Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

 

80 NĂM XỨNG DANH ĐỘI QUÂN VĂN HÓA

Quân đội nhân dân Việt Nam xứng đáng được gọi là đội quân văn hóa, vì đã thể hiện nổi bật trên 3 phương diện: Quân đội là một trường học lớn nuôi dưỡng và phát triển những phẩm chất, giá trị văn hóa cho mỗi quân nhân, từ binh nhì đến vị tướng; một nền nếp sinh hoạt, hoạt động văn hóa toàn diện, tự nguyện, chủ động, sôi nổi, vui nhộn và sáng tạo trở thành nhu cầu tự thân của bộ đội; khả năng sáng tạo những đỉnh cao trong tất cả lĩnh vực văn hóa, đặc biệt trong sáng tác văn học và các lĩnh vực nghệ thuật.

Một kỷ niệm thời thơ ấu cách đây 70 năm vẫn hằn sâu trong trí nhớ của tôi. Hồi ấy, năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ đội về làng tôi rất đông. Các anh đóng quân tại đình làng. Những buổi chiều tối, bọn trẻ chúng tôi lại tụ tập để các anh dạy hát, dạy múa. Tôi vẫn nhớ không khí ngày ấy lúc nào cũng rộn ràng lời ca, tiếng hát về tình đoàn kết Việt-Trung-Xô. Tôi biết hát và biết múa từ đó.

Sau này, khi trở thành giảng viên đại học, tôi được tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật nổi tiếng của các tác giả mặc áo lính. Đặc biệt, khi trở thành người chiến sĩ thực thụ, rồi hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ trong Quân đội, tôi thấu hiểu nhiều hơn, sâu hơn về đồng đội mình, về Quân đội của chúng ta. Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-1984), trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình, tôi nhắc lại ý kiến các nhà nghiên cứu đã đúc kết: Chức năng cơ bản của Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất.

Song, từ trong thực tiễn 40 năm, cùng với việc hoàn thành xuất sắc 3 chức năng trên, đã hình thành và phát triển một đặc trưng riêng có của Quân đội ta là một đội quân văn hóa. Có lẽ, đội quân văn hóa này thể hiện nổi bật trên 3 phương diện: Quân đội là một trường học lớn nuôi dưỡng và phát triển những phẩm chất, giá trị văn hóa cho mỗi quân nhân, từ binh nhì đến vị tướng; một nền nếp sinh hoạt, hoạt động văn hóa toàn diện, tự nguyện, chủ động, sôi nổi, vui nhộn và sáng tạo trở thành nhu cầu tự thân của bộ đội; khả năng sáng tạo những đỉnh cao trong tất cả lĩnh vực văn hóa, đặc biệt trong sáng tác văn học và các lĩnh vực nghệ thuật.

 “Ở đâu có bộ đội, ở đó có tiếng hát” và “Tiếng hát át tiếng bom”. Những câu tổng kết ấy là hình ảnh tượng trưng cho môi trường Quân đội-môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú mới hình thành và định hình nhân cách văn hóa của quân nhân cách mạng-Bộ đội Cụ Hồ. Suốt 80 năm qua, môi trường Quân đội luôn là điểm sáng của các giá trị văn hóa. Hàng triệu bà mẹ, người cha đã trao con em mình cho Quân đội với niềm tin lớn lao rằng, con mình sẽ trưởng thành với những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, của CON NGƯỜI (viết hoa). Điều đó là một sự thật lịch sử suốt 80 năm qua! Không thể tính hết được từ trong những người lính bình thường, những binh nhì, binh nhất tuổi mười tám, đôi mươi, trải qua những thử thách khắc nghiệt và sống trong môi trường được rèn luyện của Quân đội đã trở thành những con người của Đảng, những anh hùng, những người chỉ huy tài năng, những nhà khoa học, những trí thức lớn, những nhà văn hóa, văn nghệ sĩ nổi tiếng... Và hàng triệu người lính trở về với đời thường vẫn giữ vững phẩm giá văn hóa Bộ đội Cụ Hồ. Đội quân văn hóa, theo ý nghĩa sâu xa nhất của nó, chính là đội quân Bộ đội Cụ Hồ-một giá trị văn hóa quân sự độc đáo và thuần túy Việt Nam. Đó cũng chính là một giá trị lớn của văn hóa Việt Nam hiện đại.

Gần đây, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có gửi cho tôi bộ sách gồm 5 quyển "Tổng tập nhà văn Quân đội", độ dày của bộ sách khoảng 30cm, trong đó có 366 tác giả, mỗi người chỉ được chọn một vài bài tiêu biểu. Tôi lẩn thẩn thử tính toán: Nếu gộp tất cả tác phẩm đã xuất bản trong 80 năm qua của các nhà văn đã và đang mặc quân phục, có lẽ độ dài của nó phải khoảng 300-400m, hoặc đến 1-2km. Đó là một hiện tượng khó tưởng tượng nổi. Vâng, văn chương không chỉ tính bằng độ dài, song trong hàng nghìn tác phẩm đó có rất nhiều tác phẩm đã đi vào lòng người, tạo nên sức mạnh cổ vũ, vẫy gọi lớn lao các thế hệ thanh niên cầm súng chiến đấu, giải phóng, bảo vệ Tổ quốc và trở thành người bạn thân thiết, tin cậy của nhân dân trong suốt 80 năm qua. Tên tuổi nhiều nhà văn Quân đội đã trở thành dấu mốc quan trọng trong những bước ngoặt lịch sử của văn học hiện đại Việt Nam như chặng đường “nhập cuộc” những năm đầu chống thực dân Pháp, như sự có mặt trên khắp các chiến trường miền Nam trong những tháng năm chống Mỹ, cứu nước và cả dấu hiệu khởi đầu cho sự đổi mới văn học từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước...

Không chỉ văn học, trong môi trường Quân đội, từ những chiến sĩ cầm súng chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã xuất hiện và nở rộ những tài năng trong các loại hình nghệ thuật: Âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, nhiếp ảnh... và hàng nghìn nghệ sĩ biểu diễn như đạo diễn, diễn viên... Họ đã trực tiếp tạo nên diện mạo mới của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Trong đó, tôi không đủ sức kể hết có hàng trăm tài năng lớn không chỉ của Quân đội mà của cả dân tộc, đất nước ta.

Nếu liệt kê danh sách, khó có thể đầy đủ. Cho phép tôi nghĩ đến một danh hiệu cao quý, độc đáo mà các anh, các chị đã là những người tạo dựng nên: Chiến sĩ-nghệ sĩ, nghệ sĩ-chiến sĩ. Đó là danh hiệu chung của hàng vạn người đã và đang khoác trên mình bộ quân phục, trong họ đồng thời mang những phẩm chất, bản lĩnh cao đẹp của người lính và tài năng thực thụ của nhà văn, của nghệ sĩ. Xin nghiêng mình tưởng nhớ những người đã cống hiến, hy sinh trong các cuộc chiến đấu giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, những người đã qua đời nhưng suốt đời giữ gìn giá trị văn hóa sáng ngời trong nhân cách của mình: Chiến sĩ-nghệ sĩ.

Tôi tự hỏi vì sao Quân đội ta lại có được truyền thống và đặc trưng độc đáo trên? Chắc chắn chưa thể đầy đủ, tôi tự tìm câu trả lời. Cuộc chiến đấu chính nghĩa vì mục tiêu sống còn của cả dân tộc: Độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trở thành lời hiệu triệu các thế hệ thanh niên ưu tú vào Quân đội. Những thử thách khốc liệt đến tận cùng, sự kiên cường rèn luyện và trụ vững đã tạo nên những nhân cách đẹp và tài năng lớn. Xin cảm ơn môi trường Quân đội-trường học lớn đã ươm mầm, nuôi dưỡng những nhân cách và tài năng đó. Xin cảm ơn nhân dân bình dị và vĩ đại, những người chiến sĩ từ binh nhì đến vị tướng qua các thế hệ đã trở thành nguyên mẫu, là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tạo nghệ thuật về đề tài yêu nước của những nghệ sĩ-chiến sĩ. Xin biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh-lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang. Riêng đối với những người lính làm nên đội quân văn hóa, xin được phép nhận rằng, với tư cách nhà thơ, nhà văn cách mạng, Bác Hồ kính yêu trở thành tấm gương ngời sáng và người đồng nghiệp vĩ đại của tất cả những người sáng tạo và hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật Quân đội.

Truyền thống và đặc trưng đội quân văn hóa của Quân đội nhân dân Việt Nam nhất định sẽ được bảo vệ, giữ gìn, phát triển trong hiện tại và tương lai, không chỉ vì bản thân văn hóa, hoạt động văn hóa mà sâu xa hơn, tiếp tục xây dựng và phát triển đội quân văn hóa này chính là một thành tố hữu cơ, không thể thiếu, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng và sức mạnh tổng hợp của mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại trong thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét