Ngày 5 tháng 8 năm 1973, sự liều lĩnh của tuổi 21 đưa tôi về đơn vị mới. Mặt trận Bắc Bình Định, Nam Quảng Ngãi nóng như đổ lửa, cái nóng của mùa khô được nhân lên bởi bom, đạn địch trút xuống như thiêu đốt mọi thứ.
Từ căn hầm sau vườn nhà chú Năm ở huyện Hoài Nhơn tôi nhắm cồn cát Hoài Châu trắng xóa đến lóa mắt lao tới. Thấy bom, pháo địch đánh phá cồn cát và tiếng súng bộ binh từ đó bắn về hướng địch, tôi biết đấy là trận địa phòng ngự của quân ta. Đang chạy, một loạt pháo địch xé gió cắm xuống trước mặt, theo phản xạ tự nhiên, tôi vội nằm xuống, úp mặt sát đất. Một tiếng nổ ục cùng dư chấn sâu dưới mặt đất… Sau mấy giây, tôi mới biết đó là đạn khoan, tác dụng phá boong ke, hầm ngầm. Tôi gặp được Trung đội du kích, hơn 10 người cả nam và nữ đang phòng ngự ở đây. Có lẽ bộ quân phục lính miền Bắc trên người tôi đã sờn, giọng nói của dân khu Tư kèm theo giấy chứng nhận đoàn viên Đoàn 1040 (là phiên hiệu Tiểu đoàn 69, Sư đoàn 304 B Quân khu Việt Bắc đi B, vào miền Nam) nên Trung đội trưởng tin tôi là bộ đội. Nghe tôi nói muốn về đơn vị chiến đấu nhưng không rành đường, anh đã cho người dẫn tôi đi.
Anh du kích trẻ cùng tôi vượt qua cánh đồng rộng, đến gần những tiếng nổ của các loại súng bộ binh ta… Súng 12ly7 trên xe tăng địch rít qua đầu chúng tôi nghe chát chúa. Tôi đã đến được với Tiểu đoàn Bộ binh 6, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 - Sao Vàng. Báo cáo với thủ trưởng Tiểu đoàn tôi là văn thư Trường Quân chính Quân khu 5 xin đi chiến đấu và trình 3 tờ giấy, gồm Quyết định bổ nhiệm Tiểu đội phó (tháng 8-1972), Giấy chứng nhận đoàn viên ưu tú lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp đảng ở Đảng bộ khoa Toán Đại học Sư phạm Việt Bắc, Giấy chứng nhận đoàn viên Đoàn 1040. Chỉ huy đơn vị bảo tôi làm bản lý lịch tự thuật để xem xét.
Tôi được biết thủ trưởng Nguyễn Văn Hồng, Tiểu đoàn trưởng quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), Chính trị viên Tiểu đoàn quê ở Diễn Châu (Nghệ An), Trợ lý Chính trị quê ở Yên Thành, nói đến Nghi Lộc quê tôi thì các anh đều biết rõ từng xã. Tôi được biên chế tạm thời về Tiểu đoàn bộ. Anh Ngọ, Trợ lý Chính trị Tiểu đoàn “vừa là đồng chí lại đồng hương“ cho tôi biết Tiểu đoàn 6 và Trung đoàn 12 có truyền thống chiến đấu hào hùng, lập nhiều chiến công xuất sắc. Mấy ngày nay chiến đấu phòng giữ tại 2 xã Hoài Châu và Hoài Hảo đã đánh lui hàng chục đợt tấn công của địch nhưng ngày nào cũng có thương vong.
Anh nói: “Đồng hương muốn ở đơn vị chiến đấu thì hoan nghênh vì đơn vị đang cần thêm tay súng, nhưng phải chấp nhận gian khổ ác liệt!…”. Ngay sáng hôm sau tôi được nếm trải sự ác liệt. Khoảng 10 giờ trưa, chiếc máy bay L19 của địch quần lượn mãi trên khu vực bố trí của Tiểu đoàn. Nó nghiêng ngó, sà thấp đến mắt thường cũng có thể thấy được tên giặc trong buồng lái. Máy bay vừa khuất sau ngọn dừa đầu làng thì có tiếng hô từ chỉ huy Tiểu đoàn: “Tất cả vào hầm ngay, địch bắn pháo vào đây bây giờ!”.
Tôi đang thập thò ở cửa hầm thì bỗng: Ùng…ùng…ùng …oành…oành…oành…, những tiếng nổ ù hết hai lỗ tai. Khói bụi mù mịt, mùi thuốc súng xộc vào mũi, vào miệng khét lẹt, nhiều người ho sặc sụa. Căn hầm rung lên, đất đá rơi xuống rào rào, xoong nồi của anh nuôi bị mảnh đạn găm thủng lỗ chỗ, gùi thực phẩm bị xé nát, vung vãi khắp nơi, những cây cối còn sót lại bị tiện đứt, hầm hào bị sụt lở. Sau hơn 10 phút bắn phá, may mắn không có thương vong nhưng tinh thần chắc có người bị ảnh hưởng. Tôi và anh bạn thông tin nói với nhau: “Chỉ huy Tiểu đoàn giỏi thật, nắm được quy luật của địch nên đã chủ động phòng tránh!”.
Sau trận pháo bắn, tôi được cấp súng đạn và các trang bị chiến đấu. Đêm hôm đó, tôi cùng Trinh sát và Vận tải đi khiêng cáng thương binh về sơ phẫu tại Tiểu đoàn. Xong việc thì trời rạng sáng, lại một ngày chiến đấu ác liệt nữa diễn ra trên vùng đất Hoài Châu sinh tử, rồi lại thương vong, có những đồng chí chưa kịp ăn nắm cơm trưa đã ra đi mãi mãi.
Khoảng 10 giờ đêm, tôi nhận lệnh đi truyền đạt chỉ thị của chỉ huy Tiểu đoàn tới Đại đội 62. Một mình, một súng đi dưới ánh trăng non lúc mờ lúc tỏ. Cố nhớ lại đường đã đi đêm trước, qua làng, qua đồi cát, qua bãi tha ma có nhiều bụi dứa dại, qua cánh đồng… Thỉnh thoảng phải nằm vội xuống đất bởi pháo cối địch bắn gần. Có lúc rợn người vì tiếng động mạnh, ngón tay trỏ luôn đặt vào cò súng sẵn sàng nhả đạn...
Khoảng 3 giờ sáng mới hoàn thành nhiệm vụ trở về, tôi đã hiểu sự vất vả, nguy hiểm của lính chiến. Sau hai ngày Chính trị viên Tiểu đoàn cho gọi tôi lên gặp. Tôi hồi hộp, lo lắng nhưng bất ngờ khi nghe thủ trưởng nói: “Chúng mình nói chuyện chứ không phải hội họp nên cứ xưng anh, em cho thoải mái nhé!”. Tôi nghĩ: “Tình cảm cán, binh ở chiến trường thật gần gũi”. Anh hỏi thăm gia đình, quê hương, học tập, nhập ngũ… và lắng nghe tôi trả lời... Điều tôi mong muốn đã đến khi nghe: “Em muốn được chiến đấu là nguyện vọng chính đáng, em đã thấy chiến đấu là gian khổ, ác liệt, hiểm nguy…, phải có ý chí không sợ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ, phải đoàn kết thương yêu đồng đội để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ. Trước hết em hãy phấn đấu trở thành người đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam)… Đảng sẽ giao nhiệm vụ cho em và rèn luyện em trưởng thành!…”. Tôi hứa sẽ thực hiện những lời anh chỉ bảo.
Hơn một tuần sau tôi nhận quyết định về Đại đội 61-đơn vị chủ công của Tiểu đoàn 6 vừa có trận đánh xuất sắc ở xóm 2 thôn Hội An loại khỏi vòng chiến đấu 1 đại đội địch. Người đầu tiên tôi được gặp là anh Khánh-Chính trị viên quê ở Bắc Ninh. Anh trạc tuổi ngoài 25, lớn tuổi nhất trong đơn vị. Anh rất quan tâm đến cấp dưới như người anh đối với em. Ăn bữa cơm đầu tiên ở Đại đội tôi thấy chỉ hơn chục người, bởi một số đã hy sinh, số bị thương đi viện chưa về. Thiếu cán bộ Đại đội, Trung đội, có lúc Chính trị viên chỉ huy trực tiếp tới Tiểu đội trưởng. Thế nhưng Đại đội liên tục nhận nhiệm vụ chiến đấu và chiến đấu thắng lợi.
Trận đánh đầu tiên tôi được tham gia là vận động tiến công kết hợp chốt ở Nam cồn cát, đánh bại đợt tấn công của một đại đội bộ binh địch, diệt nhiều tên, thu nhiều vũ khí trang bị. Tiếp theo là trận phục kích ở thôn An Quí đánh thiệt hại nặng 1 Đại đội bộ binh và cơ giới địch, bắn cháy 3 xe tăng và xe thiết giáp, chiếc xe tăng M41 nổ tung tại trận địa. Đại đội được bổ sung quân số, cơ động ra Hy Thế vận động tiến công đánh bại mũi vu hồi của địch từ hướng Đông Bắc vào Bình Đê và Bắc Hoài Châu… Đại đội về Hoài Hảo củng cố lực lượng, học tập chính trị, huấn luyện bổ sung một tuần. Cán bộ trong Đại đội thay đổi, phát triển đi lên. Tôi được bổ nhiệm làm Tiểu đội trưởng, được anh Vĩnh đảng viên y tá Đại đội bồi dưỡng về Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam, hướng dẫn viết đơn xin gia nhập Đảng.
Cuộc chiến đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng ngày càng ác liệt hơn. Có ngày địch đã chiếm được các thôn Qui Thuận, An Quí song rồi lại bị đẩy lùi. Sư đoàn 22 ngụy quân Sài Gòn có 2 Trung đoàn bị tổn thất nặng. Địch điều một Liên đoàn Biệt động vào tiếp tục tấn công lấn chiếm. Đại đội 61 nhận nhiệm vụ phòng ngự đối diện quân địch trong cứ điểm ở đồi Chín, đồi Mười phía Tây thị tứ Tam Quan, đường 1A. Chiến đấu phòng ngự trực tiếp gần địch căng thẳng, quyết liệt, liên tục nhưng Đại đội phối hợp cùng các đơn vị bạn đánh lui nhiều đợt tấn công của địch giữ vững trận địa.
Tháng 10 dương lịch đến, kéo theo mùa mưa về Hoài Nhơn. Khoảng cách giữa ta và địch là các ruộng nước và bãi mìn nên địch không dễ tấn công trong mưa. Hai bên tập kích hỏa lực và bắn tỉa khi phát hiện mục tiêu đối phương. Địa thế bên ta thấp hơn địch nên ở vị trí cảnh giới bí mật hay ngồi trong hầm trú ẩn đều bị nước ngập đến ngực, chúng tôi chia nhau từng mẩu thuốc lá để vơi đi cái lạnh. Niềm vui của lính phòng ngự là hằng ngày vẫn giữ vững trận địa, khi trời tối bò lên bờ, chờ anh nuôi đến, được ăn bát cơm nóng với cá chuồn khô kho với cùi dừa.
Có những đêm không mưa, được đón tốp thanh niên, phụ nữ đến giúp bộ đội làm công sự hay tặng quà là những gói kẹo, bịch thuốc lá cuộn ấm tình quân dân. Dưới ánh trăng mờ lính phòng ngự chỉ có quần đùi áo cộc, song cũng vội chấn chỉnh trang phục trước khi gặp chị em. Mỗi tuần được thay ca về tuyến sau một ngày ở thôn Liễu An, nghỉ ngơi tắm giặt. Được các má chăm sóc như con, nào là dừa xiêm, cơm nếp, trứng gà, đậu phộng… Mọi đứa đều phải chấp hành “mệnh lệnh” của má: “Các con chỉ được tắm, không được giặt, đứa nào giặt là má giận đó nghen. Tất cả áo quần phải để má giặt, cái nào rách má khâu vá cho!...”. Hết một ngày nghỉ lại ra chốt trong cái nhìn đầy tình thương và lo âu của các má, các chị, các em…
Những ánh mắt ấy, những tình cảm ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi kiên cường chiến đấu giữ vững mảnh đất vùng giải phóng. Gian khổ, ác liệt, hiểm nguy từng ngày, kể cả thương tật, bệnh tật… Trải qua những thử thách trong chiến đấu đã cho tôi dạn dày kinh nghiệm và trưởng thành. Rồi một ngày đầy ý nghĩa đến với cuộc đời tôi - ngày 26 tháng 10 năm 1973. Khoảng 8 giờ tối hôm ấy tôi được lệnh đi cùng Trung đội trưởng đến hầm chỉ huy của Đại đội. Căn hầm chữ A, có cửa vào hai phía đều hình chữ Z được che ni lông. Dưới ánh đèn dầu tôi thấy Quốc kỳ và Đảng kỳ đã treo lên vách, tự dưng trong tôi trào lên một nỗi niềm khó nói nên lời khi linh tính báo cho biết tôi sẽ được kết nạp Đảng tại đây, tại căn hầm này…
Thành phần đảng viên dự có: Chính trị viên Đại đội và là Bí thư chi bộ, Chính trị viên phó đại đội và là Bí thư Chi đoàn, y tá Đại đội là đảng viên (người giới thiệu tôi vào Đảng), các đảng viên khác gồm Trung đội trưởng Trung đội 3, Trung đội trưởng Trung đội 2 của tôi. Anh Nguyễn Trọng Ba, Bí thư chi bộ mời mọi người ngồi thành hàng ngang tựa vào vách hầm, hướng về phía cờ. Sau tuyên bố lý do, buổi lễ bắt đầu bằng một tiếng hô nho nhỏ trong hầm vừa đủ nghe: “Chào cờ… Chào!”. Mọi người giơ nắm tay phải lên ngang đầu, không hát Quốc ca và Quốc tế ca vì ở đây cách tiền duyên địch chưa đầy 300 mét. Sau chào cờ Bí thư chi bộ đọc quyết định của Đảng ủy cấp trên kết nạp tôi vào Đảng Lao động Việt Nam, thời gian dự bị 12 tháng…
Tôi xúc động, giọng run run, đọc lời tuyên thệ dưới cờ Đảng. Giao nhiệm vụ cho đảng viên mới, đồng chí bí thư nhấn mạnh: Đảng viên phải luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ cho quần chúng tin yêu và noi theo… Vừa nói đến đấy một quả pháo sáng địch nổ ngay trên bầu trời trung tâm trận địa. Biết chúng bắn pháo sáng lên để quan sát đề phòng quân ta tiềm nhập nên Bí thư vẫn bình tĩnh phân công tôi sinh hoạt ở tổ đảng 2 (Trung đội 2). Anh nhấn mạnh: "Các cán bộ trung đội và các đảng viên quan tâm bồi dưỡng quần chúng ở Trung đội phấn đấu vào Đảng, thực hiện chỉ tiêu: Tiểu đội có đảng viên, Trung đội có tổ đảng, nâng cao tỷ lệ lãnh đạo giữa đảng viên và quần chúng trong đơn vị, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ...”.
Pháo sáng địch vừa tắt, từng người thầm lặng nắm tay tôi chúc mừng rồi về vị trí chiến đấu. Đêm ấy, sau ca cảnh giới, tôi nằm trong hầm mà mãi không ngủ được. Không có phương tiện để báo ngay tin vui này về cho cha tôi rằng: “Cha ơi! Con đã trở thành đồng chí của cha rồi”. (Cha tôi vào Đảng từ năm 1948). Bước đầu tôi đã thực hiện lời căn dặn của anh Trần Sỹ Mỹ, Chính trị viên Tiểu đoàn: “Em hãy phấn đấu trở thành người đảng viên của Đảng”.
Từ chiến sĩ tôi trưởng thành sĩ quan trong đội hình Sư đoàn 3 Sao Vàng, liên tục chiến đấu tham gia giải phóng hoàn toàn miền Nam, rồi cơ động chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc ở Lạng Sơn. Được Đảng và cấp trên quan tâm rèn luyện, có đồng đội đoàn kết giúp đỡ, được nhân dân thương yêu đùm bọc, bản thân luôn nêu cao gương mẫu của người đảng viên.
Trải qua nhiều đơn vị, đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy từ cấp chiến thuật đến chiến dịch, tôi đều hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao. Cứ mỗi lần nhận huy hiệu 40, 45, 50 năm tuổi Đảng tôi lại nhớ những năm tháng chiến đấu ác liệt với quân thù, nhớ cái đêm 26 tháng 10 năm 1973-nhớ buổi lễ kết nạp đảng viên mới nơi trận địa, không hát Quốc ca.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét