Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2024

SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG LÀ NHÂN TỐ HÀNG ĐẦU QUYẾT ĐỊNH MỌI THẮNG LỢI

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (Nghị quyết số 35), công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã thật sự đi vào cuộc sống, tạo nên những dấu ấn nổi bật. Có được những kết quả đó là do có sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định những thành công trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Những dấu ấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngay từ khi ra đời, xuất phát từ yêu cầu khách quan, trong điều kiện hoạt động giữa vòng vây của kẻ thù, với sự chống phá quyết liệt của nhiều thế lực phản cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ Đảng, bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng và bảo vệ nhân dân, đồng thời kiên quyết đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã ra nhiều Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, tinh thần và bản lĩnh của Đảng trong việc lãnh đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng được thể hiện đậm nét nhất trong Nghị quyết số 35. Nghị quyết đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết 35 đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra sự thay đổi căn bản, toàn diện cả trong nhận thức, ý thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Về mặt tổ chức, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo 35 đã được thành lập từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện theo một cơ cấu tổ chức thống nhất, trong đó, lực lượng Tuyên giáo, Công an, Quân đội làm nòng cốt. Một số cơ quan, đơn vị đã thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 hoặc bố trí lực lượng chuyên trách thực hiện Nghị quyết số 35 để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo 35 các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan đơn vị, bộ, ngành đã thành lập đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, lực lượng xung kích lấy nòng cốt là đoàn viên, thanh niên, hình thành được mạng lưới rộng khắp. Ở góc độ này, có thể khẳng định hiếm có nghị quyết nào có sức lan tỏa rộng và huy động được lực lượng đông đảo tham gia như Nghị quyết số 35.
Về mặt nội dung, với sự chỉ đạo của Trung ương, nội dung công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai rộng rãi trên nhiều mặt. Bên cạnh việc tuyên truyền, lan tỏa những giá trị bền vững, cốt lõi của của nghĩa Mác - Lênin, tưởng Hồ Chí Minh, việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, truyền thống văn hóa, lịch sử, những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của công cuộc đổi mới cũng được đẩy mạnh.
Đặc biệt, cùng với mảng tuyên truyền, lan tỏa, những nội dung về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các lĩnh vực cũng được chú trọng, tạo nên sự hài hòa giữa “xây” và “chống”. Điều đó góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, “sức đề kháng” của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, nhất là trong những thời điểm đất nước có nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng các cấp, Hội nghị Trung ương, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp cũng như trong những thời điểm khó khăn, nhạy cảm như thiên tai, dịch bệnh COVID-19… Cũng nhờ đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, lượng thông tin xấu độc được kiểm soát đáng kể so với trước đây; dòng thông tin chủ lưu, tích cực chiếm ưu thế và có vai trò tốt trong định hướng dư luận xã hội.
Về mặt hình thức, có thể thấy rõ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, Ban chỉ đạo 35 các cấp, nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả. Những hình thức truyền thống như đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật tiếp tục được duy trì với cường độ cao hơn thông qua việc triển khai nhiều đề tài khoa học các cấp, nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học với chủ đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Ngoài ra, những hình thức tuyên truyền, giáo dục qua các kênh truyền thông, mạng xã hội cũng rất được chú trọng.
Các hoạt động tuyên truyền trên sách, báo, tạp chí tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều tạp chí khoa học xây dựng chuyên mục phù hợp, chuyên sâu để đăng tải những bài viết có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, trong đó tiêu biểu là: Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý luận chính trị, Tạp chí Tuyên giáo, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân... Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân... đẩy mạnh việc xuất bản, phát hành các ấn phẩm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tính trong giai đoạn 2019-2023, cả nước có hơn 300 đầu sách tham khảo, chuyên khảo có nội dung liên quan đến Nghị quyết số 35, trong đó có nhiều cuốn sách có nội dung đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, thù địch. Các Đài Truyền hình quốc gia và địa phương đã xây dựng các chương trình chính luận về có nội dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) với chương trình “Đối diện”, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với chương trình “Nhìn thẳng, nói thật”…
Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị cũng có những hình thức, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch như biên soạn, xuất bản các cuốn Sổ tay hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như: “Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, “Sổ tay hỏi đáp Sinh viên với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”, “Sổ tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng”… Sau khi phát hành, các cuốn sổ tay đã trở thành cẩm nang thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, phương pháp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 35.
Một số đơn vị tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Nghị quyết số 35, huy động động đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia xây dựng các tác phẩm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điển hình là Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với một số cơ quan Trung ương tổ chức. Năm 2021, Cuộc thi thu được hơn 8.000 tác phẩm; năm 2022, thu được hơn 110 nghìn tác phẩm; năm 2023, thu được hơn 301 nghìn tác phẩm.
Tổ chức đoàn các cấp cũng tích cực tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đoàn viên, thanh niên; điển hình là Cuộc thi “Ánh sáng soi đường” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hằng năm. Các cuộc thi là hình thức sáng tạo, thiết thực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta giai đoạn hiện nay.
Có thể thấy rõ, trong hơn 5 năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp từ Trung ương đến các ban, bộ, ngành, địa phương và tạo ra những dấu ấn nổi bật trong toàn xã hội. Có được những kết quả đó là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, đúng như Đại hội XIII nhận định: “Việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là trên không gian mạng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả rõ rệt”
“Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Ðó là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó các cơ quan báo chí tuyên truyền các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu”. (Trích Nghị quyết số 35-NQ/TW)
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Một là, trong bất kỳ điều kiện, tình huống nào cũng phải luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đảng ta đã khẳng định: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, là “kim chỉ nam” cho mọi hành động. Hiện nay, trước sự chống phá ngày càng tinh vi của các thế lực thù địch và trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, tự chuyển hóa”, sự kiên định này càng trở nên quan trọng hơn lúc nào hết. Sự kiên định là một trong những vấn đề có tính nguyên tắc quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng như Đảng ta đã nhấn mạnh: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 35, Đảng ta chỉ rõ: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, trước hết là cấp ủy đảng, người đứng đầu. Thực tiễn cho thấy, ở nơi nào có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng và người đứng đầu, nơi đó, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai nhanh chóng, hiệu quả và có sức lan tỏa rộng khắp đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ những kết quả đạt được cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định kết quả của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả của nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Ba là, phải kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, lâu dài, “chống” phải kiên quyết, quyết liệt.
Như tinh thần của Nghị quyết số 35 đã nêu rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng gắn liền với đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là hai mặt của một nhiệm vụ, có mối quan hệ biện chứng với nhau bởi lẽ muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phải đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có mưu đồ chống phá và ngược lại, muốn đấu tranh phản bác, phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thật vững vàng. Từ thực tiễn thời gian qua cho thấy, “bảo vệ” và “đấu tranh” phải được xác định rõ là hai nhiệm vụ luôn song hành với nhau, có tác dụng tương hỗ cho nhau.
Bốn là, phải kết hợp nhiều nội dung và hình thức phong phú, sáng tạo, hiệu quả.
Trong giai đoạn hiện nay, vì tính chất của nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng khó khăn, phức tạp nên cùng một lúc phải kết hợp nhiều nội dung và hình thức phong phú, vừa tận dụng những lợi thế của các nội dung, hình thức truyền thống sẵn có đồng thời cập nhật những nội dung mới, phát huy những thế mạnh của các hình thức truyền thông hiện đại. Thông qua đó, Đảng cũng từng bước thay đổi cách thức lãnh đạo, chỉ đạo cho phù hợp với yêu cầu mới như số hóa các nội dung tuyên truyền, giáo dục; hiện đại hóa các hình thức tuyên truyền trên internet và mạng xã hội. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc đổi mới này đã bước đầu đáp ứng tốt những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn và mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thời gian qua.
Năm là, phải huy động nhiều lực lượng tham gia để tạo thành mạng lưới rộng khắp.
Như Đảng ta đã xác định rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, thời gian qua, cấp ủy đảng các cấp, trực tiếp là Ban Chỉ đạo 35 từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện đã lãnh đạo các cơ quan đơn vị tập hợp lực lượng, phát huy được vai trò của không chỉ lực lượng nòng cốt như tuyên giáo, công an, quân đội mà còn phát huy được vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, lực lượng thanh niên xung kích. Nhờ đó, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được triển khai rộng khắp trên cả mặt trận tư tưởng, lý luận, văn học nghệ thuật và trên internet, mạng xã hội. Đặc biệt, một số cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn huy động được sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam. Đó chính là một trong những kinh nghiệm quý báu cần được tiếp tục phát huy để huy động được sự tham gia đông đảo hơn nữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Có thể khẳng định, trong 94 năm qua, cùng với việc lãnh đạo đất nước đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện thành công công cuộc đổi mới, Đảng cũng đã lãnh đạo thành công công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Điều đó góp phần quan trọng vào việc củng cố sức mạnh của Đảng và hệ thống chính trị, tạo môi trường hòa bình, ổn định về phát triển đất nước.
Trong những năm tiếp theo, tình hình quốc tế, khu vực tuy có còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng với những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tiếp tục đạt được nhiều dấu ấn mới quan trọng. Điều đó tiếp tục khẳng định một vấn đề mang tính chân lý: Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi./.
ST.

KHÔNG THỂ NÚP BÓNG ĐẤU TRANH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO ĐỂ KÍCH ĐỘNG BẠO LỰC, GÂY BẤT ỔN XÃ HỘI

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức lợi dụng truyền thông xã hội để tung ra các thông tin xấu độc, xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động bạo lực dưới danh nghĩa đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo hòng tuyên truyền, chống phá công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Cách thức thực hiện ý đồ chống phá
Thứ nhất, thủ đoạn dễ dàng nhận thấy nhất là việc các thế lực thù địch, phản động tìm cách chiếm lĩnh truyền thông và dẫn dắt dư luận xã hội bằng cách lập các trang, nhóm trên mạng xã hội mang tên các sự kiện, các khuyến cáo, kiến nghị, thư ngỏ… để đăng tải các thông tin, luận điệu xuyên tạc về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Các thông tin, luận điệu xuyên tạc này là hoàn toàn vu khống, bịa đặt, không đúng sự thật.
Điều đáng lưu ý, các thông tin bịa đặt thường là giả một phần, giả toàn bộ hoặc thêm bớt chi tiết vào các thông tin có thật. Thủ đoạn này rất nguy hiểm bởi nội dung bịa đặt thường mang tính kích động mạnh, từ đó tạo ra một mê cung mà người đọc khó có thể phân biệt được thật - giả, đúng - sai. Các thế lực thù địch, phản động cũng thường lựa chọn những thời điểm nhạy cảm để tăng hiệu ứng tác động tâm lý của dư luận.
Lợi dụng động thái của các nước lớn và các nước trong khu vực liên quan đến vấn đề Biển Đông; lợi dụng tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển diễn biến phức tạp; lợi dụng thời điểm diễn ra các vụ việc gây bức xúc trong nhân dân…, các thế lực thù địch, phản động đăng tải các thông tin tuyên truyền, chống phá như: “Việt Nam thiếu nhất quán trong đường lối bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ” (?!); “Không nên hô hoán chống diễn biến hòa bình nếu muốn tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây, lực lượng duy nhất có thể giúp Việt Nam bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo”. “Không thể tay ga, tay thắng, vừa giương cao ngọn cờ lòng tin chiến lược, vừa hô hoán chống diễn biến hòa bình".
Hay ngay tại thời điểm diễn ra một vụ việc cụ thể, lợi dụng sự cố ô nhiễm môi trường biển ở Hà Tĩnh do công ty Formosa gây ra vào năm 2016, các thế lực thù địch, phản động đăng tải thông tin bịa đặt cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam vì lợi ích cá nhân nên không xử lý nghiêm minh sự cố này với tiêu đề giật tít “Ai đã ăn hối lộ của Formosa để tàn phá Đất nước?”.
Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động sử dụng chiêu thức trả tiền cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, như: Facebook, Youtube… để quảng bá thông tin.
Bằng cách này, khi mua quảng cáo, các bài viết kích động, kêu gọi, gây rối dưới danh nghĩa đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam sẽ được ưu tiên phát tán đến mục tiêu do người mua quảng cáo lựa chọn.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã sử dụng tính năng này để thực hiện chiến dịch truyền thông nhằm quảng bá trang, nhóm, bài viết, website của mình, đặc biệt là trong thời điểm thực hiện các vụ việc, hành vi gây rối, chống phá. Với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ, quy mô, mức độ phát tán của những thông tin xấu, độc này càng được lan tỏa đến nhiều người với tần suất dày đặc hơn. Nếu không tiếp nhận thông tin một cách chọn lọc, bất kể ai trong chúng ta cũng có thể bị “cuốn theo” luồng thông tin đó.
Thứ ba, các thế lực thù địch, phản động “đặt hàng” các KOLs (Key Opinion Leaders) - tạm hiểu là những người có lượng theo dõi rất lớn trên mạng xã hội, để truyền bá, phát tán các thông tin theo ý đồ của họ.
Một số KOLs được nuôi dưỡng, cấp phát từ các tổ chức thù địch bên ngoài, thậm chí được hỗ trợ từ chính những cán bộ suy thoái, cơ hội chính trị, động cơ cá nhân để tạo sóng dư luận. Các đối tượng thường phát tán các thông tin, hình ảnh giả mạo, sai lệch, biến không thành có, thật giả lẫn lộn, gây hoài nghi trong dư luận xã hội, tác động đến tâm lý, tư tưởng, tình cảm của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, thậm chí có thể gây ra tình trạng nghi ngờ lẫn nhau, làm mất đoàn kết nội bộ, mất lòng tin đối với những người thiếu bản lĩnh. Bằng cách này, những thông tin xuyên tạc, chống phá về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam sẽ được lan truyền rất nhanh chóng và thu hút sự tin tưởng của nhiều người vào nguồn thông tin đó bởi niềm tin của cộng đồng mạng dành cho các KOLs là rất lớn. Chiêu trò này không mới nhưng xét về khía cạnh tâm lý thì đây vẫn là một phương pháp hiệu quả bởi nó đánh thẳng vào sự tò mò, niềm tin của độc giả.
Thứ tư, nguy hiểm hơn cả, từ việc đăng tải các thông tin tuyên truyền, chống phá quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam liên quan đến công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động tiến hành lôi kéo, kích động nhân dân, ra lời kêu gọi tổng biểu tình nhằm gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, các thế lực thù địch, phản động sẽ nêu rõ thời gian, địa điểm, lộ trình kèm theo các mẫu truyền đơn, khẩu hiệu, băng rôn; đồng thời phát tán các tài liệu, cẩm nang, hướng dẫn người tham gia biểu tình đối phó với lực lượng giữ gìn an ninh trật tự. Khi xảy ra biểu tình, các đối tượng có vai trò tổ chức sẽ đứng ra hô hào, kích động, quay phim, chụp ảnh, “livestream” để tường thuật biểu tình lên mạng xã hội, từ đó lôi kéo thêm nhiều người tham gia. Trong đó, các khẩu hiệu, lời kêu gọi dưới danh nghĩa đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam đều mang tính xuyên tạc, bóp méo bản chất sự việc, thổi phồng về nguy cơ, đẩy cao sự phẫn nộ hoặc khơi gợi về những quyền lợi mà người dân có thể bị xâm hại.
Điển hình vào năm 2014, Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Lấy cớ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các thế lực thù địch đã tìm mọi thủ đoạn để lôi kéo những người thiếu tỉnh táo, tụ tập đông người, thậm chí còn manh động, phá hoại, đốt phá nhà máy, cơ sở sản xuất. Năm 2016, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở Hà Tĩnh do công ty Formosa gây ra trở thành mồi lửa để những kẻ “đội lốt yêu nước” viện cớ thổi bùng lên làn sóng biểu tình, bạo loạn. Dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, trong khi việc cần làm là phải đoàn kết, chung tay khắc phục sự cố, người dân lại bị kích động, lôi kéo, tụ tập gây rối.
Thời gian, địa điểm và lý do có thể khác nhau nhưng kẻ đứng đằng sau những vụ gây rối đều có chung thủ đoạn là nhen nhóm lên những đốm lửa phá hoại và gieo rắc tâm trạng bất mãn cho người dân. Đến thời điểm thích hợp, chúng sẽ tổ chức kích động, tiến hành bạo loạn. Sự kích động có chủ ý trên không gian ảo đã biến thành những hậu quả ngoài đời thật.
Tại sao những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam vẫn được lan truyền một cách mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông xã hội?
Trên thực tế, bất kể một thế lực thù địch, phản độngnào chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đều là lực lượng được đào tạo, có chuyên môn, hiểu biết, kỹ năng nắm vững tâm lý đám đôngvà có sự quản lý của một tổ chức nhất định. Họ có sự nghiên cứu kỹ lưỡng tâm lý của các “cư dân mạng xã hội”. Họ tạo ra được tác động tiêu cực, bất ổn xã hội một cách chi tiết, rõ ràng. Họ biết đưa ra các thông tin có nội dung liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam đầy tính tò mò, hấp dẫn để chia sẻ, mở đường cho những người khác cũng có thể tham gia vào câu chuyện đó. Đây là một phương thức truyền thông thông dụng và hiệu quả hiện nay.
Nguy hiểm hơn, những kẻ tung ra các thông tin bịa đặt, chống phá công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam lại còn được hưởng những khoản tiền từ việc chia sẻ nguồn thông tin đấy. Đây được xemlà chất xúc tác cho nhữngthông tin xuyên tạc, bịa đặt về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam được đẩy mạnh với tần suất dày đặc hơn. Trong khi đó, trước hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ của các luồng thông tin xấu, độc này, việcmột bộ phận người dân, cán bộ, đảng viên bị tác động, lôi kéo là điều rất dễ xảy ra.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã bắt tay vào xử lý những sai phạm trên các nền tảng truyền thông xã hội liên quan đến hoạt động tuyên truyền, chống phá công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Bên cạnh việc chỉ rõ, vạch mặt những kẻ đứng sau chiêu trò này, các cơ quan chức năng đã có thái độ cứng rắn và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những kẻ dung túng cho những hành vi, hình ảnh bạo lực, kích động, xuyên tạc và phản văn hóa trên các hạ tầng của truyền thông xã hội. Việc nhận diện và xử lý cương quyết của các cơ quan chức năng Việt Nam không chỉ nhằm loại bỏ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam mà còn góp phần làm trong sạch môi trường truyền thông xã hội./.
ST.





CÙNG ĐỌC VÀ SUY NGẪM: NHÌN THẲNG - NÓI THẬT: "ĐỪNG LÀM ĐẢO LỘN ĐỨC “NGÔN”"!

     Xưa nay, khi nói đến phụ nữ, người ta thường gắn liền với hai từ “phái đẹp”. "Phái đẹp” không chỉ là tình cảm ưu ái của cộng đồng dành tặng cho “một nửa bầu trời của nhân loại”, mà hơn thế, muốn trao gửi niềm tin về một giá trị thẩm mỹ cho phụ nữ, đó là cái đẹp!

Hàm ý tôn vinh phụ nữ là “phái đẹp” nghĩa là kỳ vọng, mong muốn chị em không những đẹp ở hình thức bên ngoài được toát ra từ hàm răng, mái tóc, khuôn mặt, nét mũi, dáng đi, điệu đứng, mà cái đẹp của giới nữ còn thể hiện ở từng lời ăn tiếng nói trong giao tiếp, ứng xử.

Trong xã hội phong kiến trước đây, vẻ đẹp của người phụ nữ được khuôn theo tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”. Bỏ qua những yếu tố không hợp lý về “tam tòng tứ đức” thời xưa dễ làm cho người phụ nữ bị “giam cầm” tù túng trong gia đình để yên phận với thiên chức làm mẹ, làm dâu, thậm chí bị coi là “cái đuôi nối dài” của đàn ông, không có địa vị pháp lý bình đẳng giới trong xã hội, thì những nội dung căn bản của “tứ đức” vẫn còn giá trị trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Dù xã hội có văn minh đến đâu thì người phụ nữ bao giờ cũng ao ước bản thân có việc làm ổn định (công), có dung nhan tươi tắn, hoàn hảo (dung), biết giao tiếp thanh lịch, nhã nhặn (ngôn) và có tính nết đoan trang, hiền thảo (hạnh).

Xã hội càng phát triển, phụ nữ càng có cơ hội để tự giải phóng mình khỏi những ràng buộc, kìm nén từ những “vòng kim cô” của quan niệm cổ hủ ngày xưa. Xã hội thời nay đã cởi mở hơn xưa rất nhiều, do vậy, nữ giới cũng đang được trao quyền và hưởng thụ hầu hết các lợi ích chính đáng như nam giới. Nhưng hiện nay, bất cứ ai nặng lòng với thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng có lúc không khỏi “giật mình” bởi giá trị cao quý của “tứ đức” đã ít nhiều bị mai một trong tâm hồn, suy nghĩ của không ít chị em.

Trong khi một số thiếu nữ trò chuyện với nhau bằng những từ ngữ thiếu chuẩn mực cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội, đại loại như: “Ông bô” (bố) nhà tao “hắc xì dầu” (khó tính) lắm”, “Tháng này mày được “ông bà khốt” (bố mẹ) bắn mấy “băng đạn” (cho mấy trăm nghìn đồng)... Một số “người của công chúng” cũng có những phát ngôn phản cảm. Cách đây chưa lâu, một tân hoa hậu gặp “vạ miệng” khi nói năng nông nổi. Mấy ngày qua, dư luận lại thêm “phát hoảng” về một á hậu từng đưa ra lời lẽ cổ xúy lối sống thiếu lành mạnh cho giới trẻ và nay lại cho rằng: “Nếu phụ nữ Việt Nam tăng tiêu chuẩn chọn chồng thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển hơn”(!)

Muốn nhận định, đánh giá về người phụ nữ nào đó, người xưa đã đúc kết: “Vàng thì thử lửa thử than/ Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”. “Thử lời” ở đây là thử tài nói năng, ứng xử, đối đáp (ngôn) của phụ nữ. Chữ “ngôn” của phụ nữ thời nay không đòi hỏi phải quá khắt khe, câu nệ theo kiểu “bảo gì nghe nấy”, nhưng với chị em, nhất là những “người của công chúng” càng cần nói năng, phát ngôn lịch thiệp, đoan trang.

Chuẩn mực trong ngôn từ giao tiếp là điều tất cả mọi người cần thường xuyên học hỏi, rèn luyện, nhưng đối với phụ nữ, chuẩn mực nói năng phải thể hiện đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh giao tiếp. Mọi sự quá đà, lai căng, xô bồ tràn vào lời ăn tiếng nói của người phụ nữ không những làm giảm hình ảnh, danh dự, uy tín, nhân phẩm của chính họ mà còn làm vẩn đục môi trường văn hóa ứng xử trong xã hội, cộng đồng và gia đình./.
Yêu nước ST.

CÙNG ĐỌC VÀ SUY NGẪM: "OAI"... QUYỀN VÀ UY QUYỀN!

         Cùng được trao quyền lực giống nhau, nhưng có người giúp tổ chức đi lên, ngày càng phát triển, người lại khiến chính tổ chức ấy xuống dốc suy vong, có lẽ cũng bởi cách dùng quyền, là “oai”… quyền hay uy quyền!

“Oai”… quyền bởi dùng quyền quá cương. Việc gì cũng căng như dây đàn, thích lạm quyền, diễu võ giương oai, đe nẹt, áp chế, cưỡng bức sự phục tùng. Cấp dưới thực tâm không phục, e ngại cái “ghế” của người ngồi, chứ không phải người ngồi trên cái ghế đó. Cấp dưới càng bất tuân, phản kháng thì càng dùng quyền một cách cay độc. Dùng quyền quá cương như vậy, “chẳng chóng thì chày” cũng đổ vỡ.

“Oai”… quyền do dùng quyền nhu nhược. Tổ chức trao quyền để người lãnh đạo “danh chính ngôn thuận” điều hành các thành viên của tổ chức phải phục tùng theo ý chí của mình vì nhiệm vụ, lợi ích chung. Nhưng do dùng quyền xuề xòa, thiếu quyết đoán, không biết phát huy quyền lực, bỏ qua các nguyên tắc và thứ bậc công vụ, nên quyền bị khinh nhờn.

Hoặc bởi, trên đã trót thiếu ngay ngắn, không nghiêm chỉnh làm gương, nên dưới thành ra “cá mè một lứa”, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”.

Dùng quyền mà “yếu bóng vía” hay không chính đạo như vậy, thì quyền có cũng như không, chiếc áo quyền lực có rộng thông thênh đến đâu cũng vẫn thừa… “oai”, mà thiếu… “uy”!

Quyền có uy khi người lãnh đạo quyền biến, cương - nhu, quyết đoán - mềm dẻo hài hòa, khôn ngoan. Uy quyền có được là do có tầm, do trui rèn, do khí chất thiên bẩm của người lãnh đạo, nhưng trên cả là do có tâm, tấm lòng trong sáng, thấu hiểu lòng người. Khi cầm quyền có thực đức, thực tài, công bằng, quang minh chính đại, muôn việc đều vì lợi ích chung, thì khi đó, tự quyền lực có sức hút thu phục lòng người, nhân tâm đồng thuận, một lời nói ra sức mạnh uy phong, tả phù hữu bật, muôn người hưởng ứng, cùng lo toan công việc lớn.

Để giữ uy quyền bền lâu, thì người cầm quyền phải giữ được đạo. Uy quyền, cốt ở sự thanh khiết! Đồng thời, quyền lực phải được kiểm soát bằng chính quyền lực. Kiểm soát là chế ngự quyền lực để vừa giải phóng quyền lực, vừa cương tỏa quyền lực. Bản thân việc “mở”, giải phóng quyền lực để quyền lực được thực thi đúng đắn, chính là một hình thức kiểm soát quyền lực tốt nhất. Ngược lại, khi quyền lực như con ngựa bất kham thì lại cần cương tỏa để quyền lực đi chính đạo, phòng, tránh sự ngoắt nghéo, biến dạng và tha hóa./.
Yêu nước ST.

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2024

THÔNG TIN TUYỂN SINH QUÂN SỰ NĂM 2024

 

Thêm phương thức tuyển sinh quân đội năm 2024

Năm 2024, ngoài hai phương thức xét tuyển đã thực hiện năm 2023 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường quân đội có thêm hai phương thức xét tuyển mới.

Ngày 31/1, Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) thông tin chính thức quy định về tuyển sinh quân đội năm 2024.

Theo ban tuyển sinh quân sự, thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng (thanh niên ngoài quân đội sơ tuyển tại Ban tuyển sinh quân sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, quân nhân tại ngũ sơ tuyển tại Ban tuyển sinh quân sự cấp trung đoàn và tương đương).

Thí sinh chỉ được làm hồ sơ sơ tuyển vào một trường quân đội. Trong thời gian đăng ký xét tuyển, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sang các trường quân đội khác, không phải chuyển hồ sơ sơ tuyển sang trường đăng ký xét tuyển.

Năm 2024, ngoài hai phương thức xét tuyển đã thực hiện năm 2023 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường quân đội có thêm hai phương thức xét tuyển mới.

Thứ nhất: Xét tuyển dựa vào học bạ THPT không quá 10% chỉ tiêu cho các đối tượng đã tốt nghiệp THPT có điểm tổng kết chung từng năm học THPT đạt từ 7,0 trở lên và điểm tổng kết các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường từng năm học đạt từ 7,5 điểm trở lên.

Riêng đối với tuyển sinh tại Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Quân y, căn cứ mục tiêu yêu cầu đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, giám đốc học viện báo cáo, đề xuất trưởng Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng về việc sử dụng phương thức này để xét tuyển.

Thứ hai: Xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức không quá 20% chỉ tiêu cho thí sinh. Cụ thể, xét tuyển với thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ 75 điểm trở lên (thang điểm tối đa là 150 điểm), có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM từ 600 điểm trở lên (thang điểm tối đa là 1.200 điểm).

Thí sinh được tham gia xét tuyển tất cả các phương thức tuyển sinh của trường.

Lưu ý với thí sinh xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT năm 2024.

Đối với các trường quân đội, thí sinh đã nộp hồ sơ sơ tuyển, được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo nhóm trường.

Nhóm 1: Gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không - Không quân (hệ chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.

Nhóm 2: Gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự.

Thời gian, phương pháp điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Quốc phòng ban hành năm 2024.

Ban tuyển sinh quân sự cũng lưu ý các học viện, trường trong quân đội chỉ xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự đối với những thí sinh đã qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng; các bài thi, môn thi phù hợp với tổ hợp các môn thi để xét tuyển vào các trường trong quân đội mà thí sinh đăng ký.

Thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển hoặc nhóm trường thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (nguyện vọng 1) theo đúng tổ hợp xét tuyển của trường.

Quy định về điểm tuyển sinh

Các trường thực hiện một điểm chuẩn chung với đối tượng thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài quân đội nhưng sẽ xác định điểm chuẩn riêng theo đối tượng nam - nữ (nếu trường có tuyển thí sinh nữ), theo thí sinh có nơi thường trú đã được đăng ký đúng quy định ở khu vực phía Bắc (tính từ Quảng Bình trở ra) và ở khu vực phía Nam (tính từ Quảng Trị trở vào) hoặc theo từng quân khu.

Thí sinh là quân nhân tại ngũ được xác định điểm tuyển theo nơi đăng ký thường trú.

Đối với các học viện, trường có xét tuyển đồng thời tổ hợp xét tuyển: toán, lý, hóa (tổ hợp A00) và tổ hợp xét tuyển: toán, lý, tiếng Anh (tổ hợp A01): Thực hiện một điểm chuẩn chung cho tổ hợp A00 và tổ hợp A01.

Thí sinh được tính điểm chuẩn theo nơi đăng ký thường trú phía Nam phải có đủ các điều kiện sau: đăng ký thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào. Thời gian đăng ký thường trú từ tỉnh Quảng Trị trở vào (tính đến tháng 9 năm dự tuyển) phải đủ 3 năm liên tục trở lên. Phải học tập năm lớp 12 và dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại các tỉnh phía Nam.

CÙNG ĐỌC VÀ SUY NGẪM: ĐỪNG ĐỂ CON SÂU LÀM RẦU NỒI CANH!

     Vừa cầm tập hồ sơ trên tay, mặt ông Nam phừng phừng, nói như quát: “Cứ bảo cải cách hành chính này nọ, nhưng vẫn hành là chính. Cán bộ, đảng viên mà cứ hành dân, hạch sách, hạnh họe”.
“Có chuyện gì mà ông hậm hực thế?” - ông Bình rót chén trà mời và cất giọng hỏi luôn.

“Tôi đi xin xác nhận hồ sơ. Đi đến 3 lần mà vẫn chưa gặp được ông trưởng phòng để xin chữ ký, lần nào cũng nghe bảo bận họp hành”.

“Ông không “bôi trơn” cho nhanh” - ông Bình vừa cười vừa nói, giọng bí hiểm.

“Ô hay cái ông này. Cán bộ, đảng viên ai lại đi làm cái điều tiêu cực đó! Công chức nhà nước mà “tham nhũng vặt” thế thì chết dân!".

“Tôi thử ông tí thôi. Nhưng đó là thực tế không thể phủ nhận. Không ít cán bộ, đảng viên dù là công chức nhưng gây khó dễ, hành dân để “kiếm chác”, hoặc có chút quyền lực là ra oai, hạch sách. Rõ ràng là Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu, tận tụy với công việc. Nhưng đâu đó vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”.

Điều đáng băn khoăn là những việc tưởng chừng nhỏ vặt ấy nhưng hậu quả thì không nhỏ, như sâu mọt gặm nhấm, đục khoét làm mục ruỗng từ bên trong. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo đội ngũ cán bộ, đảng viên: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền”. 

Tình trạng đó không chỉ làm giảm lòng tin của nhân dân vào bộ máy chính quyền mà còn làm giảm sức chiến đấu, uy tín của Đảng. Đội ngũ đảng viên là lực lượng nòng cốt, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là nhân tố kết nối, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp sức cùng nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng. Do đó, Đảng thường xuyên ban hành những nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó chú trọng xây dựng, rèn luyện đội ngũ đảng viên. Đúng như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII nhấn mạnh: “Đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng”.

Sau khi nghe ông Bình phân tích, ông Nam tấm tắc: “Ông đúng là cựu bí thư có khác, phân tích đâu ra đấy. Đúng là hiện nay có những đảng viên mới chỉ thực hiện vai người lãnh đạo chứ chưa làm tròn vai người đầy tớ của nhân dân. Điều nguy hại là người dân khi gặp một vài cá nhân như vậy thường có thói quen quy chụp, đánh đồng cả tổ chức”.

“Vấn đề nằm ở chỗ đó. Để bắt, bỏ những "con sâu", người dân không chỉ là người phát hiện mà còn là tấm gương soi, phản chiếu, chỉ cho đảng viên, tổ chức đó thấy điểm hạn chế để sửa chữa, thậm chí có ý kiến lên cao hơn nếu không kịp thời khắc phục. Chứ không phải mỗi người dân lại góp tay “bôi trơn”, làm hỏng cán bộ, đảng viên. Bác Hồ đã dạy rồi: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”. Thế nên cả tôi và ông cũng phải có tiếng nói để người thân, gia đình, bạn bè hiểu và chung tay “bắt sâu”, làm sạch “nồi canh”./.
Yêu nước ST.

NHẬP NGŨ “Ừ NHỈ” - VÌ ĐÃ HIỂU RA!

Biết tin Luân viết đơn tình nguyện nhập ngũ, bà con trong khu phố đều vui vẻ chúc Luân hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự, lúc trở về sẽ có thêm nhiều phẩm chất cần thiết để lập thân, lập nghiệp vững chắc hơn.
Thế nhưng, Hùng là bạn cùng xóm, cùng tuổi với Luân thì không ủng hộ:
- Tớ tìm đủ cách để tránh nhập ngũ. Còn cậu vừa thuộc diện được tạm hoãn vừa đang đi làm với thu nhập khá ổn vì có trình độ đại học, thế mà lại viết đơn tình nguyện nhập ngũ! Nói thật là tớ thấy cậu ngu ngơ...
- Tớ thấy đi bộ đội vừa thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc vừa học tập, rèn luyện được nhiều điều tốt cho bản thân nên muốn đi. Mặt khác, tuổi mình đang trẻ khỏe, chưa vợ con gì, công việc thì vừa làm tạm được vài tháng nên tớ xin đi bộ đội luôn để sau này về yên tâm lập thân, lập nghiệp. Nếu chần chừ vài năm nữa, mình hết diện tạm hoãn nghĩa vụ quân sự đúng lúc công việc đang ổn định, phát triển, đặc biệt là đã có vợ con thì việc nhập ngũ sẽ khó khăn cho mình hơn.
- Nhưng bộ đội không phải môi trường tốt như cậu tưởng đâu. Cậu xem này...

Hùng lấy điện thoại mở video clip quay cảnh một chiến sĩ cũ tát hai chiến sĩ mới cho Luân xem.
- Cậu đã thấy chưa? Hai chiến sĩ mới vừa nói hỗn một câu mà đã bị chiến sĩ cũ đánh rồi. Tôi xem các trang mạng xã hội “lề trái” thấy hai video clip kiểu này và nhiều lời bình luận, kêu gọi không nên đi bộ đội, nên tôi sợ...
- Tưởng gì, chứ video clip kiểu này tớ cũng xem rồi. Chú tớ là cán bộ quân đội đã 30 năm bảo rằng, chuyện chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới thì 5-7 năm về trước thi thoảng cũng có, nhưng mà rất ít so với số vụ đánh nhau ở ngoài xã hội bởi bộ đội có tình đồng chí, đồng đội, quân nhân nào cũng trải qua thời chiến sĩ mới nên dễ thông cảm cho nhau. Hơn nữa, nếu chỉ huy đơn vị biết có chuyện mất đoàn kết thì sẽ phê bình, kiểm điểm, xử lý rất nghiêm khắc. Mấy năm nay, chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới càng hiếm xảy ra vì trình độ văn hóa, ứng xử của chiến sĩ được nâng lên, đồng thời cán bộ đơn vị thường xuyên giáo dục, nhắc nhở, sâu sát bám nắm bộ đội. Mấy cái video clip mà cậu xem thường là cảnh cố tình cắt ghép hoặc sưu tập từ lâu của những đối tượng phản động. Chúng liên tục tung lên mạng xã hội nhằm thực hiện mưu đồ chống phá Quân đội ta, xúi giục, kích động những thanh niên nhẹ dạ, kém hiểu biết không thực hiện nghĩa vụ quân sự nhằm làm suy yếu sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Chú tớ bảo “Nếu môi trường Quân đội không tốt thì chú đã không gắn bó cả cuộc đời, chẳng lẽ chú lại xui dại cháu nhập ngũ?". Người thân thiết của mình nói như thế là tớ đủ hiểu mình nên thực hiện nghĩa vụ quân sự, chứ dại gì tin vào những luận điệu của bọn phản động. Có phải không cậu?

Câu hỏi của Luân sau khi kể chuyện người chú đang là bộ đội nói rất thuyết phục, khiến Hùng gật đầu “Ừ nhỉ” vì đã hiểu ra./.
Yêu nước ST.

LỜI BÁC DẠY NGÀY NÀY NĂM XƯA: NGÀY 01 THÁNG 2 NĂM 1942!

BÁC HỒ CĂN DẶN "DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA"!

Ngày 1-2-1942, tờ “Việt Nam Độc lập” số 117 ra ngày 1-2-1942 đăng bài “Nên học sử ta” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó là Nguyễn Ái Quốc). Bài báo mở đầu bằng 2 câu thơ trong Diễn ca “Lịch sử nước ta”: Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.

Trong bài viết, Bác nêu những gương oanh liệt trong bảo vệ Tổ quốc, chống giặc ngoại xâm của dân tộc và nhấn mạnh: Con Rồng cháu Tiên, từ người già, trẻ nhỏ cho đến phụ nữ, đều không bị khuất phục trước thế lực cường quyền, để tiếng thơm muôn đời trong gây dựng đất nước, gìn giữ nòi giống, xây dựng xã hội mạnh giàu.

Những tấm gương sáng như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn 3 lần buộc vó ngựa Nguyên Mông phải dừng bước ở Đại Việt hay Thái úy Lý Thường Kiệt tuy đã ngoài 70 tuổi vẫn đánh đông dẹp bắc, đuổi giặc cứu dân. Phụ nữ thì có Hai Bà Trưng, Bà Triệu nổi dậy khôi phục giang sơn. Những vị anh hùng ấy vì nước, vì dân mà làm nên sự nghiệp, để nước ta được độc lập, tự do.

Cuối bài, Bác kết luận: Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.

(Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 3, tr. 255)./.
Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh xem bia ghi danh các Tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam (29-1-1960).
Môi trường ST.