Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Ninh Bình kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và du lịch di sản

 

Kể từ khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014, công tác bảo tồn, phát huy Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình để hiểu hơn về câu chuyện này.

Phóng viên (PV): Tròn 10 năm trở thành Di sản hỗn hợp thế giới, Tràng An đã có những đóng góp gì cho sự phát triển của Ninh Bình, thưa ông?

Ông Bùi Văn Mạnh: Từ khi được UNESCO ghi danh, Tràng An đã khẳng định được thương hiệu du lịch trong nước và quốc tế. Từ hơn 2,2 triệu lượt khách năm 2014, Tràng An đón hơn 4,6 triệu lượt khách năm 2023, doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. Mỗi người dân trong vùng di sản đã trở thành người bảo vệ di sản, hướng dẫn viên du lịch, đại sứ đưa Tràng An vươn tầm quốc tế.

Số lao động trực tiếp tại Tràng An đạt hơn 10.000 người, lao động gián tiếp hơn 20.000 người. Thu nhập của cộng đồng dân cư địa phương từ các hoạt động phát triển du lịch được nâng cao rõ rệt. Các chuyên gia của UNESCO khẳng định: Tràng An đã đóng vai trò như biểu tượng trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa và bảo vệ cảnh quan, môi trường trên toàn thế giới, giúp thúc đẩy sự hiểu biết giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

PV: Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay từng khen di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn tôn trọng thiên nhiên. Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm của địa phương?

Ông Bùi Văn Mạnh: Công tác bảo tồn giá trị di sản thế giới Tràng An gắn với phát triển bền vững đã có sự cân bằng tương đối tốt, hài hòa giữa bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chủ trương và chính sách phát triển bền vững gắn với bảo đảm sinh kế cho người dân đã làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương trong khu di sản, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục, nhiều ngành nghề mới, sinh kế mới được tạo ra, đặc biệt, đã có sự gắn kết giữa các hoạt động du lịch với nông nghiệp và trải nghiệm cuộc sống của người dân.

Ngoài việc bám sát sự chỉ đạo của Đảng và sự điều hành của chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, Ninh Bình đã chủ động xây dựng cộng đồng dân cư sinh sống trong khu di sản là trung tâm trong công tác bảo tồn di sản, biến họ thành “tai mắt” trong công tác quản lý di sản, để di sản phải “sống” cùng với sinh kế và đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét