. Nền
giáo dục trong xã hội hiện đại, đặc biệt là giáo dục ý chí, khát vọng vươn lên
của thế hệ trẻ đòi hỏi gia đình không chỉ giáo dục những chuẩn mực đạo đức, lối
sống trong các mối quan hệ ứng xử hằng ngày mà cần “Xây dựng con người Việt Nam
phát triển toàn diện..., có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình,
xã hội và Tổ quốc”(11). Do đó, cần giáo dục thế hệ trẻ đức tính
trung thực, tình nghĩa và lối sống có trách nhiệm (với bản thân, gia đình và
cộng đồng xã hội); tuân thủ chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của
Nhà nước; bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Giáo dục tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, lao động. Xã
hội hiện nay cần những con người tích cực, chủ động, sáng tạo trong cuộc sống,
trong học tập, lao động và công tác để phát huy được mọi tiềm năng thế mạnh của
bản thân và thích ứng hiệu quả với môi trường xã hội nhiều biến động. Đặc biệt,
để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân
lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
và hội nhập quốc tế”(12) mà Đảng ta đặt ra thì đòi hỏi hoạt
động giáo dục gia đình cần theo hướng khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng
tạo của thế hệ trẻ trong cuộc sống. Có như vậy mới “Tạo động lực cho thanh niên
xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ
các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(13).
Giáo dục lý tưởng sống có ước mơ, hoài bão, có ý chí vươn lên và khát vọng
cống hiến. Ước mơ, hoài bão là những nhu cầu và biểu hiện tự nhiên ở mỗi con
người. Tuy nhiên, để những ước mơ, hoài bão đó được nuôi dưỡng, được chắp cánh,
trở thành khát vọng và ý chí quyết tâm thực hiện khát vọng đó thì cần có sự
khơi dậy, khích lệ, đặc biệt là sự giáo dục mang tính định hướng đúng đắn của
gia đình để những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực, không chỉ vì lợi ích
cá nhân, mà còn đem lại những giá trị tích cực cho đất nước.
Giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc: Giáo dục lòng yêu nước và
niềm tự hào dân tộc không phải là những nội dung mang tính to tát, xa vời, khó
thực hiện, mà cha mẹ có thể kể những câu chuyện về lịch sử dân tộc, những thắng
lợi hào hùng, những hy sinh mất mát của ông cha ta trong các trận chiến chống
giặc ngoại xâm, đó là những câu chuyện về các anh hùng dân tộc, những khó khăn
và những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hay
gần gũi hơn nữa là những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, quê
hương..., tất cả điều đó đều góp phần hình thành, nuôi dưỡng lòng yêu nước và
niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Thứ ba, xác định phương pháp giáo dục phù hợp với hoạt động giáo dục ý chí,
khát vọng cho thế hệ trẻ trong gia đình
Để phát huy hiệu quả vai trò của gia đình trong giáo dục ý chí, khát vọng
cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay cần chú trọng một số phương pháp sau:
Phương pháp nêu gương. Trong hoạt động giáo dục nói chung, đặc biệt là giáo
dục gia đình nói riêng thì nêu gương là phương pháp thực sự hiệu quả. Chính vì
vậy, khi giáo dục ý chí, khát vọng cho thế hệ trẻ trong gia đình, bản thân
người lớn - ông bà, cha mẹ cần là tấm gương sáng, là người truyền lửa cho con
cháu trong cuộc sống - với nhân cách đạo đức tốt; lối sống có trách nhiệm, luôn
chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; tích cực, chủ động và có ý chí
vươn lên trong học tập, lao động, đem lại đời sống gia đình no ấm, tiến bộ,
hạnh phúc, văn minh; nhiệt tình tham gia các hoạt động vì cộng đồng, đóng góp
tích cực cho sự phát triển của địa phương, khát vọng cống hiến nhiều hơn nữa
cho xã hội... Những hành động cụ thể đó của người lớn trong gia đình sẽ là bài
học sinh động và thuyết phục tác động hiệu quả đến việc hình nhân cách, ý chí
và khát vọng vươn lên, khát vọng cống hiến của con trẻ.
Phương pháp tổ chức hoạt động rèn luyện thói quen. Đây là phương pháp quyết
định đến việc hình thành nhân cách con người. Bởi nhân cách không thể chỉ hình
thành dựa trên những lời dạy, những hình ảnh mang tính nêu gương, mà trực tiếp
nhất, phải dựa trên những hành vi cụ thể, dần dần trở thành thói quen của con
người. Do đó, trong giáo dục ý chí và khát vọng cho trẻ thì cha mẹ cần tổ chức
nhiều hoạt động khác nhau như: hoạt động học tập, hoạt động lao động, hoạt động
thiện nguyện, hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động sáng tạo khám phá thế
giới, hoạt động tìm hiểu lịch sử - văn hóa dân tộc..., để con được trực tiếp
tham gia. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để con có điều kiện thực hiện,
rèn luyện những thói quen tốt ngay từ nhỏ, góp phần hình thành nhân cách, lối
sống vì cộng đồng và khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến.
Phương pháp khen thưởng, trách phạt. Khen thưởng là cách khích lệ bằng vật
chất hoặc tinh thần khi trẻ có những hành động, việc làm tốt; là hình thức cha
mẹ biểu thị sự đồng tình, sự tán dương những thành tích đạt được của con nhằm
động viên, khuyến khích con tiếp tục thực hiện những hành vi, cử chỉ đẹp của
mình. Khoa học tâm lý giáo dục cho thấy, khen thưởng là một phương pháp giáo
dục hiệu quả đối với thế hệ trẻ, vì trẻ em nào cũng muốn được cha mẹ biểu
dương, khen thưởng khi làm được việc tốt hoặc khi có tiến bộ. Do vậy, để giáo
dục trẻ có ý chí và khát vọng vươn lên trong cuộc sống, nuôi dưỡng khát vọng
cống hiến, khát vọng phát triển đất nước thì cha mẹ cần có sự khen thưởng, động
viên, khích lệ khi con có những hành động thể hiện sự nỗ lực cố gắng vươn lên
trong cuộc sống, có những hành động cụ thể (dù nhỏ bé) thể hiện ước mơ, hoài
bão và khát vọng chinh phục thế giới, khát vọng đóng góp cho cộng đồng...
Bên cạnh đó, cha mẹ cần sử dụng phương pháp trách phạt (như nhận xét nghiêm
khắc về điều sai trái, phê bình, khiển trách...) nhằm giúp trẻ thấy cái đúng,
cái sai; cái tốt, cái xấu, cái nên làm và không nên làm. Đồng thời, định hướng
cho con những chuẩn mực, giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình và ngoài xã
hội, những giá trị về tình yêu và niềm tự hào dân tộc.
Thứ tư, phát huy vai trò của các chủ thể cùng gia đình trong việc giáo dục
ý chí, khát vọng cho thế hệ trẻ
Giáo dục con người, đặc biệt là thế hệ trẻ là nhiệm vụ lâu dài, khó
khăn và phức tạp, đòi hỏi sự tham gia, đóng góp của nhiều chủ thể và nhiều
nguồn lực. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng môi trường văn hóa
một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư... Phát huy vai trò
của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con
người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý...”(14).
Như vậy, có thể thấy rằng, liên quan đến giáo dục con người có ba chủ thể
chính, đó là: gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi chủ thể có vị trí, vai trò,
nội dung, cách thức giáo dục khác nhau và giữa các chủ thể này có sự liên hệ,
tác động qua lại với nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình giáo dục con người phát
triển toàn diện. Chính vì vậy, để phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục
ý chí, khát vọng phát triển cho thế hệ trẻ một cách hiệu quả, đòi hỏi gia đình
cần có mối liên hệ mật thiết với nhà trường và cộng đồng xã hội.
Ngoài môi trường gia đình, trẻ còn sống trong môi trường nhà trường và cộng
đồng. Do đó, giáo dục gia đình sẽ không phát huy hiệu quả nếu ở trường học, các
thầy cô chỉ quan tâm dạy chữ mà không chú ý tới dạy cách làm người, dạy cách trở
thành một công dân gương mẫu, công dân có trách nhiệm với xã hội. Đồng thời,
cần phát huy vai trò của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội trong
việc tuyên truyền, động viên, giáo dục thế hệ trẻ. Gắn kết và phát huy mạnh mẽ
vai trò của các chủ thể giáo dục là một giải pháp không thể thiếu góp phần phát
huy hiệu quả vai trò của gia đình trong việc giáo dục ý chí và khát vọng vươn
lên phát triển đất nước của thể hệ trẻ Việt Nam hiện nay.
Nguồn: TS TRẦN THỊ THÚY CHINH
Học viện Chính trị khu vực I