Xưa nay, khi nói đến phụ nữ, người ta thường gắn liền với hai từ “phái đẹp”. "Phái đẹp” không chỉ là tình cảm ưu ái của cộng đồng dành tặng cho “một nửa bầu trời của nhân loại”, mà hơn thế, muốn trao gửi niềm tin về một giá trị thẩm mỹ cho phụ nữ, đó là cái đẹp!
Hàm ý tôn vinh phụ nữ là “phái đẹp” nghĩa là kỳ vọng, mong muốn chị em không những đẹp ở hình thức bên ngoài được toát ra từ hàm răng, mái tóc, khuôn mặt, nét mũi, dáng đi, điệu đứng, mà cái đẹp của giới nữ còn thể hiện ở từng lời ăn tiếng nói trong giao tiếp, ứng xử.
Trong xã hội phong kiến trước đây, vẻ đẹp của người phụ nữ được khuôn theo tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”. Bỏ qua những yếu tố không hợp lý về “tam tòng tứ đức” thời xưa dễ làm cho người phụ nữ bị “giam cầm” tù túng trong gia đình để yên phận với thiên chức làm mẹ, làm dâu, thậm chí bị coi là “cái đuôi nối dài” của đàn ông, không có địa vị pháp lý bình đẳng giới trong xã hội, thì những nội dung căn bản của “tứ đức” vẫn còn giá trị trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Dù xã hội có văn minh đến đâu thì người phụ nữ bao giờ cũng ao ước bản thân có việc làm ổn định (công), có dung nhan tươi tắn, hoàn hảo (dung), biết giao tiếp thanh lịch, nhã nhặn (ngôn) và có tính nết đoan trang, hiền thảo (hạnh).
Xã hội càng phát triển, phụ nữ càng có cơ hội để tự giải phóng mình khỏi những ràng buộc, kìm nén từ những “vòng kim cô” của quan niệm cổ hủ ngày xưa. Xã hội thời nay đã cởi mở hơn xưa rất nhiều, do vậy, nữ giới cũng đang được trao quyền và hưởng thụ hầu hết các lợi ích chính đáng như nam giới. Nhưng hiện nay, bất cứ ai nặng lòng với thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng có lúc không khỏi “giật mình” bởi giá trị cao quý của “tứ đức” đã ít nhiều bị mai một trong tâm hồn, suy nghĩ của không ít chị em.
Trong khi một số thiếu nữ trò chuyện với nhau bằng những từ ngữ thiếu chuẩn mực cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội, đại loại như: “Ông bô” (bố) nhà tao “hắc xì dầu” (khó tính) lắm”, “Tháng này mày được “ông bà khốt” (bố mẹ) bắn mấy “băng đạn” (cho mấy trăm nghìn đồng)... Một số “người của công chúng” cũng có những phát ngôn phản cảm. Cách đây chưa lâu, một tân hoa hậu gặp “vạ miệng” khi nói năng nông nổi. Mấy ngày qua, dư luận lại thêm “phát hoảng” về một á hậu từng đưa ra lời lẽ cổ xúy lối sống thiếu lành mạnh cho giới trẻ và nay lại cho rằng: “Nếu phụ nữ Việt Nam tăng tiêu chuẩn chọn chồng thì kinh tế Việt Nam sẽ phát triển hơn”(!)
Muốn nhận định, đánh giá về người phụ nữ nào đó, người xưa đã đúc kết: “Vàng thì thử lửa thử than/ Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời”. “Thử lời” ở đây là thử tài nói năng, ứng xử, đối đáp (ngôn) của phụ nữ. Chữ “ngôn” của phụ nữ thời nay không đòi hỏi phải quá khắt khe, câu nệ theo kiểu “bảo gì nghe nấy”, nhưng với chị em, nhất là những “người của công chúng” càng cần nói năng, phát ngôn lịch thiệp, đoan trang.
Chuẩn mực trong ngôn từ giao tiếp là điều tất cả mọi người cần thường xuyên học hỏi, rèn luyện, nhưng đối với phụ nữ, chuẩn mực nói năng phải thể hiện đúng lúc, đúng chỗ và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh giao tiếp. Mọi sự quá đà, lai căng, xô bồ tràn vào lời ăn tiếng nói của người phụ nữ không những làm giảm hình ảnh, danh dự, uy tín, nhân phẩm của chính họ mà còn làm vẩn đục môi trường văn hóa ứng xử trong xã hội, cộng đồng và gia đình./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét