Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

MỘT CẬU NHÓC THEO VỆ QUỐC ĐOÀN CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ TỔ QUỐC ĐẾN ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN, THẦY THUỐC NHÂN DÂN

 Khi xem Đào, phở và piano, có tình tiết nhắc đến những người lính quân y Vệ quốc toàn, từ Hà Nội vượt lên vùng đồi núi chiến khu để chiến đấu cho cách mạng. Mình bỗng chốc nhớ đến một người có xuất phát điểm như vậy...

Một con người xuất sắc của trường Bưởi (Chu Văn An ngày nay), nghỉ học rồi làm Tự vệ thành Hoàng Diệu rồi chiến đấu ở Lĩnh Nam, Hàng Đậu trong những giờ phút khói lửa Toàn quốc Kháng chiến… Một người mà 16 tuổi đã lẽo đẽo chạy theo những chiến sĩ trong Cách mạng tháng Tám để băng bó vết thương, đợi chờ đến năm 18 tuổi để được vào làm y tá của Cục Quân y. Một con người khóc đến đỏ mắt chứng kiến đồng đội hy sinh do bỏng nặng vào những ngày đầu Pháp quay trở lại Hà Nội mà không có thuốc cứu. Tại trận Điện Biên Phủ, phải tận tay cưa tay, chân của người học trò bị trúng mảnh pháo. Đến Khe Sanh và Mậu Thân 1968, phải đứng mổ nhiều ngày liên tục để cứu chữa đồng đội đến mức kiệt sức và thở dốc… Đau lòng ngất lịm đi khi bất lực nhìn đồng đội hy sinh khi bị trúng bom Napalm… Mọi khoảnh khắc đau lòng, bi hùng nhất của kháng chiến đều đã trải qua.
Người mà mình nhắc đến trong bài là Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học, từng là Giám đốc Học viện Quân y, Giám đốc sáng lập Viện bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, Viện trưởng Viện Quân y 103, một người bạn của bác Giáp và một học trò của Cụ Hồ, một trong những trụ cột vĩ đại của y học kháng chiến Việt Nam cùng với giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch… Một con người mang tên Lê Thế Trung.
Một câu chuyện ít người biết về việc chiến sĩ Lê Thế Trung đã từng được người đồng bào Mường chỉ về cây xạ đen dùng cho việc cứu chữa nhiễm khuẩn cho các chiến sĩ Việt Minh. Do điều kiện di chuyển, làm việc, mãi sau này vào những năm 1980, Giáo sư Lê Thế Trung mới có điều kiện tìm kiếm quay trở lại phát hiện, tìm hiếm và công bố đề tài khoa học về loại cây bình thường nhưng có tác dụng phi thường này.
Năm 1971, người lính Lê Thế Trung mang theo những mẫu vật tội ác chiến tranh đến Hội nghị hòa bình quốc tế ở Oslo, Na Uy. Bao gồm: bình phoóc-môn chứa gan người bị bom Napalm đốt cháy, những hộp sọ có nhiều vết lỗ do bom bi, những mảnh xương sườn bị đốt cháy vẫn còn dính chút thịt…
Từ những lần chứng kiến đồng đội hy sinh do bom xăng, bom cháy, Napalm… trong các cuộc kháng chiến, Giáo sư Lê Thế Trung đã nuôi trong trái tim và khối óc một khát khao mãnh liệt là phải tạo ra một thứ thuốc giúp đồng đội thoát ra khỏi cửa tử. Loại thuốc đó là thuốc bỏng B76, được dùng phổ biến cho đến tận ngày nay. Đề án nổi tiếng một thời về loại thuốc này mang tên: “B76 chống lại B52” - B52 ở đây chính là pháo đài bay nổi tiếng đã trút bom xuống quân, dân ta.
Trong thời hiện đại, Giáo sư Lê Thế Trung chính là “tổng chỉ huy” của ca ghép tạng đầu tiên của Việt Nam, là một trong những người đặt nền móng cho ngành ghép tạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ như ở hiện tại. Trước đó, chính Giáo sư Lê Thế Trung cũng là người đầu tiên thực hiện các ca phẫu thuật ghép da cứu các chiến sĩ bị bỏng nặng tại Chiến dịch Khe Sanh. Một bước đột phá giúp tăng tỷ lệ cứu sống các chiến sĩ bị bỏng hy sinh trong chiến đấu.
Khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên, Giáo sư Lê Thế Trung đã 78 tuổi. Khi người ta hỏi Giáo sư rằng tại sao ở độ tuổi này, giáo sư vẫn đứng mổ tận 16 tiếng. Giáo sư Lê Thế Trung vừa cười, vừa trả lời rằng: “Tôi đã từng đứng mổ 3 ngày liền cứu chữa đồng đội ở Khe Sanh, như thế này chưa là gì đâu. Tôi già rồi, nhưng vẫn tinh lắm”.
Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (27/02) mình xin nhắc đến một con người anh hùng, cống hiến hết cuộc đời cho cách mạng và sự nghiệp xây dựng Tổ Quốc, một con người từ công nhân ngành in trở thành một người bác sĩ bậc thầy, một người từng vào sinh ra tử từ những ngày tháng gian khó nhất của Tổ Quốc… Như ai đó đã từng nói: “Tôi đặt trọn Tổ Quốc vào trong trái tim”. /.
St

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét