Gần 70 năm đã trôi qua, những người lính Điện Biên tuổi mười tám, đôi mươi năm xưa nay đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, chân yếu, mắt mờ. Khi nhắc về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, những người lính Điện Biên năm xưa như được tiếp thêm sức mạnh, vẫn nhớ như in kỷ niệm của những ngày gian khó và hào hùng làm "Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Với họ, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn là câu chuyện nóng hổi mỗi dịp gặp mặt để nhớ về những người đồng đội đã hy sinh, ký ức về những trận đánh nảy lửa, giành nhau từng tấc đất.
Ký ức hào hùng…
Về Tiểu khu 32, xã Cò Nòi để tìm ông Lê Công Bỉnh, sinh ngày 15/1/1930, 67 năm tuổi Đảng. Hôm đến, bước vào sân nhà đã thấy một người đàn ông mặc bộ quân phục với nhiều huân, huy chương đeo hai bên ngực tươi cười đón chúng tôi. Với nụ cười dễ gần, chất giọng ấm, ông Lê Công Bỉnh vừa bắt tay vừa mời vào nhà.
Bên ấm trà mới pha cùng các con trai và cháu nội của mình, vẫn nụ cười dễ gần, ánh mắt đầy tự hào, ông Lê Công Bỉnh, nói: "Tôi quê xã Thọ Vực, Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tham gia dân quân du kích và hoạt động thanh niên tại xã từ năm 1946, đến tháng 12/1949 tôi và các thanh niên ở xã đã xung phong đi bộ đội, được biên chế vào Cục Quân nhu liên khu A4. Tháng 12/1952, được điều động về Đại đội 115 cối 120mm, Tiểu đoàn 83, Trung đoàn 675, Đại đoàn 351 tham gia chiến dịch Thượng Lào. Tháng 12/1953, Tiểu đoàn 83 được điều động về Đại đoàn 312, hành quân bộ mất 20 ngày khiêng pháo cối 120mm từ Tuyên Quang qua Yên Bái, Nghĩa Lộ, Bắc Yên để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngừng giây lát nhấp ngụm nước chè, ông Lê Công Bỉnh, bảo: "Đó là những ký ức hào hùng của dân tộc. Ngày ấy, những người lính hành quân ra trận với khí thế hừng hực, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Chúng tôi hành quân luôn phải bảo đảm bí mật, cứ ba đêm hành quân thì nghỉ một đêm. Chúng tôi 12 người khiêng ba bộ phận của khẩu pháo 120mm, miệt mài băng rừng, vượt núi".
Gian khổ nhất là khu vực bến phà Tạ Khoa, ngã ba Cò Nòi, bom đạn quân địch dội xuống suốt ngày đêm. Có hôm chuẩn bị cơm chiều thì máy bay ném bom không còn gì. Từ Yên Bái đến bến phà Âu Lâu qua đèo Lũng Lô, qua phà Tạ Khoa, đèo Chẹn đến Ngã ba Cò Nòi là con đường huyết mạch, độc đạo. Do vậy chủ trương của ta quyết bảo vệ con đường này cho đến cùng.
Ông Lê Công Bỉnh nhớ lại: "Ngày đó, bộ đội công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến được giao nhiệm vụ bảo đảm lưu thông trên con đường này từng giây, từng phút đối mặt với nguy hiểm. Tại ngã ba Cò Nòi, để duy trì tần suất đánh phá liên tục 24/24 giờ trong ngày, thực dân Pháp đã sử dụng tất cả các phi trường lớn ở miền bắc.
Trên bầu trời ngã ba Cò Nòi không lúc nào vắng bóng những loại máy bay tối tân bậc nhất thời bấy giờ như: Hen-cát, B26, B29... Ngã ba Cò Nòi nhỏ hẹp, heo hút bỗng biến thành nơi không lực Pháp ném đủ loại bom tạ, bom tấn, bom xuyên, bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom napal...".
Khi nhắc tới những kỷ niệm chiến trận, ông Lê Công Bỉnh lặng đi một hồi, rồi ông phấn chấn trở lại: "Lính trận như chúng tôi thì nhiều kỷ niệm lắm, nhất là những hình ảnh đồng đội kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh trước bom, đạn thì không thể quên được, như đánh trận Him Lam từ 4 giờ sáng đến 7 giờ sáng, khi đó tôi là pháo thủ số một, còn hai đồng đội khác cùng tổ đội pháo đã hy sinh trong trận này. Trong đó, có đồng chí Tài cùng quê Thanh Hóa với tôi, là pháo thủ số 3, lúc hy sinh 45 tuổi bị đạn bắn xuyên qua bụng.
Trước khi ngừng thở, đồng chí Tài vẫn còn nói “Báo cáo Tiểu đội trưởng, tôi đã hy sinh”… Đến ngày 7/5, ở khu vực cầu Mường Thanh, chúng tôi đã chứng kiến thời khắc lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ khi tướng De Castries cùng hàng ngũ tướng lính đầu hàng quân ta. Lúc đó, tướng De Castries mặc quần sóc, áo vàng, đội mũ chào mào cũng màu vàng, tay cầm ba-tong đi ra từ hầm chỉ huy...
Sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc
Sinh cùng năm, cùng tháng, đều là lính Điện Biên, chỉ khác là sinh trước ông Lê Công Bỉnh 14 ngày, cựu chiến Binh Nguyễn Văn Bể, quê làng Trung Đạo, xã Trung Hưng, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên cũng là một trong những nhân chứng sống trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Hiện ông cư trú tại bản Xi Măng, xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Dù đã 95 tuổi, nhưng khi nhớ về những năm tháng hào hùng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Bể như được tiếp thêm sức mạnh, chất giọng vẫn mạnh mẽ.
Theo lời ông Nguyễn Văn Bể, ngày 7/2/1951, ông xung phong đi bộ đội, được biên chế thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, nhiệm vụ là lính thông tin, luôn cận kề bên đồng chí Dũng Chi, Tiểu đoàn trưởng, người Nghệ An.
Ngày đó, để bảo đảm bí mật, ông Bể cùng các thanh niên khác vào bộ đội đều không biết sẽ đi đánh trận ở đâu. Ngày đó, được phân công lên Bắc Giang học chính trị, sau đó lên đánh ở Mộc Châu, Nà Sản và rút về Thanh hóa. Được một thời gian di chuyển lên đánh Nà Sản nhưng địch rút sang Lào và tiếp tục truy kích đánh địch, lại được báo địch đã nhảy dù ở Điện Biên, nên quay lại đánh Điện Biên.
Lúc đó, quân ta toàn phải leo núi, băng rừng. Ngày đó những người lính thông tin như ông Bể phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, khu vực nào đường dây bị đứt là lính thông tin phải có mặt để nối lại, bảo đảm mọi thông tin, lệnh, chỉ thị của cấp trên được truyền đi nhanh chóng và kịp thời, giữ bí mật để phục vụ công tác triển khai chiến thuật, phương án tác chiến.
Khi được hỏi về những trận đánh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đôi mắt ông Nguyễn Văn Bể nhìn xa xăm, nhớ lại: "Nhiều lắm, kể cả ngày cũng không hết được những tấm gương của bộ đội mình, những tấm gương chiến đấu không run sợ trước hỏa lực của địch, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc".
Trong đó có trận đánh đồi A1 luôn in đậm trong trí nhớ ông Nguyễn Văn Bể. Bởi khi đó, đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong hệ thống phòng tuyến 5 quả đồi phía đông bảo vệ khu trung tâm Mường Thanh. Tại đây, địch đã bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự, trận địa kiên cố, vững chắc.
Đến 14 giờ chiều ngày 6/5/1954, pháo tại các trận địa của ta bắn đồng loạt trong một tiếng đồng hồ vào đồi A1. Sau đó, bắn vào sân bay khoảng 30 phút, tiếp đến bắn vào đồi pháo của địch ở Hồng Cúm gần một tiếng đồng hồ. Quân địch khi đó chống trả rất quyết liệt với hỏa lực mạnh, ta và địch giành nhau từng tấc đất.
Vẫn giọng kể mạnh mẽ, ông Nguyễn Văn Bể hào hứng: "Sau buổi tối đánh đồi A1, diệt được ụ súng của địch với tên gọi là “ụ súng thằng người”, chúng tôi rút về nơi đóng quân cách đồi A1 khoảng 700m, đến khoảng 5 giờ sáng 7/5/1954 thấy rất nhiều quân địch đi ra ở khu vực đồi Độc Lập, Châu Ún, tôi mới gọi báo cáo cấp trên là địch đang ra phản công và xin chỉ thị.
Tuy nhiên, sau đó cấp trên yêu cầu không được nổ súng vì thấy địch kéo cờ trắng ra hàng. Với khí thế tiến công không ngại hy sinh, các đơn vị của ta đã làm chủ đồi A1 và các khu vực khác, góp phần cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng".
Câu chuyện của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa về những tháng năm lịch sử, “cả nước cùng nhau ra trận” làm nên chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn rất nhiều và dài. Điểm chung nhất trong câu chuyện của những người lính Điện Biên năm xưa: Họ đều là những người quả cảm, có tình yêu quê hương, đất nước, là niềm tự hào của dân tộc và tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ hôm nay noi theo./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét