Đánh giá về lĩnh vực văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ đổi mới, bên cạnh ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ và những thành tựu đạt được, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta còn “thiếu những tác phẩm văn hóa, VHNT lớn phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực đối với con người”...
“Định vị” nhân vật thời đại trong tác phẩm văn học nghệ thuật
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm những nhận định mang tính khái quát trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, người lãnh đạo cao nhất của Đảng nêu rõ: “Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, VHNT lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”...
Đất nước ta đã trải qua gần 40 năm đổi mới, hội nhập và phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước đã đạt được những thành tựu rất to lớn, vẻ vang. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tầm vóc của công cuộc đổi mới là vậy, nhưng tại sao nền VHNT Việt Nam vẫn thiếu vắng những tác phẩm lớn? Đây là một câu hỏi rất khó tìm câu trả lời thỏa đáng.
Để lý giải thấu đáo vấn đề đặt ra, có lẽ phải cần đến những cuộc hội thảo, những công trình nghiên cứu quy mô. Tuy nhiên, dưới góc nhìn biện chứng theo quan điểm của Đảng về VHNT, sự thiếu vắng các tác phẩm lớn, phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới của đất nước, nguyên nhân chủ quan và trước hết vẫn thuộc về lao động sáng tạo của nhà văn, nghệ sĩ. Tác phẩm VHNT được tạo nên bởi nhân vật. Thiếu tác phẩm lớn đồng nghĩa với việc chúng ta đang thiếu hình bóng của nhân vật thời đại.
Tác phẩm VHNT thể hiện góc nhìn, cảm xúc, trình độ và thái độ của tác giả đối với hiện thực xã hội. Mỗi giai đoạn lịch sử, VHNT sẽ “định vị” những dạng, tuyến nhân vật trung tâm của thời đại. Thông qua nhân vật để xây dựng tác phẩm. Đời sống của nhân vật cũng chính là sức sống của tác phẩm. Nhìn lại lịch sử dân tộc, chúng ta thấy rõ: Trong thời kỳ đất nước bị thực dân, phong kiến đô hộ, người nông dân là tuyến nhân vật trung tâm. Những chị Dậu, Chí Phèo, Thị Nở, vợ chồng A Phủ... đã trở thành những nhân vật thời đại, có sức sống xuyên thời gian. Thời kỳ lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mảng đề tài chiến tranh cách mạng, Bộ đội Cụ Hồ và hậu phương chiến sĩ đã dựng nên những nhân vật thời đại và hàng loạt tác phẩm lớn mang tầm vóc thời đại.
Thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang... ngày càng được khẳng định. Họ chính là nguồn nhân lực chủ yếu của đất nước, mang khát vọng dân tộc hùng cường, đất nước phồn vinh. Đời sống và sự cống hiến của họ chính là chất liệu để nhà văn, nghệ sĩ xây dựng thành nhân vật trung tâm trong các tác phẩm. Hiện nay, Hội Nhà văn Việt Nam và hai tổ chức Hội ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có gần 2.000 nhà văn hội viên. Hằng năm, các tác phẩm VHNT xuất bản trong cả nước lên đến con số hàng nghìn đầu sách. Số lượng tác phẩm rất nhiều, nhưng tác phẩm chất lượng cao lại rất hiếm.
Nhìn sang các loại hình nghệ thuật, đáng chú ý nhất là điện ảnh, sân khấu, phim truyền hình... những tác phẩm được dư luận chú ý cũng rất thưa vắng nhân vật thời đại. Soi gần những bộ phim “cháy” phòng vé, doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng thời gian qua, công chúng cũng thấy rõ, đề tài và nhân vật chính chỉ quanh quẩn chuyện gia đình, mối quan hệ vợ chồng, cha con, chuyện ngoại tình, đồng giới, cờ bạc, gái bán dâm, khách làng chơi, xã hội đen... Thêm nữa là kiểu nhân vật hài hước, chọc cười, mua vui... Những đề tài, dạng nhân vật ấy là một phần của đời sống xã hội, nhưng nó không phải là mẫu nhân vật đại diện cho xã hội, không phải là nhân vật trung tâm của thời đại. Thiếu nhân vật thời đại nên đời sống VHNT thiếu tác phẩm mang tầm vóc thời đại. Đó là lẽ tất yếu...
Nguy cơ suy thoái từ kiểu nhân vật bị biến dạng
Trong phạm vi bài này, chúng tôi không bàn sâu về chuyên môn, học thuật của hoạt động VHNT. Công việc đó thuộc về các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT. Nêu những vấn đề trên là để có cơ sở thấy rõ hơn những nguy cơ suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống trong những phân khúc nhất định của đời sống VHNT. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ rõ, một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là: “... Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng...”.
Bởi, sự cảm thụ, đánh giá tác phẩm VHNT là yếu tố thiên về cảm tính nên những biểu hiện lệch lạc trong sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT cũng rất khó để có thể “chỉ mặt, đặt tên”. Tuy nhiên, đứng trên lập trường quan điểm của Đảng về VHNT, không khó để chúng ta cảm nhận, nhận diện những kiểu lệch lạc ấy. Một trong những biểu hiện đó là kiểu làm biến dạng nhân vật thời đại. Chẳng hạn, khi xây dựng nhân vật cán bộ lãnh đạo thì đó là kiểu người tham ô, tham nhũng, thủ đoạn, dối trá... đến tận cùng. Nhân vật doanh nhân thành đạt thì hóa ra lại là “ông trùm xã hội đen”, buôn ma túy. Nhân vật trí thức thì xảo trá, ma mãnh, lừa thầy, phản bạn... Đọc sách chỉ thấy từ đầu đến cuối bức tranh xã hội đầy màu đen của tiêu cực; xem phim chỉ thấy toàn cảnh đâm chém, máu me rợn người, lọc lừa, dâm ô, ngoại tình... Đành rằng sáng tạo tác phẩm VHNT là phải hư cấu, nhưng khi mặt trái của xã hội bị khai thác, đẩy đi quá đà thì thông điệp về cái hay, cái đẹp, cái nhân văn (nếu có) cũng sẽ bị lu mờ, che lấp. Khi tuyến nhân vật trung tâm bị “nhào nặn”, hư cấu quá đà dẫn đến biến dạng, đời sống cảm xúc, tinh thần của công chúng sẽ bị lôi kéo, tác động, ám ảnh rất ghê gớm.
Vừa qua, tại một số diễn đàn về điện ảnh trên không gian mạng, nhiều khán giả đã để lại những dòng bình luận đáng suy ngẫm, chẳng hạn: “Vào rạp xem phim từ đầu đến cuối chỉ thấy xã hội đen thanh toán, đâm chém, hãm hiếp... thấy mệt mỏi quá”. Hoặc “Cuộc sống đã quá nhiều áp lực rồi, các nhà làm phim làm ơn mang đến nguồn năng lượng tích cực đi”... Có tài khoản thì mượn thơ của Lưu Quang Vũ để gửi thông điệp: “Bác thợ mộc nói sai rồi/ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/ Sao rãnh nước trong veo đến thế?...”.
Chính vì đề cao tính giải trí, muốn tác phẩm được chú ý bằng mọi giá nên không ít tác giả, tác phẩm đã bỏ quên chức năng xây dựng con người, chỉ chú trọng các mảng miếng câu khách. Ở đó, nhân vật trung tâm bị làm méo mó, biến dạng để trở thành công cụ gây sốc, giật gân. Trong một số trường hợp, đó còn là sự bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm...
Để ngăn chặn, phòng ngừa suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đời sống VHNT, cần thực hiện tổng hòa các giải pháp theo định hướng của Đảng. Nhưng trước hết và trên hết, vẫn là ý thức sáng tạo của nhà văn, nghệ sĩ. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ: “Chú trọng nâng cao giá trị tư tưởng nghệ thuật, đồng thời bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo VHNT; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam; hạn chế các lệch lạc, các biểu hiện chạy theo thị hiếu tầm thường”.
Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, một trong những yêu cầu đặt ra cho lao động sáng tạo của nhà văn, nghệ sĩ, đó là không được làm biến dạng nhân vật thời đại. Rõ ràng, xu thế thời đại và nhu cầu công chúng luôn luôn cần những tác phẩm phản ánh chân thực, sinh động cái hay, cái đẹp, cái nhân văn... của đời sống xã hội. Với phương châm lấy “xây” để “chống”, cái xấu xa, tiêu cực, có chăng chỉ là chất liệu, phương tiện để làm nổi bật hơn cái đẹp. Đó là cách để lấy hoa thơm lấn át cỏ dại, lấy cái đẹp dẹp cái xấu. Khi tác giả làm biến dạng nhân vật thời đại, vườn hoa trong mắt công chúng chỉ còn là đám cỏ dại. Những mầm mống suy thoái trong VHNT cũng từ đó mà ra...
St
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét