Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

 

NGƯỜI ANH HÙNG TUỔI BÁCH NIÊN

Đầu tháng 12-2023, Hà Nội đón đợt không khí lạnh tăng cường, chúng tôi nhận niềm vui bất ngờ khi Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Phú Vỵ-người anh hùng đã hơn 100 tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng-nhận lời tiếp chuyện tại nhà riêng ở ngõ 305, tổ 10, phường Ngọc Thụy (Long Biên, Hà Nội).

Lời hứa là vàng

Đúng hẹn-20 giờ, dù được anh Nguyễn Phú Hồng-con trai út của Đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Phú Vỵ trực tiếp đưa vào nhà nhưng chúng tôi vẫn thấy lo. Lo là bởi giờ này, ở tuổi bách niên, chắc cụ Vỵ đã đi nghỉ ngơi. Thế nhưng khi mở cửa đón khách, cụ Vỵ nói cười vui vẻ: "Đã hứa tiếp các anh là phải giữ lời chứ!"

Và câu chuyện giữa ông cụ với chúng tôi cũng xuyên suốt bằng mạch nguồn của lời hứa như vậy!

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người thanh niên nông thôn Nguyễn Phú Vỵ quê ở Phúc Xá-bãi giữa sông Hồng (nay là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) xin vào làm công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ. Cùng với nhóm bạn trai làng, Nguyễn Phú Vỵ khai tăng tuổi (từ tuổi thật sinh năm 1924 thành sinh năm 1922) để được nhập ngũ. Mang khí thế hừng hực, sục sôi của Hà Nội mùa đông năm 1946, Nguyễn Phú Vỵ đã Nam tiến cùng đồng đội đánh giặc. Miệt mài đánh trận, ông bị thương và được tổ chức cho ra Bắc điều trị. Trước lúc tạm biệt đồng đội, ông hứa sẽ quay trở lại mặt trận tiếp tục chiến đấu.

Ra Bắc chữa trị vết thương, rồi theo sự phân công của tổ chức, ông tham gia chiến đấu ở hầu khắp vùng Đồng bằng Bắc Bộ với hơn 30 trận đánh lớn, nhỏ. Trong thời gian này, ông hứa với mẹ sẽ có lúc về phép để... cưới vợ. Giữ đúng lời hứa, ông "tranh thủ" về quê xây dựng gia đình với cô thôn nữ Nguyễn Thị Thành-người con gái nết na mà trước đó chưa biết mặt. Vợ chồng chưa quen hơi, nhưng vì lời hứa với đồng đội, ông lại vội trở ra chiến trường và thêm hai lần nữa bị thương ngoài mặt trận.

Nói về chồng, cụ bà Nguyễn Thị Thành xúc động kể: "Phúc đức của tổ tiên để lại nên hòn tên mũi đạn tránh ông ấy. Đã không biết bao nhiêu lần ông lên đường, rồi trở về, rồi lại lên đường... Chiến tranh không thể biết trước điều gì, nhưng ông ấy luôn giữ đúng lời hứa với bố mẹ, với tôi và với cả đồng chí, đồng đội".

Tiếp lời vợ, cụ Nguyễn Phú Vỵ nói như thể giải thích: “Đời quân ngũ có nhiều kỷ niệm, có nhiều lời hứa mà tôi đã thực hiện. Đó không chỉ là sự quyết tâm của riêng mình mà phải chăng, đó còn là sự may mắn, hoặc là sự sắp đặt ngẫu nhiên nào đó của tạo hóa”.

Nắm cơm để lại

Năm 1954, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Đại đoàn Đồng Bằng của Nguyễn Phú Vỵ còn nhiều trận đánh giải phóng tỉnh Nam Định. Trong trận chiến đấu ở Hải Hậu, đồng chí nuôi quân phát cho mỗi cán bộ, chiến sĩ một nắm cơm, là khẩu phần ăn tối. Trên đường cơ động, bộ đội tranh thủ ăn, người nào chưa kịp ăn thì để dành, dùng sau trận đánh. Tiểu đội ông Vỵ có chiến sĩ tên Bảo, người nhỏ con nên Tiểu đội trưởng Nguyễn Phú Vỵ rất thương, hay mang vác giúp các loại vật dụng. Trước khi bước vào trận đánh lần ấy, ông Vỵ ghép hết tư trang của Bảo để mang hộ, chỉ để nắm cơm cho đồng đội mang theo, ăn cho bảo đảm sức khỏe.

- Em chưa đói, để sáng mai ăn cho đỡ nhớ nhà anh ạ-chiến sĩ Bảo nói vậy. Nào ngờ trong trận đánh, người đồng đội đã anh dũng hy sinh khi nắm cơm ấp trên bụng còn hơi ấm. Nắm cơm ấy được đặt làm lễ chung cho các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh trên chính quê hương của Bảo.

Theo cụ Nguyễn Phú Vỵ, thời kháng chiến chống thực dân Pháp và cả kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đất nước, Quân đội còn nghèo, khẩu phần ra trận với những nắm cơm gạo tẻ độn cả ngô, khoai là chủ yếu. "Nắm cơm không chỉ quý ở cốt thực mà còn chan chứa nghĩa tình đồng chí, đồng bào. Thực tế, có những lúc đồng đội anh dũng hy sinh thì người còn sống sử dụng súng đạn của đồng đội để tiếp tục đánh giặc, còn cơm thì..."-nói đến đây, nước mắt cụ Vỵ lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo. Chúng tôi cảm nhận được ẩn chứa sâu xa trong ký ức những người đã kinh qua trận mạc như cụ Vỵ, để hiểu rằng vì sao trên bàn thờ tổ tiên mỗi gia đình, lúc thắp hương không thể thiếu những bát cơm trắng.

Làng có hai anh hùng

Quê hương cụ Vỵ ở làng Phúc Xá xưa. Cụ Vỵ nhớ lại, nhà cụ lúc ấy nằm ở vị trí bãi giữa sông Hồng. Sau này nước lớn, lũ lụt, sạt lở... nên chuyển vào trong đê thuộc địa giới hành chính phường Ngọc Thụy bây giờ.

Có điều rất thú vị, cũng rất tự hào, trong số những thanh niên làng Phúc Xá tòng quân ra trận đánh giặc, cùng với chàng trai Nguyễn Phú Vỵ còn có người em họ Nguyễn Phú Xuyên Khung, sau này là Đại tá và cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Đại tá Nguyễn Phú Xuyên Khung là người chỉ huy đào hào để bộ đội ta đặt khối bộc phá gần 1.000kg, điểm hỏa trên đồi A1 đêm trước ngày chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong dòng họ Nguyễn Phú, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Phú Vỵ là anh con bác ruột và Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Phú Xuyên Khung là em con chú.

Hoàn thành nhiệm vụ, hai người anh hùng-hai người lính Cụ Hồ trở về quê hương, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ và vui với cuộc sống thường ngày. Các cụ khi khỏe vẫn làm vườn, phụ giúp con cháu, tham gia xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp. Được biết, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Phú Vỵ là người đầu tiên tham gia thành lập Hội Cựu chiến binh phường Ngọc Thụy. Rất nhiều buổi trò chuyện của người anh hùng đã “tiếp lửa” cho nhiều thế hệ học sinh, thanh niên, giúp các bạn trẻ hiểu thêm, tự hào hơn về lịch sử vẻ vang, hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Hơn 100 tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Phú Vỵ đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho quê hương, đất nước. Trong gia đình cụ Vỵ, các con, cháu, chắt... đều siêng năng phấn đấu, trưởng thành. Trong đó, con gái của cụ Vỵ là Nguyễn Thị Thanh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Cháu nội của cụ Vỵ cũng có người đang phục vụ trong Quân đội. Thật tự hào và xin chia sẻ niềm vui với gia đình cụ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét