Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

 

NUÔI DƯỠNG VÀ TRAO TRUYỀN LÒNG YÊU NƯỚC CHO THẾ HỆ TRẺ

Cũng như mọi dân tộc trên thế giới, lòng yêu nước luôn có sẵn trong huyết quản mỗi người Việt Nam. Do ở vào một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt, đối với người Việt Nam, lòng yêu nước không chỉ là một tình cảm cao đẹp mà còn là một giá trị thiêng liêng và yêu nước không phải chỉ cầm súng để bảo vệ Tổ quốc mà còn phải đem hết sức mình ra để làm cho đất nước trở nên cường thịnh, phồn vinh.

Sinh cơ lập nghiệp trên một vùng đất có vị thế địa chính trị hết sức đặc biệt, từ bao đời nay, dân tộc ta luôn phải đối mặt với những thử thách hiểm nghèo. Đất nước tươi đẹp nhưng nằm ở vị trí giao thoa thường xuyên với các nền văn hóa khác. Những lý do ấy đã tạo ra cho chúng ta thách thức ngặt nghèo. Nếu không duy trì và phát huy được sức mạnh truyền thống yêu nước, chúng ta có nguy cơ không giữ được độc lập dân tộc, dễ bị khuất phục và đồng hóa. Do đó, với dân tộc Việt Nam, truyền thống yêu nước còn là cội nguồn sức mạnh để duy trì sự tồn vong của dân tộc.

Bài học thứ nhất là cội nguồn sức mạnh truyền thống yêu nước bắt nguồn từ tình yêu quê hương xứ sở; yêu đồng bào mình và niềm tự hào về văn hóa, về truyền thống đã làm nên những kỳ tích trong lịch sử. Có thể coi những điều này là hằng số bất biến của bất cứ dân tộc nào khi nói tới lòng yêu nước. Tầm mức của lòng yêu nước thường chịu tác động của 3 yếu tố. Trước hết, đó là lòng tin vào tiền đồ của đất nước. Yêu nước không thể có khi người ta thiếu sự tin cậy vào tiền đồ của đất nước. Thứ hai là lòng tin vào những người cầm lái vận mệnh của đất nước. Thứ ba là sự tự tin vào chính mình. 3 yếu tố này thường chịu tác động bởi thăng trầm lịch sử.

Có thời điểm, truyền thống yêu nước bị suy giảm, bị mất tác dụng là do tác động không thuận chiều của 3 yếu tố trên, bài học lớn nhất rút ra từ lịch sử là những người cầm lái vận mệnh đất nước phải giữ được mối quan hệ chặt chẽ với toàn dân. Ý chí toàn dân là nhân tố quyết định sức mạnh truyền thống yêu nước. Với 3 lần đánh thắng quân Mông-Nguyên xâm lược, quân và dân nhà Trần đã làm nên những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Thắng lợi đó là minh chứng hùng hồn, khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của vương triều Trần cùng tinh thần tự lực, tự cường, ý chí cố kết cộng đồng và quyết tâm bảo vệ non sông, bờ cõi của quân dân Đại Việt.

Một câu chuyện người ta hay nhắc tới là cuộc gặp có tính lịch sử vào năm 1995 giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, những người từng chỉ huy hai bên chiến tuyến, gặp mặt trực tiếp sau khi Việt-Mỹ bình thường hóa quan hệ. Khi đó, ông McNamara phát biểu rằng nếu như người Mỹ hiểu con người và lịch sử Việt Nam như thời điểm năm 1995, chiến tranh Việt Nam có thể đã không xảy ra.

Bài học thứ hai là giáo dục truyền thống. Truyền thống đã có trong dòng máu của mỗi người nhưng không phải tự nhiên mà có, nên phải được duy trì, khơi dậy và nuôi dưỡng bền bỉ, thường xuyên. Đại hội XIII của Đảng đã phát một tín hiệu: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”; đồng thời xác định mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây là khát vọng chính đáng, vì lợi ích của toàn dân, có cơ sở từ những điều kiện và cơ hội chín muồi. Chúng ta khơi dậy cái sẵn có trong huyết quản mỗi người Việt Nam, đó là lòng yêu nước. Yêu nước không chỉ là cầm súng để bảo vệ Tổ quốc mà còn phải làm cho đất nước trở nên cường thịnh, phồn vinh. Làm sao để thế hệ trẻ luôn tự hào, tự tin là điều rất quan trọng. Giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước trong nhà trường cũng vậy, không phải là đưa những bài học khô cứng, bắt học sinh học thuộc mà phải khơi dậy ý thức tự hào, tự tin để người học yêu thích môn Lịch sử, tự thân muốn tìm hiểu. Bắt buộc xưa nay chưa phải là giải pháp hay, mà khơi dậy, khuyến khích mới là cách làm căn cơ, tích cực.

Bài học thứ ba là sự gương mẫu của lãnh đạo. Lịch sử đã để lại rất nhiều bài học. An Dương Vương mất nước không phải vì không yêu nước, nhưng rõ ràng ông đã có những ứng xử sai lầm. Ông ưu ái đặc biệt với người con rể nước ngoài. Câu chuyện ấy vừa tạo ra mối nguy trong nội bộ chính quyền vừa khiến người dân không tin ông, thấy ông không còn là người đại diện cho nhân dân. Triều đại nhà Hồ mất nước cũng vì sự phiền hà, lòng dân oán phản. Nhà Nguyễn luôn cảnh giác người dân, dùng những hình phạt để tạo nỗi khiếp sợ quyền uy mà không tạo ra sức mạnh dân tộc nên thua... Đó là những bài học xương máu về việc những người cầm lái vận mệnh đất nước đánh mất lòng tin của nhân dân.

Bài học thứ tư là chăm lo sức dân. Đây là nguồn lực lớn nhất của mỗi quốc gia. Năm 1300, tức là cách đây hơn 700 năm, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn-Đức Thánh Trần-trước khi mất hai tháng đã tâu với Vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Đến nay, bài học này vẫn nguyên giá trị, chăm lo đến đời sống của dân, tạo ra sức mạnh để đảm nhận được các vị trí nền tảng của quốc gia. Nhân dân phải được coi là động lực để chính quyền thực hiện các chính sách của mình, nhưng đồng thời cũng là mục tiêu hướng tới của các chính sách của Nhà nước.

Bài học có ý nghĩa bao trùm khi nói tới duy trì, phát huy truyền thống yêu nước là chúng ta phải giáo dục cho các thế hệ kế tiếp về niềm tự hào và tự tin để nuôi dưỡng lòng yêu nước. Tự tin là một trong những nội dung rất cần cho giáo dục truyền thống hiện nay. Nếu chỉ kể về lịch sử, về những chiến thắng, chiến công, không chừng tuổi trẻ sẽ thấy đó là chuyện của cha ông, không phải chuyện của mình. Khi mỗi người tự tin vào chính mình và rộng ra là tự tin đến vận mệnh dân tộc mình sẽ góp phần dung dưỡng lòng yêu nước.

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ được thể hiện qua các thang bậc. Thứ nhất, giới trẻ được tiếp cận một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Những dữ liệu rất sống động, tràn ngập trên tất cả các phương tiện. Dữ liệu rất quan trọng nhưng nếu không có sự hướng dẫn để phân tích, xử lý, dữ liệu không làm nên điều gì, thậm chí còn gây nhiễu. Lọc dữ liệu và tìm ra thông tin là thang bậc thứ hai và là trách nhiệm của chúng ta. Thứ ba là thu được kiến thức gì từ việc chắt lọc thông tin. Tiếp đến, từ kiến thức phải tiến thêm một bước nữa để kiến thức ngấm vào người, trở thành sự thông tuệ. Cuối cùng là sự cảm nhận, phát triển tiềm năng và hỗ trợ người khác. Việc đó cũng giống như giữa một bó lá, chúng ta cô lại thành viên thuốc bổ cho người uống, chỉ cần một liều lượng vừa phải thôi nhưng nó ngấm và thấm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với 3 hằng số bất biến về lòng yêu nước và 3 yếu tố chịu tác động bởi thăng trầm lịch sử, chúng ta cần suy nghĩ làm thế nào để giáo dục thế hệ trẻ không chỉ yêu nước mà còn thấm ngấm những giá trị truyền thống đó để biến thành sức mạnh thời đại. Chúng ta có thể nhìn thấy người ta bỏ hàng chục triệu đồng mua vé vào sân vận động để xem một nhóm nhạc của Hàn Quốc, trong khi có mấy người bỏ tiền để mua cuốn sách lịch sử. Tại sao lại như vậy? Phải chăng, tuổi trẻ hiện vẫn bị hút, bị hướng vào những sở thích cá nhân? Tôi cho rằng điều đó là chính đáng nhưng chưa đúng hướng. Nếu con người chỉ biết chạy theo những ham thích cá nhân thì con người ấy rất khó có thể làm được điều gì lớn hơn ngoài bản thân mình. Không thể mang những hình mẫu, những công thức để áp đặt mà phải tìm giải pháp, cách thức khoa học và phù hợp, hướng người ta tìm tới.

Một yêu cầu đang đặt ra là cầu nối giữa dân với lãnh đạo cần được mở rộng, được làm sâu sắc thêm và hiệu quả hơn. Để nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, phải chú ý đến đời sống nhân dân. Khi đời sống của nhân dân được cải thiện, như mảnh đất có màu mỡ thì mới gieo trồng được những hạt giống tích cực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét